Tết rồi, về nhà thôi!
(PNTĐ) - Trong tâm khảm của mỗi người, Tết là đoàn viên, là sum họp, là trở về với nếp nhà của mẹ cha. Bởi vậy, dù cuộc sống có những biến cố nào đi chăng nữa, nhưng cứ Tết đến là trong lòng mỗi người lại thôi thúc cảm giác trở về bên nhau để được yêu thương, được tha thứ…
1. “Năm nay vắng bố, chúng con đón mẹ vào Nam ăn Tết. Sắp tới, chúng con có kế hoạch đón mẹ về nhà con sống luôn nên mẹ vào đây ăn Tết cho quen dần” - đứa con trai cả gọi điện về cho mẹ trước Tết chừng một tháng để bà sắp xếp nhà cửa, sẵn sàng cho cuộc Nam tiến sắp tới.
Nghe con nói, bà lấn bấn. Người ta nói “trẻ cậy cha, già cậy con”, bà cũng đến giai đoạn ấy rồi. Nhưng mỗi lần nghĩ đến chuyện rời xa căn nhà này, mảnh đất này để chuyển đến nơi khác sống, bà lại thấy không nỡ. Nhất là trước khi ông mất đã từng dặn bà “cố gắng giữ lấy nếp nhà cho con cháu tìm về, đừng để mỗi đứa một nơi, cháu chắt không biết đến nguồn cội”.
Ông bà sinh được ba đứa con, đến tuổi trưởng thành lập nghiệp, cưới vợ, lấy chồng, đứa nào cũng thoát ly quê, sống xa bố mẹ. Con trai chọn miền Nam để xây dựng sự nghiệp rồi lấy vợ định cư luôn trong đó. Con trai thứ, ông bà muốn nó lấy vợ sống gần bố mẹ nhưng nó cũng “chê” quê nghèo, chọn lập nghiệp ở thành phố. Con gái út theo chồng lên tận Yên Bái. Vậy là bao năm nay, ông bà cặm cụi với nhau, thỉnh thoảng dắt díu nhau hết vào Nam, lại ra phố, lên miền ngược thăm con, thăm cháu.

Ngày còn sống ông vẫn luôn bảo với bà rằng “bố mẹ là nếp nhà của con cái, phải giữ để chúng nó còn biết đến nguồn cội”. Vậy nên, cứ đến Tết là ông bà lại tất bật sửa soạn để đón con cháu về. Một tháng trước Tết, ông bà cặm cụi cuốc đất trồng thêm rau, chăm sóc đàn gà nhanh lớn, mua sẵn gạo nếp để gói bánh chưng. Bà cũng lên sẵn thực đơn mấy ngày Tết để cho con cháu ăn uống thoải mái.
Từ ngày 28 Tết, con cháu đã về đầy đủ, ông phân công con trai và các cháu lau dọn ban thờ, thăm mộ tổ tiên… Những việc này, ngày thường rảnh rỗi ông làm được hết nhưng cận Tết ông vẫn muốn con cháu về làm để có dịp nhắc nhở cho con cháu về nguồn cội, về tục lệ, nếp nhà lâu nay của gia đình.
Ông vốn dòng trưởng, trên ban thờ đặt rất nhiều khung ảnh thờ các đời ông bà, tổ tiên, có cả những bậc cha, chú là liệt sĩ đã hy sinh trong thời chiến bảo vệ đất nước. Mỗi lần lau dọn ban thờ, ông lại hướng vào từng bức ảnh giới thiệu với mấy đứa cháu, đồng thời nhắc nhở hai đứa con trai phải có trách nhiệm trao truyền lại cho các thế hệ con cháu sau này về gia phả của tổ tiên, dòng họ mình.
Phần bà vẫn luôn đảm nhiệm vai trò giữ nếp nhà từ công việc bếp núc. Mấy nàng dâu, ai vụng, ai đảm, bà đều khéo léo phân công việc làm để các con hiểu nếp bếp núc nhà chồng. Thời gian đầu, hai nàng dâu chỉ phụ việc cho mẹ chồng nhưng mấy năm sau, bà cho các con làm bếp trưởng một vài món để thiết đãi đổi bữa cho cả nhà mấy ngày Tết.
Rồi ông bà già yếu dần, ba đứa con nhiều lần về quê thuyết phục bố mẹ bán đất ở quê ra thành phố sống cùng con cháu. Nhưng bàn thế nào, ông bà cũng nhất quyết ở lại nhà xưa. Để con cháu không nặng gánh tuổi già của mình, ông bà chấp nhận “cậy nhờ” giúp việc thay vì bán đất, bán nhà chuyển về sống cùng các con.
Ông bảo, ngày thường đứa nào cũng bận rộn quanh năm anh chị em chẳng có dịp đoàn tụ, gặp gỡ, chỉ có ngày Tết mới về lại bên nhau. Ông bà nhất định phải giữ ngôi nhà này để con cháu có chốn tìm về sum họp. Bởi vậy năm nay dù con trai cả thuyết phục thế nào, bà vẫn kiên quyết ở lại quê đón Tết để giữ nếp nhà cho con cháu tìm về cội nguồn, tổ tiên.
2.
“Tết rồi, về nhà thôi con!”- dòng tin nhắn của bố khiến cô bật khóc. Đã gần 2 năm rồi, cô trốn chạy khỏi gia đình bởi mặc cảm lầm lỗi mình. Là con gái út trong gia đình, cô được bố mẹ và các anh chiều chuộng vô điều kiện từ bé đến lớn. Điều đó hình thành cho cô bản tính ích kỷ, sống vì bản thân thay vì nghĩ cho người khác.
Học xong cấp 3, cô không học lên đại học như mong muốn của bố mẹ mà rẽ ngang lấy chồng, theo đuổi cuộc sống vật chất. Có chút nhan sắc, cô chạy theo mối tình “kiều nữ đại gia”, bất chấp cả việc mình làm kẻ thứ ba chen chân vào hạnh phúc của người khác. Người thân dùng đủ mọi cách để khuyên nhủ, kéo cô ra khỏi mối quan hệ ngang trái đó nhưng bấy giờ cô bị vật chất làm lu mờ lý trí, lại tin tưởng vào tình cảm của người đàn ông đó nên quyết tâm rời bỏ gia đình đi theo tiếng gọi tình yêu.

Thế nhưng mối tình đó chẳng tồn tại được bao lâu, ngược lại còn để lại cho cô và gia đình nhiều hậu quả. Vợ của người đàn ông đó đã huy động tổng lực “đánh ghen” cô trên mạng xã hội bằng việc đăng tải hình ảnh kèm lời lẽ chỉ trích bố mẹ cô không biết dạy con gái, phê phán cô là kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Sự chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội như một “cơn bão” ập xuống gia đình cô.
Danh dự gia đình bị hành vi sai lầm của con gái chôn vùi khiến mẹ cô bị sốc nằm liệt. Bố cô giận dữ tuyên bố từ mặt đứa con gái hư hỏng. Phần cô cũng thân bại danh liệt, cuộc đời giang dở. Mặc cảm với tội lỗi của mình, cô khóa các tài khoản mạng xã hội, chạy trốn gia đình từ đó đến nay.
Cuối năm, nhìn mọi người rộn ràng đón Tết, cô tủi thân cầm điện thoại bỏ lệnh chặn số liên lạc với người thân trong gia đình. Vừa bấm vào số điện thoại của bố, đầu dây bên kia tiếng bố cô mừng tủi vang lên. Cô nghẹn lời chẳng thể đáp lại, vội cúp máy. “Tết rồi, về đi con, cả nhà đang đợi con đấy.
Cửa nhà mình vẫn luôn rộng mở đón con về bất cứ lúc nào. Mẹ con khỏe lại rồi, hôm qua còn lau dọn phòng con, bảo dọn sẵn để con về có chỗ sạch sẽ nghỉ ngơi. Sai thì sửa, con sẽ làm lại từ đầu được con ạ…”, mắt cô ướt nhòe trước dòng tin nhắn của bố.
Phải, Tết rồi, cô cũng sẽ như bao người ngoài kia sắp xếp để về nhà thôi. Bởi với con cái, bố mẹ luôn là nơi chốn để tìm về trong mọi hoàn cảnh. Ở đó, nếp nhà bình yên đầy yêu thương của bố mẹ là pháo đài để chở che cho con cái trước mọi vấp ngã của cuộc đời.