SOS: Xâm hại, quấy rối tình dục phụ nữ nơi công cộng

Chia sẻ

Với sự hỗ trợ của công nghệ, sự vào cuộc của các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội cùng sự dũng cảm lên tiếng của nạn nhân, hàng loạt hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục phụ nữ ở nơi công cộng bị lộ diện và được các cơ quan chức năng tích cực xử lý.

TP Hồ Chí Minh sử dụng xe buýt để tuyên truyền phòng ngừa bạo lực, quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ emTP Hồ Chí Minh sử dụng xe buýt để tuyên truyền phòng ngừa bạo lực, quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em (Ảnh: Int)

Dám lên tiếng bảo vệ mình

Mới đây nhất, Công an quận Tây Hồ phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội làm rõ 3 đối tượng là Nguyễn Duy L (SN 2005), Nguyễn Ngọc H (SN 2006) và Đinh Tiến Đ (SN 2005), đều trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) có hành vi sàm sỡ, quấy rối phụ nữ ngoại quốc quanh khu vực Hồ Tây. Bước đầu, ba đối tượng thừa nhận hành vi quấy rối, sàm sỡ người nước ngoài trên địa bàn. Lực lượng chức năng đang tiếp tục lấy lời khai, làm rõ vụ án.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, quận đã có kế hoạch lắp đặt một loạt camera quan sát tại các tuyến đường quanh hồ Tây, đặc biệt là khu vực ghi nhận có tình trạng người nước ngoài bị quấy rối. Quận cũng huy động lực lượng tuyên truyền, phát tờ rơi bằng nhiều thứ tiếng để nhắc nhở người nước ngoài tự đảm bảo an toàn, cũng như trình báo ngay khi gặp các tình huống tương tự.

Theo khảo sát của tổ chức Plan International năm 2018 từ 22 thành phố trên thế giới, vấn nạn quấy rối tình dục được đánh giá là gây mất an toàn cao nhất với phụ nữ và trẻ em gái khu vực đô thị. Các vụ xâm hại, quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em gái xảy ra trong ngõ/hẻm khu dân cư, công viên, nhà vệ sinh công cộng, bến xe, các phương tiện vận tải hành khách, không gian công cộng trong các chung cư… đã gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến tính mạng, nhân phẩm và cả tương lai lâu dài của họ.

Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của chính quyền thành phố và sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, tình hình an ninh trật tự quanh khu vực hồ Tây đã nhanh chóng được giải quyết. Nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất phụ nữ, trẻ em gái thấy mất an toàn khi tham gia hoạt động công cộng.

Luật sư Nguyễn Thanh Tú, PGĐ công ty luật Việt Kim (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đối với vụ việc quấy rối tình dục người nước ngoài ở Hồ Tây, điểm sáng từ diễn biến vụ việc lần này chính là việc nạn nhân tự chủ động trình báo đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhìn lại rất nhiều vụ việc phụ nữ bị quấy rối, xâm phạm đến thân thể, danh dự, bị bạo hành và rất nhiều sự thiệt thòi khác, phần lớn chị em chọn im lặng để sự việc qua đi, hoặc phải nhờ đến sự lên tiếng của người khác, tổ chức khác.

“Vì họ sợ bị chế nhạo, cho rằng phẩm hạnh không xứng đáng nên mới bị như vậy, sợ con cái, gia đình vì mình mà bị xa lánh, chê bai. Họ sợ tương lai ảnh hưởng do bị làm nhục, đi đâu cũng thấy mặc cảm và xấu hổ. Và cả những dọa nạt của đối tượng, là những người đàn ông, kể cả chồng mình cấm không được nói ra, nếu không sẽ còn “ra tay” phũ phàng hơn nữa. Để rồi, sự im lặng ấy tiếp tay cho nhiều tội ác ngang nhiên tồn tại” – luật sư Thanh Tú phân tích.

Dù sẽ tổn thương về thể xác, tinh thần, cuộc sống có thể bị ảnh hưởng nặng nề trong tương lai nhưng rõ ràng, việc im lặng sẽ không làm vụ việc qua đi. Bởi vậy, khi bị xâm hại người phụ nữ phải xác định đây hoàn toàn không chỉ là lỗi của họ, cần phải chia sẻ, tâm sự với người thân để được ủng hộ, hỗ trợ về tâm lý. Họ nên giữ các chứng cứ để tố cáo với cơ quan chức năng. Họ có thể tìm đến các tổ chức đoàn thể, các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, các đơn vị tư vấn pháp lý để được hỗ trợ về thủ tục pháp lý cũng như trợ giúp về tâm lý, y tế.

“Đơn cử như vụ việc quấy rối tình dục ở Tây Hồ, ngoài yếu tố phụ nữ nước ngoài, thì việc tự đứng ra trình báo đã giúp những người phụ nữ đó bước đầu được quan tâm và bảo vệ nhiều hơn. Tôi nghĩ, cứ 1 người dám lên tiếng thì xã hội này sẽ không còn chỗ cho những vụ việc xấu xa, đau lòng xảy ra nữa” – luật sư Tú nhấn mạnh.

Nguyên nhân sâu xa từ bất bình đẳng giới

Theo bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình và quan hệ đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái xuất phát từ định kiến giới liên quan đến phụ nữ và em gái, cũng như quan niệm về nam tính của nam giới. Đặc biệt, tại Việt Nam, quan niệm “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”, đổ lỗi cho trẻ em gái và phụ nữ khi bị quấy rối (như: ăn mặc hở hang, đi chơi khuya, đi một mình buổi tối) và sự thiếu hiểu biết về mặt pháp luật (coi các hành vi sờ mó động chạm là bình thường, sờ mó một chút không vi phạm gì cả…) cũng đã cổ suý cho các hành vi sai lệch này.

“Chúng tôi đã hợp tác cùng chính phủ và các cơ quan triển khai dự án Thành phố An toàn với em gái tại Hà Nội từ năm 2014, đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức của cộng đồng, sự tham gia vào cuộc của ngành giao thông trong thúc đẩy sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng... Tuy nhiên, để phụ nữ và trẻ em gái thực sự an toàn tại nơi công cộng cần nhiều nỗ lực thay đổi của cá nhân và cộng đồng” - bà Quỳnh Lan cho biết.

Hiện nay, các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động, các chuyên đề giáo dục giới tính nhưng chưa đủ giúp giải quyết vấn đề quấy rối, sàm sỡ hay trêu ghẹo. “Các em cần được học về bình đẳng giới, được hiểu về giá trị, vị trí, vai trò công bằng trong xã hội giữa nam và nữ. Quan trọng nữa, các em cần được tạo điều kiện để thực hành các giá trị tôn trọng sự khác biệt về giới tính, không có các hành vi gây tổn thương cho người khác và cả các quy định pháp luật liên quan” - bà Lan khẳng định.

Là người phụ trách vấn đề bình đẳng giới và nỗ lực cho tiến trình này trong suốt 3 kỳ họp Quốc hội, bà Lê Thị Nguyệt, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thừa nhận, nếu như các vấn đề của xã hội đều được nhìn nhận từ góc độ bình đẳng giới thì chắc chắn nhiều vấn đề xã hội sẽ được giải quyết triệt để, mục tiêu bình đẳng giới sẽ đạt được kết quả thực chất. Cụ thể, khi bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nạn nhân không nên im lặng, mà hãy lên tiếng để nhận được sự trợ giúp kịp thời. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ, thúc đẩy, thực thi các chính sách nhằm tạo ra môi trường an toàn, bình đẳng – nhất là cho phụ nữ và trẻ em gái trong mọi lĩnh vực, hoạt động.

Tăng cường giáo dục giới tính, pháp luật cho học sinh

Một khía cạnh khác cũng cần được nhận ra, là việc giáo dục giới tính từ trong gia đình cần đặt lên vị trí quan trọng hơn hết. Bà Lê Quỳnh Lan cho rằng, vấn đề này nên được lồng ghép vào các tiết học trong nhà trường để cung cấp cho các em kiến thức về bạo lực giới nơi công cộng và an toàn của phụ nữ và trẻ em gái.

Ba nghị phạm đang bị điều tra về hành vi sàm sỡ phụ nữ ngoại quốc ở Hồ TâyBa nghị phạm đang bị điều tra về hành vi sàm sỡ phụ nữ ngoại quốc ở Hồ Tây.

Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San cho biết, nếu giáo dục giới tính được làm một cách căn bản, kiên trì, đúng thời điểm từ gia đình và nhà trường sẽ hạn chế rất nhiều những đối tượng có hành vi xấu, xâm phạm đến thân thể, danh dự phụ nữ và người yếu thế. Ngược lại, bản thân phụ nữ sẽ học được cách coi trọng giá trị bản thân mình, từ đó có những cách phòng vệ chính đáng. Chủ động tố cáo, trình báo với cơ quan chức năng chính là biểu hiện của sự phòng vệ chính đáng đó. Điều này đáng được khích lệ, học tập, chứ không nên chê cười, để từ đó, nhiều người phụ nữ đang gặp phải sự khó khăn mà không dám lên tiếng, sẽ vượt qua nỗi sợ hãi, mặc cảm mà tự đứng ra bảo vệ mình.

“Chúng tôi bố trí lực lượng chức năng mặc thường phục theo dõi, giám sát tại các tuyến đường từng xảy ra các vụ việc để nhanh chóng xác định, tìm ra thủ phạm. Lãnh đạo quận Tây Hồ mong muốn người nước ngoài sinh sống ở Thủ đô và trên địa bàn quận hãy tin tưởng Tây Hồ luôn bình yên và sẵn sàng đồng hành để mọi người yên tâm sinh sống và làm việc” - ông Nguyễn Đình Khuyến – Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nhấn mạnh.

Công tác nhiều năm về giáo dục giới tính cho học sinh, Tiến sỹ giáo dục Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội lo ngại, bên cạnh việc giáo dục giới tính đang “trở về mốc ban đầu”, thì giáo dục đạo đức và pháp luật cho các bạn trẻ cũng đang “bỏ ngỏ”. Phần lớn giới trẻ hiện nay đang không quan tâm đến pháp luật. Họ biết hành vi trêu chọc phụ nữ là sai trái nhưng vẫn coi thường quy tắc của xã hội và sự tự tôn pháp luật.

“Để giảm thiểu tình trạng quấy rối tình dục và tội phạm vị thành niên, cần có chế tài xử phạt nghiêm túc đối với nhóm trẻ em nam, trẻ vị thành niên phạm tội như có thể điều chuyển sang sơ sở giáo dục khác để giáo dục lại nhân cách cho các em” - Tiến sỹ Vũ Thu Hương đề xuất.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đề nghị, cần sửa đổi Nghị định 167/2013 theo hướng tăng mức xử phạt hành chính nhiều hơn nữa đối với hành vi sàm sỡ, lời nói, cử chỉ thô bạo đối với phụ nữ; có chế tài xử lý hình sự đối với hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục phụ nữ và đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nhằm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm, hạn chế tối đa các hành vi quấy rối, xâm hại phụ nữ, trẻ em ở nơi công cộng…

HỒNG NHUNG - QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

(PNTĐ) - Ly hôn là giải pháp cuối cùng cho một cuộc hôn nhân không còn tiếng nói chung. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ, khi mới chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ nhặt, thay vì tìm cách hàn gắn  hạnh phúc, ngồi lại với nhau để tìm giải pháp thì lại vội vã chọn ly hôn...