Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý kiến Dự thảo luật Phòng, chống Bạo lực gia đình (sửa đổi):

Tăng hiệu quả bảo vệ nạn nhân, ngăn ngừa bạo lực

Thu Hà
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sau khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉnh lý bỏ 6 điều đồng thời bổ sung thêm các quy định mới để tăng tính hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn. Tuần qua, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật một lần nữa được trình, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 4.

Tăng hiệu quả bảo vệ nạn nhân, ngăn ngừa bạo lực - ảnh 1
Một phụ nữ sau khi ly hôn vẫn trở thành nạn nhân BLGĐ của chồng cũ Ảnh: Int

Bổ sung nhiều quy định mới 
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV diễn ra tháng 6/2022, lần đầu tiên dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, vấn đề BLGĐ diễn ra trầm trọng trong thời gian gần đây đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội khi các đại biểu tham gia thảo luận và cho ý kiến về dự thảo luật. Do còn nhiều đóng góp, bổ sung, Quốc hội đã đề nghị cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 thì dự thảo Luật sau khi chỉnh lý chỉ còn lại 56 điều (ít hơn 6 điều). Điều đặc biệt, dự thảo đã bổ sung thêm các quy định mới. Đó là quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ hành vi BLGĐ đe dọa tính mạng của người bị bạo lực, trừ trường hợp người bị bạo lực từ chối; quy định về biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của Chủ tịch UBND, công an cấp xã trong việc xử lý tin báo, tố giác các vụ việc BLGĐ; quy định giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND, của tòa án; quy định chăm sóc, điều trị người bệnh là người bị BLGĐ; quy định về góp ý, phê bình người có hành vi BLGĐ trong cộng đồng dân cư…

Điều quan tâm nhất của đại đa số các ý kiến tham gia đóng góp đều cho rằng các quy định của Luật cần nâng cao hiệu quả bảo vệ nạn nhân và có tính ngăn ngừa bạo lực ngay từ ban đầu, không để nó xảy ra rồi mới giải quyết hậu quả. Điều đó có nghĩa, Luật cần quy định cụ thể hành vi bạo lực càng chi tiết càng tốt, để xử lý triệt để, chế tài kèm theo phải khả thi hiệu quả. 

Trước ý kiến đóng góp cho rằng nên bỏ đối tượng áp dụng người đã ly hôn và người chung sống với nhau như vợ chồng vì nó không khả thi khi thực hiện, đồng thời mâu thuẫn với Luật Hôn nhân và Gia đình. Do các đối tượng này không thuộc trong các tiêu chí gia đình nên các hành vi bạo lực liên quan không thuộc nhóm hành vi BLGĐ. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy nếu bỏ quy định này thì luật sẽ “xa rời” thực tiễn, do đó đề nghị giữ nguyên quy định của dự thảo Luật. 

Thực tế lâu nay đã tồn tại tình trạng nam nữ chưa kết hôn nhưng đã sống thử, sống chung với nhau như vợ chồng và nảy sinh nhiều vấn đề cần được quy định vào luật điểm kiểm soát. Hay, đối với trường hợp vợ chồng đã ly hôn, dù mối quan hệ của họ không còn trong phạm vi hôn nhân như quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, thì họ vẫn có những mối quan hệ đặc thù khác liên quan đến nuôi dạy con cái sau ly hôn. Do đó, nguy cơ xảy ra các hành vi bạo lực đối với người sau ly hôn vẫn rất cao. Các vụ việc phụ nữ, trẻ em và người thân của họ bị chồng cũ bạo lực đã và đang xảy ra ở nhiều cấp độ trong cuộc sống hiện nay là một minh chứng. 

Quy định Luật phải khả thi, phù hợp với Điều ước quốc tế
Bên cạnh việc góp ý với những điểm mới bổ sung trong dự thảo luật, nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề tính khả thi của quy định luật khi áp dụng vào cuộc sống, và sự phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Đơn cử như đề xuất của Ủy ban Xã hội Quốc hội về chế tài thực hiện công việc phục vụ cộng đồng như: Trồng cây ở khu vực cộng đồng, sửa chữa, làm sạch đường làng ngõ xóm… đối với người gây BLGĐ  từ đủ 18 tuổi trở lên chưa đến mức bị áp dụng xử lý hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời gian thực hiện công việc này không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày. 

Theo ông Hoàng Thanh Tùng (Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) thì quy định này cần làm rõ tác động và cách thức tổ chức thực hiện để khả thi và phù hợp với quốc tế. Bởi Việt Nam đã gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Công ước số 29 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Việc buộc người có hành vi BLGĐ thực hiện lao động liệu có bị xem là một dạng lao động cưỡng bức hay không.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị nên nghiên cứu để thiết kế rõ ràng hơn. Vì nếu đưa vào áp dụng thì không thể “1 ông đi làm mà 2 ông đi trông thì lấy đâu người đi trông”. Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xin thêm ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách về vấn đề này trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua luật.

Trong thời hội nhập, cuộc sống gia đình có nhiều biến đổi khiến các vấn đề mới nảy sinh. Các hình thức BLGĐ mới theo đó xuất hiện và diễn biến phức tạp khiến nhiều quy định của luật hiện hành bị “lỗi thời”. Có những hành vi trước đây là “nghĩa vụ” trong gia đình thì nay lại mang “bóng dáng” của yếu tố BLGĐ. Ví dụ như việc chồng đi làm đưa tiền về cho vợ quản lý, chi tiêu là được xem là trách nhiệm. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, ông Nguyễn Phú Cường (Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách) nêu băn khoăn “vợ giữ thẻ ATM của chồng có phải BLGĐ không?”. Và, việc này có thuộc hành vi vi phạm quy định về việc cưỡng ép thành viên đóng góp tài chính quá khả năng của họ, kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính trong dự thảo luật. 

Là cơ quan trình dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng vấn đề BLGĐ vốn là của từng gia đình nên việc xây dựng dự án Luật rất khó và nhạy cảm, cần thận trọng. Vì ngay như việc nhận diện cụ thể từng hành vi BLGĐ cũng đã rất khó. Do đó, cơ quan soạn thảo đã phân ra làm 4 nhóm và nhận diện thành 16 biểu hiện. Đến nay đã cơ bản bao quát được tình hình lĩnh vực. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, dù quy định của Luật mang tính bao quát chung nhưng khi thực hiện cũng cần căn cứ từng trường hợp cụ thể. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.