Sống cùng bố mẹ tuổi xế chiều

Chia sẻ

Đối với cha mẹ, niềm hạnh phúc khi bước vào tuổi xế chiều là được cận kề bên con cháu để an hưởng tuổi già. Đó là liều vitamin tinh thần vô giá đối với họ.

Sống cùng bố mẹ tuổi xế chiều - ảnh 1

Gần đây, trong khu nhà trọ của gia đình tôi có một gia đình trẻ mới chuyển đến thuê ở. Cặp vợ chồng đang có con nhỏ nên nhờ bà ngoại lên trông cháu. Bà ngoại ngoài việc trông cháu còn kiêm luôn cả việc nấu ăn cho vợ chồng con gái, bởi các con luôn đi làm về muộn. Nhiều lần tôi nghe anh con rể than phiền với vợ về việc chuyện mẹ vợ nấu cơm “không ngon”. Nguyên nhân là bà luôn nấu cơm nhão, trong khi anh con rể chỉ thích ăn cơm khô. Ban đầu, tôi cứ ngỡ nguyên nhân của nồi cơm nhão ấy là do bà mẹ vợ đã già, răng yếu nên nấu cơm theo ý mình. Thế nhưng, anh con rể lại bảo, răng mẹ vợ mình vẫn ăn được những đồ cứng, chỉ riêng cơm khô là không ăn được.

Bẵng đi một thời gian, tôi không nghe thấy anh con rể phàn nàn về nồi cơm nhão của mẹ vợ nấu nữa. Ngược lại, anh còn vui vẻ tìm cách khắc phục. Anh hướng dẫn mẹ vợ khi nấu cơm thì dồn gạo một bên cao hơn trong nồi. Theo đó, vùng gạo thấp hơn sẽ trũng nước và nhão hơn, còn vùng gạo cao hơn thì khô. Như vậy, vợ chồng anh vẫn ăn được cơm khô còn mẹ vợ vẫn ăn được cơm nhão.

Câu chuyện nồi cơm nhão của mẹ vợ ngỡ dừng lại ở đó. Ai ngờ, hôm mẹ vợ về quê có việc, anh con rể nghỉ phép mấy hôm ở nhà trông con vì vợ không thể nghỉ được. Hôm ấy, bế con sang nhà tôi chơi, vô tình câu chuyện nồi cơm nhão của mẹ vợ lại được anh khơi lại.

Giờ con mới được biết vì sao mẹ vợ con lại thích ăn cơm nhão gần 30 năm nay cô ạ. Hóa ra, bà về làm dâu khi bố mẹ chồng bước vào tuổi già, cả hai răng yếu nên phải ăn cơm nhão. Thế nhưng trong nhà toàn người trẻ khỏe, chẳng ai thích ăn cơm nhão cả, bà để ý bữa nào bố mẹ chồng cũng trệu trạo nhai những hạt cơm khô cứng. Họ không muốn phiền con cháu chuyện ăn uống nên cố gắng ăn, trong khi chẳng ai để ý đến điều đó. Hôm sau nấu cơm, bà cố ý nấu cơm nhão, bữa đó bố mẹ chồng ăn rất ngon, nhưng mọi người thì rất cáu kỉnh. Sau lần đó, bữa nào nhà bà cũng nấu hai nồi cơm. Một nồi cơm nhão để vợ chồng bà ăn cùng bố mẹ chồng, nồi cơm khô dành cho con cháu ăn – anh con rể kể.

Hóa ra vì không muốn bố mẹ chồng sống già một mình trong cảnh ăn uống nên bà bảo chồng cùng tập ăn cơm nhão. Bố mẹ chồng bà đã rất hạnh phúc khi thấy vợ chồng con trai có cùng “sở thích” ăn cơm nhão giống mình. Thời gian đầu, vợ chồng bà ăn cơm nhão trong tâm trạng bất đắc dĩ, nhưng rồi mỗi bữa nhìn vào ánh mắt vui lấp lánh của bố mẹ già, cộng thêm sự ngon miệng của họ, cả hai người cảm nhận rõ hương vị ngọt ngào trong đó. Họ “thích” ăn cơm nhão từ đó cho đến bây giờ.

Ngẫm lại, cha mẹ là người luôn đồng hành cùng con cái từ lúc sinh ra đến khi con trưởng thành. Họ lớn lên cùng con, gánh vác mọi đắng cay, bên cạnh con trong mọi biến cố của cuộc sống. Nhưng nhìn lại, có bao nhiêu đứa con chấp nhận đồng hành cùng tuổi già của bố mẹ. Đa số vẫn để bố mẹ cô đơn trong hành trình già đi của mình. Thậm chí, họ còn thấy phiền phức, vất vả trước những biến cố tuổi già của bố mẹ, rồi tìm cách trốn tránh, đùn đẩy nhau.

Dù là điểm tựa vững chãi, là Thái Sơn, là suối nguồn biển cả che chở cho con cái đến tận cùng, nhưng khi tuổi già đến, cha mẹ lại trở thành những người yếu đuối, dễ tổn thương. Bấy giờ, con cái lại giống như cây gậy dò đường của họ, giúp họ vững vàng hơn khi bước đi trên con đường già.

Khánh Linh

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.