Phụ nữ đánh son, đừng... đánh ghen

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phát hiện chồng ngoại tình, nhiều phụ nữ trong cơn nóng giận đã thiếu kiềm chế đánh ghen để rồi bản thân vướng vào tù tội. Hành vi đánh ghen bị khép vào tội “làm nhục người khác”, “cố ý gây thương tích”, không những huỷ hoại hôn nhân, gia đình mình mà còn đẩy chính mình vào vòng lao lý, không lối thoát.

Phụ nữ đánh son, đừng... đánh ghen - ảnh 1
Ảnh nữ nhân viên ngân hàng bị đánh và lột quần áo trong vụ đánh ghen ở Cần Thơ. Ảnh cắt từ clip

Bị truy tố vì đánh ghen 
Công an quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ vừa khởi tố vụ án để điều tra 3 hành vi gồm: “Cố ý gây thương tích”; “Làm nhục người khác” và “Gây rối trật tự công cộng”. Theo đó, chị N.N.N (30 tuổi, nhân viên một ngân hàng) tố cáo chị H.N.B.T (41 tuổi) đã có hành vi cầm mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu, mắt gây thương tích. Chị T còn xé áo, quần của chị N. Sau đó, N.T.N.Q (em chồng của chị T) tiếp tục cầm nón bảo hiểm đánh chị N. Một số người chứng kiến vụ việc đã quay clip đưa lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống của chị N.

Tại cơ quan công an, chị T và chị Q đã thừa nhận hành vi phạm pháp. Theo chị T, do bắt gặp chồng chị đi chung với chị N nên đã ghen tuông, tức giận; dù không có bằng chứng chứng minh mối quan hệ bất chính giữa chồng mình và chị N nhưng vẫn đánh ghen, dẫn đến sự việc ồn ào nêu trên.

Chia sẻ với Báo Phụ nữ Thủ đô, luật sư Trần Thị Thanh Lam, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, đây là vụ việc rất nghiêm trọng. Hành vi của chị T và chị Q đã vi phạm pháp luật đến mức xử lý hình sự. Những người đăng tải thông tin hình ảnh, clip trên không gian mạng cũng được coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý. Bởi pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân. Hành vi cố ý gây thương tích, đánh nhau nơi công cộng, làm nhục người khác là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp kết quả nạn nhân có thương tích thì dù thương tích dưới 11% cũng sẽ xử lý hai người phụ nữ này về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Cũng theo luật sư Thanh Lam, các đối tượng này còn thực hiện lột đồ nạn nhân để ghi hình đăng lên mạng xã hội. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Những người thấy nạn nhân bị đánh, bị lột quần áo mà không can ngăn, thản nhiên ghi hình rồi đăng tải lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác”. Người không cứu giúp mà có những hành động, lời nói có tính chất kích động, giúp sức về mặt tinh thần cho đối tượng thực hiện hành vi đánh người có thể bị xử lý với vai trò đồng phạm giúp sức…

Mặt khác, nạn nhân trong vụ việc này thiếu kỹ năng sống, hành vi thách thức đối tượng khiến bản thân rơi vào tình trạng nguy hiểm. Đây sẽ là bài học cho nhiều người về ứng xử trong cuộc sống. 

Ứng xử thế nào khi bạn đời “say nắng”?

Thực tế, đánh ghen hay ghi lại clip đánh ghen để tung lên mạng xã hội nhằm hạ nhục “đối thủ” là việc không mới. Đã rất nhiều những cảnh báo chỉ rõ việc chửi bới, động tay chân ở nơi công cộng được coi là những hành vi thiếu chuẩn mực, hoặc việc chia sẻ clip đánh ghen là những hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật… Thế nhưng các clip này vẫn được đăng tải, thậm chí, được các “anh hùng bàn phím” thi nhau “xin link”, share link rầm rộ.

Trong gia đình Việt Nam truyền thống, sự thủy chung vợ chồng là một giá trị đạo đức rất được coi trọng. Sự thủy chung cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng để giúp cho cuộc sống hôn nhân bền vững và hạnh phúc. Tuy nhiên, đời sống xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp hiện nay, người vợ hay chồng làm việc trong những môi trường khác nhau, tiếp xúc với nhiều người khác nhau. Vì vậy, nếu không chung thủy, vợ/chồng sẽ dễ dàng bị rơi vào những cuộc tình ái, tìm thú vui ngoài hôn nhân. Điều này dễ gây sự rạn nứt, tan vỡ gia đình.

Theo chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể (Đại học Tân Trào), khi phát hiện bạn đời ngoại tình, cảm xúc của người còn lại sẽ bị sốc, kích động, sợ hãi, đau đớn… sẽ ập đến. Điều này khiến cho người đó khó kiểm soát được cảm xúc tức thời, dễ phát sinh những hành vi tiêu cực, gây ảnh hưởng đến người đối diện. Khi đánh ghen, bản thân người vợ/chồng có thể thoả mãn cảm xúc tức thời, nhưng cuối cùng, những đòn thù này sẽ chống lại bạn, khiến bạn luôn trong trạng thái tức giận thay vì tập trung vào việc chữa lành và bước tiếp. Do đó, phụ nữ đừng đánh ghen, hãy đánh son, đừng đổ lỗi cho bản thân, vợ/chồng hay người thứ ba, đừng cố gắng đóng vai nạn nhân mà hãy tỉnh táo bước qua cơn ghen. 

Nếu đánh ghen, hãy đánh ghen thật văn minh. Hãy tìm đủ các bằng chứng về hình ảnh, tin nhắn, video rồi hẹn gặp các bên để nói chuyện rõ ràng và yêu cầu chấm dứt hành vi đó. Nhưng trước tiên, hãy tìm hiểu nguyên nhân khiến cho mối quan hệ vợ/chồng hiện tại của bạn bị lỏng lẻo, rạn nứt, sau đó thẳng thắn trao đổi với bạn đời về việc mình nghi ngờ và yêu cầu chấm dứt mối quan hệ đó để không ảnh hưởng đến gia đình, từ đó điều chỉnh cách ứng xử để tạo sự gắn kết giữa bố mẹ, con cái… Đừng để cơn cuồng ghen mù quáng đẩy mình vào hành vi phạm pháp, mà hôn nhân cũng không thể chữa lành.

Lời khuyên của các chuyên gia để hạn chế những bi kịch do ngoại tình và cuồng ghen do ngoại tình gây ra là cả hai vợ chồng hãy cố gắng gìn giữ, chăm sóc cho hôn nhân trước khi ngoại tình có mầm mống xảy ra. Đối với phụ nữ, hãy biết quan tâm, chăm sóc bản thân và gia đình, không quá thờ ơ, phó mặc chồng muốn làm gì thì làm. Người vợ có thể bảo vệ gia đình bằng cách sắp xếp hài hoà các mối quan hệ của bản thân và các thành viên trong gia đình để hướng mọi người quan tâm, yêu thương nhau ngay từ ngày đầu hôn nhân, có kế hoạch và quy tắc rõ ràng trong hôn nhân. Đặc biệt, cả hai hãy cùng trang bị cho bản thân những kỹ năng mềm, có công việc, tự chủ về kinh tế để độc lập, bình đẳng và cùng tôn trọng nhau trong các mối quan hệ trong gia đình.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.