Sống chung mới có hiếu với bố mẹ chồng?

Chia sẻ

Chúng em kết hôn đã được gần 5 năm, đang sống chung cùng bố mẹ chồng. Một, hai năm đầu, cuộc sống êm đềm hạnh phúc, nhưng từ khi em sinh con thì quan hệ giữa em và bố mẹ chồng trở nên mâu thuẫn.

Sống chung mới có hiếu với bố mẹ chồng? - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Nguyên nhân đều xoay quanh chuyện ông bà can thiệp vào việc nuôi dạy con của em quá nhiều. Nhất là thời gian gần đây, mâu thuẫn càng xảy ra nhiều hơn. Em bàn với chồng dọn ra ngoài ở riêng, nhưng anh ấy bảo làm con phải có hiếu với bố mẹ. Và để thực hiện chữ hiếu đó là phải sống chung, không được sống riêng. Vì vậy nếu bây giờ chúng em dọn ra ngoài sống riêng thì sẽ bị xem là… “đồ bất hiếu”.

Em không biết phải làm thế nào với cuộc sống nhiều mâu thuẫn này. Em đang có dự định mẹ con em sẽ dọn ra ngoài ở, còn chồng em vẫn sống chung với bố mẹ, thỉnh thoảng qua lại với mẹ con em. Nếu không cứ tiếp tục sống trong cảnh mâu thuẫn với bố mẹ chồng triền miên, em sợ mình lại càng bất hiếu hơn, thay vì là một nàng dâu hiếu thảo như chồng em mong muốn. Theo Tâm Giao, em làm như thế có được không?

Thuhien08@gmail.com

Trong nỗi niềm của bạn gửi đến Tâm Giao có hai vấn đề cần được tháo gỡ. Đó là vấn đề sống chung hay sống riêng mới là có hiếu với bố mẹ, và giải quyết mâu thuẫn giữa bố mẹ chồng với con dâu trong chuyện nuôi con chăm cháu hàng ngày.

Lâu nay, chuyện nuôi con chăm cháu luôn là cội nguồn của những mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu. Do ai cũng có quan điểm riêng trong cách chăm sóc trẻ và luôn muốn đối phương phải nghe theo ý mình. Nếu hai bên không tìm ra điểm chung trong vấn đề này, chấp nhận “tiến, lùi” để giữ hòa khí thì mâu thuẫn sẽ ngày càng trầm trọng. Vì thế, để tháo gỡ được những mâu thuẫn, vợ chồng bạn nên thống nhất với bố mẹ trong việc chăm sóc, nuôi dạy con nhỏ. Bạn hãy phân tích cho bố mẹ chồng hiểu rằng cả ông bà lẫn bạn đều mong muốn nuôi dưỡng cháu/con theo cách tốt nhất. Bởi ai cũng yêu thương cháu/con của mình. Tuy nhiên trong vấn đề nuôi dưỡng trẻ cần một sự thống nhất trong cách chăm sóc, nuôi dạy cháu hàng ngày, tránh tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” không hiệu quả.

Bố mẹ chồng chăm sóc cháu chủ yếu bằng kinh nghiệm sống của mình đã trải qua. Vốn kinh nghiệm ấy áp dụng trong cuộc sống hiện đại sẽ có cái phù hợp, có cái không, nên bạn hãy chắt lọc kinh nghiệm phù hợp thay vì phủ nhận hoàn toàn nó. Để ông bà thuận theo cách chăm sóc, nuôi dạy con của bạn thì cần phân tích cho họ hiểu, khéo léo lấy ví dụ trong cuộc sống để “minh họa”. Khi ông bà nhìn ra cái tốt thì sẽ thay đổi quan điểm mà thuận theo bạn.

Với quan niệm sống chung mới có hiếu với bố mẹ của chồng bạn. Đây là vấn đề đang gây tranh cãi rất nhiều trong cuộc sống hiện đại. Bởi không phải con cái sống chung với bố mẹ thì mới có hiếu, còn ra ngoài sống riêng là bất hiếu. Việc báo hiếu bố mẹ tùy thuộc vào hành động, sự quan tâm hàng ngày, chăm sóc lúc ốm đau, báo hiếu không chỉ bằng vật chất mà còn báo hiếu bằng cả tinh thần… Nếu sống riêng mà con cái vẫn báo hiếu bố mẹ đầy đủ thì không thể gọi là bất hiếu. Ngược lại sống chung nhưng con cái lại không quan tâm, bỏ mặc bố mẹ cô đơn, ốm đau không để ý, cả ngày không biết bố mẹ ăn uống thế nào, vui buồn ra sao, có những lời nói làm tổn thương bố mẹ… thì lại càng bất hiếu hơn.

Trường hợp nếu bạn và bố mẹ chồng vẫn không thể hòa thuận dưới một mái nhà dù bạn đã cố gắng hết sức, thì hãy tạm thời ra ngoài sống riêng. Bạn vẫn thực hiện bổn phận dâu thảo với bố mẹ chồng để chồng thấy rằng không phải cứ sống chung thì mới báo hiếu bố mẹ. Tâm Giao tin chắc chồng bạn sẽ hiểu ra để hạnh phúc ổn định.

TÂM GIAO

Tin cùng chuyên mục

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.