Diễn đàn ”Trụ cột” gia đình thời hiện đại”:

Phụ nữ thời nay “xây nhà” không thua nam giới

Chia sẻ

(PNTĐ) -Quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” lâu nay vẫn được mặc định để chỉ vai trò “trụ cột” gia đình của người đàn ông. Tuy nhiên, trong xã hội bình đẳng ngày nay, phụ nữ đã vươn lên chủ động về kinh tế và cũng có thể “xây nhà” không thua kém nam giới.

Phụ nữ thời nay “xây nhà” không thua nam giới - ảnh 1
Phụ nữ thời hiện đại có thể vững vàng làm trụ cột gia đình không thua kém nam giới      Ảnh minh họa

Phụ nữ đã là “trụ cột” gia đình từ lâu 
Nói về trụ cột kinh tế trong gia đình, phụ nữ Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò đó từ rất lâu. Từ cái thời mà bà vợ nhà thơ Tú Xương gồng gánh, tảo tần “nuôi đủ năm con với một chồng”. Bản chất của phụ nữ Việt là đảm đang, hi sinh vì chồng, vì con. Họ không chỉ vừa quán xuyến vai trò “xây tổ ấm”, mà còn tham gia lao động để kiếm sống, nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ chồng. 

Đến thời đất nước trải qua các cuộc kháng chiến cứu nước, đàn ông ra trận, đa số phụ nữ đã trở thành trụ cột gia đình, vừa lo kinh tế, vừa quán xuyến công việc gia đình. Bước vào thời bình, xã hội bình đẳng, phát triển dần, phụ nữ được học hành tiến bộ, vươn lên trở thành những doanh nhân thành đạt. Họ thật sự đã trở thành những “nữ tướng” trên mặt trận kinh tế, không chỉ được tôn vinh ở trong nước, mà còn được các tổ chức nước ngoài uy tín vinh danh. 

Như vậy, nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt đã và đang gánh vác vai trò trụ cột kinh tế, trụ cột gia đình giống như nam giới. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là trong nhận thức của xã hội vẫn còn định kiến cho rằng phụ nữ không thể trở thành “trụ cột” gia đình, vai trò đó chỉ có nam giới đảm nhận. Điều này xuất phát từ nhận thức “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong xã hội và gia đình. Nhiều người vẫn cho rằng, phụ nữ “mãi mãi” đứng sau đàn ông. Dù họ giỏi giang, thành đạt đến bao nhiêu thì vẫn không thể vượt qua đàn ông để quyết định, điều hành mọi việc trong gia đình. Nếu người vợ nào “dám vượt quyền”, hạnh phúc sẽ bất ổn. 

Chính quan niệm sai lầm này đã dẫn tới sự bất bình đẳng trong gia đình tồn tại từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nó kìm hãm không cho phụ nữ vươn lên, khiến họ phải chịu thiệt thòi trong mọi quyền lợi so với nam giới. Nó cũng là căn nguyên khiến những trẻ em gái bị tước đi quyền học hành, phấn đấu, bị bạo lực giới.

Vì vậy, theo tôi, bàn đến vấn đề “trụ cột gia đình thời hiện đại” là bàn đến bình đẳng giới trong gia đình. Chỉ khi nào, vai trò của phụ nữ và đàn ông được coi trọng như nhau thì vấn đề “trụ cột” không còn phải bàn đến. Khi đó, vợ hay chồng đều có thể làm trụ cột gia đình mà không tạo nên những xung đột, khiến hạnh phúc bất ổn như câu chuyện chúng ta đang thảo luận. 

Nguyễn Thị Bình (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội)

Đàn ông gia trưởng không dễ dàng để vợ làm “trụ cột” gia đình
Quan niệm đàn ông làm trụ cột gia đình đã được hình thành từ thời xa xưa của loài người, khi mà đàn ông đảm nhiệm vai trò ra ngoài săn bắn, hái lượm kiếm cái ăn mang về cho gia đình. Đến thời phong kiến, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” một lần nữa nâng cao quyền hành của người đàn ông và hạ thấp vai trò của người phụ nữ. Cứ thế, vai trò “trụ cột” được mặc định sẵn là của đàn ông với nhiều quyền lực kèm theo. 

Cho đến sau này, khi xã hội phát triển, những người đàn ông gia trưởng vẫn không chấp nhận “cởi bỏ” định kiến đối với phụ nữ, đồng thời giữ mãi địa vị “độc tôn” của mình trong gia đình. Đây chính là nguyên nhân mà những người chồng gia trưởng dù học thức không bằng vợ, không làm ra kinh tế, nhưng vẫn chiếm giữ quyền quyết định mọi việc trong gia đình, ngăn cản sự phát triển, tiến bộ của vợ con. Thậm chí, họ còn dùng bạo lực để giữ được vị trí “trụ cột” của mình, dù cho “trụ cột” ấy đã mục ruỗng, không thể chống đỡ, giữ cho tổ ấm bình yên, hạnh phúc. 

Điển hình như trường hợp của em gái tôi, lấy phải một người chồng gia trưởng, ham chơi, lười nhác, lại nghiện rượu, nhưng lúc nào cũng chuyên quyền độc đoán. Từ khi lấy chồng đến nay, em gái tôi một mình bươn chải, cáng đáng lo kinh tế gia đình. Thế nhưng, em rể tôi lại không ghi nhận mà còn mặc nhiên xem đó là “nghĩa vụ” của vợ phải chăm sóc chồng, phải nuôi con. Trong gia đình, anh ta vẫn nắm quyền quyết định mọi vấn đề lớn, nhỏ. Em gái tôi chỉ răm rắp nghe theo. Mỗi lần uống rượu say, anh ta lại đánh đập, hành hạ vợ khiến cuộc sống của em gái tôi rất khổ sở. Nhưng em rể tôi vẫn cho rằng, mình có quyền được làm điều đó với vợ, để vợ không vượt quyền, giữ uy phong của chồng.

Trước thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, em gái tôi nhiều lần nghĩ đến chuyện đi xuất khẩu lao động để làm kinh tế gia đình, khi mà chồng không thể đảm đương được việc đó. Thế nhưng, anh ta nhất định không cho vợ đi chỉ vì sợ vợ kiếm được tiền rồi về coi chồng chẳng ra gì. Vị thế của anh ta trong mắt mọi người, theo đó, sẽ trở nên thấp kém hơn trước. Do đó, câu chuyện trụ cột gia đình chủ yếu vẫn cần đàn ông gia trưởng cởi bỏ tư tưởng bị mất đi vị thế nếu chia sẻ, hoặc “đổi ngôi” cho phụ nữ.

Lê Minh Uyên (Khu ngoại giao đoàn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.