Phòng tránh hiểm họa từ sexting

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong thời đại số hóa, những hành vi từng được coi là riêng tư hay cấm kỵ đã và đang hiện diện công khai hơn bao giờ hết trên không gian mạng. Một trong số đó là sexting - hành vi gửi, nhận hoặc chia sẻ các nội dung có yếu tố tình dục qua thiết bị điện tử. Điều đáng nói là hành vi này không còn là “chuyện của người lớn” mà ngày càng xuất hiện nhiều ở trẻ vị thành niên.

Phòng tránh hiểm họa từ sexting - ảnh 1
Ảnh minh họa

Sexting không phải hành vi chơi cho vui
Sexting (kết hợp từ “sex” và “texting”) biểu hiện qua nhiều hình thức: Gửi ảnh hoặc video khỏa thân hoặc gợi dục; gửi tin nhắn mang nội dung tình dục, khiêu dâm; livestream hoặc trò chuyện có nội dung nhạy cảm. Điều đáng lo ngại là không ít trẻ tham gia sexting trong tâm thế tò mò, muốn thử nghiệm, bị dụ dỗ, lôi kéo hoặc đơn giản là để “vui vẻ”, nhưng lại không nhận thức đầy đủ về hệ lụy lâu dài.

Không ít vụ việc được truyền thông đưa tin đã cho thấy hậu quả nghiêm trọng khi trẻ em trở thành nạn nhân hoặc người thực hiện hành vi sexting. 

Điển hình như vụ việc tại Gia Lai, một nữ sinh đã trở thành nạn nhân của V.H.T.T (19 tuổi, Đồng Tháp) khi bị đối tượng này tống tiền và đe dọa tung ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội. Hoặc, vụ một nữ sinh 13 tuổi bị H.T.K (17 tuổi, Lạng Sơn) ép thực hiện hành vi “sexting” có trả phí thông qua gọi video trên facebook messenger. Tương tự như vậy, L.X.H bị L.C.T uy hiếp, sợ các hình ảnh và clip nhạy cảm bị phát tán nên H đã 2 lần chuyển tiền tổng cộng 2,4 triệu đồng. 

Những tình huống trên cho thấy rằng sexting không chỉ là hành vi “chơi cho vui”, mà là mầm mống dẫn đến bắt nạt, quấy rối, xâm hại và cả khủng hoảng tâm lý ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách và hình ảnh bản thân của các em.

Dưới góc nhìn tâm lý học, sexting ở thanh thiếu niên không thể đơn thuần xem là hành vi lệch chuẩn cá nhân, mà cần được đặt trong tổng thể các yếu tố: Sự phát triển sinh lý tuổi dậy thì, tác động từ môi trường truyền thông số, sự thiếu hụt trong giáo dục giới tính, và đặc biệt là vai trò định hướng từ gia đình.

Tuổi dậy thì là giai đoạn não bộ trẻ chưa hoàn thiện hoàn toàn về chức năng kiểm soát hành vi. Trung tâm cảm xúc phát triển sớm hơn vùng lý trí, khiến trẻ dễ có hành vi bốc đồng, hành động theo cảm xúc hơn là suy xét hậu quả. Bên cạnh đó, sự tò mò về cơ thể, mong muốn khẳng định bản thân hoặc tìm kiếm sự công nhận từ bạn bè và mạng xã hội có thể đẩy trẻ vào những quyết định thiếu cân nhắc, trong đó có sexting.

Khi trẻ không được giáo dục giới tính một cách toàn diện - tức không chỉ dạy về cấu tạo sinh học, mà còn là nhận thức về quyền riêng tư, giới hạn cá nhân, sự đồng thuận và nguy cơ trên không gian mạng thì các em sẽ dễ rơi vào trạng thái bị động hoặc hiểu sai về tình dục. 

Thêm vào đó, các nền tảng như TikTok, Instagram, facebook, zalo… với đặc trưng là hình ảnh và video. Các nền tảng xã hội này với khả năng lan truyền nhanh chóng và xu hướng tôn vinh hình ảnh cá nhân đã vô tình thúc đẩy tâm lý “bình thường hóa” hành vi chia sẻ hình ảnh cá nhân, bao gồm cả những nội dung nhạy cảm. 

Những rủi ro hiện hữu và hậu quả nghiêm trọng
Một trong những sai lầm phổ biến ở trẻ khi tham gia sexting là nghĩ rằng “xóa rồi là xong”. Tuy nhiên, đặc trưng của môi trường số là mọi nội dung đều có thể được lưu trữ, chụp lại, sao chép và phát tán chỉ trong vài giây. Hệ quả là trẻ có thể trở thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến, bị đe dọa, tống tiền hoặc gạ gẫm, từ đó dẫn đến những tổn thương tâm lý nghiêm trọng.

Từ góc độ lâm sàng, hậu quả của sexting đối với sức khỏe tinh thần không hề nhỏ. Trẻ có thể rơi vào tình trạng lo âu kéo dài, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), mất lòng tin vào bản thân và người khác. Không ít trường hợp phải bỏ học, tự làm tổn thương bản thân hoặc suy nghĩ tiêu cực về giá trị sống.

Bên cạnh đó, trẻ từ đủ 16 tuổi trở lên nếu phát tán hoặc lưu trữ hình ảnh, nội dung khiêu dâm dù do thiếu hiểu biết vẫn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là hậu quả kép: vừa tổn thương tinh thần, vừa vướng mắc pháp lý - điều mà không một gia đình nào mong muốn.

Trước làn sóng sexting ngày càng phổ biến, gia đình chính là pháo đài đầu tiên và có vai trò then chốt trong việc phòng ngừa cũng như can thiệp khi trẻ gặp rủi ro. Một môi trường gia đình ấm áp, tôn trọng, nơi trẻ cảm thấy an toàn để chia sẻ mọi vấn đề - kể cả chuyện nhạy cảm - là “vaccine tinh thần” giúp trẻ miễn nhiễm với những cám dỗ và nguy cơ trên mạng.

Cha mẹ cần chủ động thiết lập mối quan hệ gần gũi với con bằng sự thấu hiểu, không phán xét. Thay vì né tránh, hãy trò chuyện cởi mở về giới tính, tình dục và sự an toàn trong thế giới số. Những câu hỏi như “Nếu ai đó yêu cầu con gửi ảnh riêng tư thì sao?”, “Con có tin rằng mọi thứ trên mạng đều được bảo mật không?”… có thể trở thành điểm khởi đầu cho những cuộc đối thoại đầy giá trị.

Việc đưa ra “quy tắc ngầm” trong gia đình về sử dụng thiết bị số là cần thiết. Không kiểm soát cực đoan, nhưng đủ để định hướng và giám sát. Phụ huynh nên cập nhật kiến thức về sexting, an toàn mạng, các ứng dụng phổ biến mà con đang dùng, đồng thời làm gương bằng cách sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, biết giữ ranh giới riêng tư và tôn trọng bản thân.

Nếu phát hiện trẻ có liên quan đến sexting, cha mẹ tuyệt đối không nên phản ứng tiêu cực, la mắng hay đổ lỗi. Hành vi phản ứng quá khắt khe có thể khiến trẻ khép mình, dồn nén cảm xúc và không hợp tác. Thay vào đó, hãy bình tĩnh, lắng nghe và đồng hành cùng con trong quá trình khắc phục sự cố: Hỗ trợ con xóa nội dung, báo cáo vi phạm với nền tảng, đồng thời giúp con ổn định tâm lý vượt qua những lo lắng, sợ hãi ban đầu.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, đừng ngần ngại tìm đến chuyên gia tâm lý - giáo dục, nơi có thể giúp trẻ vượt qua khủng hoảng và từng bước xây dựng lại lòng tin, giá trị bản thân cũng như có được sự phục hồi kịp thời cho các con.

Hãy bắt đầu bằng việc xây dựng một không gian gia đình an toàn, giáo dục giới tính khoa học và một môi trường số lành mạnh. Đó chính là cách thiết thực nhất để bảo vệ thế hệ tương lai khỏi những “cơn sóng ngầm” đang cuộn trào trên không gian mạng, trước khi chúng biến thành bão lớn.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kinh nghiệm bảo vệ con trên mạng

Kinh nghiệm bảo vệ con trên mạng

(PNTĐ) - Chị Lê Thị Hồng hiện là Chủ tịch Hội LHPN phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, đồng thời cũng là mẹ của 2 bé gái Bông 6 tuổi và Chíp 5 tuổi. Mặc dù hai con còn nhỏ, nhưng chị đã rất quan tâm giữ an toàn cho các con khi tham gia không gian mạng.
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.