Tài sản quý nhất của gia đình là tình thân

Chia sẻ

PNTĐ-Hôm đó, vợ chồng chú Bình đến, nói là để thăm nom bố mẹ chồng Bình. Nhưng Bình biết, mục đích của cô chú là gì.

 
Mặc dù không có ý nghe lén, nhưng vì nhà chật, nên câu chuyện của cô chú và bố mẹ chồng Bình cứ vọng đến tai cô.  
 
- Anh chị cứ suy nghĩ kỹ rồi quyết định. Thường ở các nhà khác, bố mẹ không để cho một con đứng tên tài sản thuộc sở hữu của mình đâu. Không khéo các cháu gái của chúng em cũng tị nạnh, gia đình lại mâu thuẫn, lục đục. Tốt nhất anh chị phải đứng tên ngôi nhà. Sau này, anh chị “hai năm mươi” thì tài sản cho con nào sẽ định đoạt sau.
 
- Vâng, cảm ơn cô chú đã cho anh chị lời khuyên. Nhưng, anh chị đã quyết rồi. Vợ chồng anh chị còn sống được bao lâu nữa đâu. Tài sản của bố mẹ cho các con đứng tên cũng là lẽ thường - bố chồng Bình nói.
 
- Chị thì tin vào các cháu của chú. Chẳng nhẽ anh chị lại nuôi dạy con bất hiếu thế sao? Vì cái nhà mà huynh đệ tương tàn, con cái quay lưng với cha mẹ. Anh chị không tin vậy đâu cô chú ạ - mẹ chồng Bình nói.
 
Chuyện chẳng là nhà Bình sắp bán ngôi nhà đang ở để chuyển ra vùng ngoại thành. Ngôi nhà này do bố mẹ chồng Bình mua từ lúc còn trẻ rồi ở tới lúc về già. Sau khi Bình về làm dâu đã sinh sống ở đây. Hai con của Bình cũng lần lượt lớn lên ở ngôi nhà này. Vì thế, ngôi nhà đều gắn bó với mọi thành viên trong gia đình. Nhưng, dạo gần đây, nhà trở nên chật chội, không còn phù hợp với gia đình đông người nữa. Bố mẹ chồng Bình trăn trở mãi, rồi mới có thể đưa ra quyết định bán nhà, sau đó về ngoại thành mua căn nhà khác rộng rãi hơn.
 
Tài sản quý nhất của gia đình là tình thân - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Ở nhà chồng Bình có truyền thống, có vấn đề gì lớn nhỏ, thường đưa ra họ hàng trao đổi, để anh em xúm tay vào giải quyết. Vì thế, việc bán nhà, dù là nội bộ riêng của nhà Bình, nhưng nhiều tháng qua, đã trở thành việc chung của họ. Các anh em của bố chồng Bình lúc đầu phản đối việc bán nhà. Mọi người lo nhà Bình chuyển ra vùng ngoại thành ở sẽ có khó điều kiện sinh hoạt thuận tiện như ở trong nội thành. Nhưng rồi, mọi người đều thông vì đúng là nhà Bình đang ở bất tiện thật. Sau đó, lại tới việc tiền bán nhà sẽ giải quyết ra sao. Các cô chú góp ý nhân việc bán nhà thì bố mẹ Bình nên chia tài sản thừa kế luôn. Bố mẹ Bình có 3 người con, chồng Bình là con trai, dưới đó là hai em gái. Tiền bán nhà bố mẹ Bình có thể giữ lại một phần, phần còn lại thì chia đều cho ba con. Nhưng hiềm nỗi, ngôi nhà của bố mẹ Bình, tuy ở trong nội thành nhưng diện tích nhỏ, giá trị bán chẳng được là bao. Nếu chia hết cho các con thì lại không đủ để mua nhà mới.
 
- Vậy theo em, anh chị cứ để dồn tiền mua nhà. Nhưng sau đó, vợ chồng thằng Bình sau này muốn sử dụng cả ngôi nhà thỉ phải trả tiền “mua suất” cho các em - chú út góp ý.
 
- Vợ chồng thằng Bình được ở chung với bố mẹ, không phải lo lắng việc mua nhà cửa. Vậy, nó phải có trách nhiệm lo cho các em gái - cô thứ hai lên tiếng.
 
Bình thấy cô chú nói vậy không sai, nhưng vợ chồng Bình cũng nghèo, lấy đâu ra tiền mà mua suất của hai em. Chi bằng, nhà mới mua vẫn coi như là của ông bà, các con đều có quyền sử dụng chung. 
 
Một tối, bố mẹ chồng Bình cho họp riêng các con, yêu cầu dâu rể cũng phải có mặt đầy đủ. Bố Bình kể lại góp ý của các cô chú trong họ về việc phân chia tài sản, sau đó hỏi ý kiến của anh em Bình. Thật không ngờ, hai cô em “xung phong” nói trước. Cô em út bắt đầu: 
 
- Thưa bố, chúng con đã đi lấy chồng, kinh tế cũng không tới nỗi nào. Vì thế, ngôi nhà này bán đi, chúng con xin không nhận tiền chia của bố mẹ. Chúng con đề nghị, bố mẹ cứ dùng để mua nhà mới, sau đó tiếp tục ở cùng anh chị Bình.
 
Cô em thứ hai thì thưa:
 
- Anh chị lâu nay cũng đang thay chúng em chăm sóc, báo hiếu bố mẹ. Vì thế, anh chị đừng suy nghĩ gì cả. Nhà này là tài sản của bố mẹ, nhưng chúng em đồng ý từ bỏ quyền lợi. Bố mẹ và anh chị không cần suy nghĩ nhiều. Việc bán nhà này được bao nhiêu tiền, rồi sau đó sử dụng ra sao, có mua nhà mới không… đều do bố mẹ và anh chị tự định đoạt, chúng con không có ý kiến.
 
Mấy chàng rể ngồi bên cạnh vợ, cũng nhất trí như vậy. Cuối buổi họp, bố chồng Bình cảm ơn các con và nói đã có quyết định của riêng mình.
 
Quyết định của ông bà là bán nhà, sau đó để cho vợ chồng Bình đứng tên nhà mới luôn. Bố chồng Bình nói, ông bà chẳng còn sống được bao lâu nữa, nên không cần giữ tài sản làm gì.
 
Trong khi vợ chồng Bình hãy còn lăn tăn về quyết định của bố, vì không muốn mang tiếng là “biến của chung thành của riêng”. Chồng Bình là con cả, không lo cho bố mẹ và các em thì thôi, còn biến tài sản của bố mẹ thành của riêng mình. Các cô chú bên nhà chồng cũng có chung suy nghĩ đó nên đã khuyên bố mẹ chồng Bình phải suy nghĩ cẩn thận. 
 
Nhưng, bố mẹ chồng không thay đổi. Các cô chú một lần nữa lại tôn trọng quyết định của ông bà. Do ngôi nhà mới lại có giá cao hơn tiền bán nhà cũ, nên các cô chú đã góp sức, mỗi người biếu bố mẹ Bình một chút tiền. Người ít thì dăm chục triệu, mà người nhiều thì tiền trăm triệu.
 
Nhờ vậy nhà Bình mới có đủ điều kiện để mua nhà mới. Các em gái chồng của Bình giữ đúng lời hứa, không nhận tiền bố mẹ chia cho, cũng không thắc mắc khi bố mẹ để vợ chồng Bình đứng tên ngôi nhà.
 
Hôm nay bố mẹ chồng Bình làm bữa cơm tân gia, mời họ hàng tới chung vui. Khi cả nhà có mặt đông đủ, chồng Bình liền thưa:
 
 Con thưa các cô chú và các em gái, em rể ngồi đây, ngôi nhà này dù đứng tên chúng con, nhưng, vẫn sẽ mãi là tài sản chung. Sau này, vợ chồng con sẽ không làm gì để các em phải thiệt thòi. Trước tiên con xin cảm ơn bố mẹ đã tin tưởng chúng con. Bố mẹ để chúng con đứng tên nhà, cũng là trao trọng trách, giúp chúng con hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình với gia đình, bố mẹ. Con rất cảm ơn cô chú đã đóng góp, san sẻ khó khăn với gia đình con. Phần anh, cũng cảm ơn các em gái, em rể đã không so đo tính toán. Ngôi nhà này chính là hiện thân của tình thân trong gia đình, vợ chồng con sẽ nhớ mãi. 
 
Bố chồng Bình nghe xong, rất hài lòng. Ông bà nói làm cha làm mẹ, chẳng có gì mong muốn hơn là nhìn các con thuận hòa, đỡ đần lẫn nhau. 
 
- Nhiều gia đình, chỉ vì chút tài sản mọn mà lục đục, mâu thuẫn. Nhà mình không giàu, nhưng đầm ấm. Đó mới là tài sản quý nhất mà chúng ta cần trân trọng, giữ gìn -bố chồng Bình nói.
 
Buổi tân gia hôm đó quả thật rất vui. Bình thầm cảm ơn đã được làm dâu trong một gia đình tràn đầy tình yêu thương như thế. 
 
 
Minh Anh

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.