Thiếu trách nhiệm nuôi dạy con sau ly hôn: Bố mẹ bị truất quyền?
PNTĐ-Sau ly hôn, bố mẹ sẽ bị truất quyền nuôi con nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với con cái. Theo đó, quyền nuôi con sẽ được chuyển giao cho người thân thích...
Kiến nghị này góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ sau ly hôn đang được nghiên cứu để đưa vào Luật HN&GĐ sửa đổi, bổ sung và nhận được nhiều sự đồng tình.
Con "vô chủ" khi bố mẹ ly hôn
Đã ba tháng nay, ông bà Nguyễn Văn Tùng (Sơn Tây, HN) lặn lội đèo nhau tìm đến văn phòng Luật sư để hỏi thủ tục nhận nuôi cháu ngoại sau khi bố mẹ chúng ly hôn. Tuy nhiên, mong muốn của ông bà không thành vì Luật pháp hiện hành quy định chỉ bố mẹ mới có quyền và nghĩa vụ đối với con cái trước và sau thời kỳ hôn nhân. Việc này sẽ không được chuyển giao cho ai khi bố, mẹ vẫn còn năng lực dân sự.
Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, khi hai đứa cháu ngoại, đứa lên 7, đứa lên 5 tuổi thì con gái ông đi xuất khẩu lao động. Tiền cô gửi về nuôi con, dành dụm vốn làm ăn đều bị chồng ăn tiêu phung phí, ngoại tình, bao gái. Kết quả sau ba năm lao động trở về, cô tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Không thể chịu nổi người chồng vô trách nhiệm, cô làm đơn ly hôn rồi tiếp tục sang Đức làm việc. Biết chắc cô vợ nặng lòng với con thế nào cũng gửi nhiều tiền cấp dưỡng về nên anh chồng đã xin toà toàn quyền nuôi con. Vì không thể đem con theo, con gái ông bà đã đồng ý. Hai đứa cháu được toà xử về sống cùng bố, hàng tháng nhận tiền cấp dưỡng của mẹ từ nước ngoài gửi về. Một thời gian sau, con gái ông tái hôn và định cư luôn ở nước ngoài.
![]() |
Minh họa sưu tầm |
Không hoàn thành trách nhiệm nuôi con: Truất quyền của bố mẹ?
Thực tế, tình trạng ly hôn liên tục tăng trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây, nhiều đứa trẻ cũng vì thế bị bỏ bê. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy trẻ vào con đường phạm pháp, làm cho tội phạm vị thành niên không ngừng gia tăng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An (Cục phó Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em - Bộ LĐTBXH) thì luật pháp các nước quy định rất cụ thể quyền và nghĩa vụ của bố mẹ đối với con cái. Nếu bố mẹ không đủ tư cách để chăm sóc, giáo dục con cái thì sẽ bị tước quyền nuôi con bất kể trong thời kỳ tồn tại hôn nhân hoặc sau ly hôn. Theo đó, trẻ sẽ được giao cho người thân trong gia đình có đầy đủ điều kiện, tư cách để nuôi dưỡng trẻ hoặc trẻ sẽ được đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội. Vì vậy, mọi quyền lợi và nghĩa vụ của trẻ được bảo vệ. Còn chúng ta, Luật vẫn bắt buộc bố mẹ có trách nhiệm, nghĩa vụ chính với con cái (trừ trường hợp bố mẹ mất năng lực dân sự) khiến nhiều đứa trẻ không được bảo vệ, chăm sóc đầy đủ khi bố mẹ ly hôn.
Một điểm bất cập nữa của Luật hiện hành là quy định: vợ chồng có quyền thoả thuận nuôi con khi ly hôn. Theo đó, toà án sẽ không can thiệp vào việc thoả thuận ấy mà chỉ công nhận vào bản án ly hôn. Vì vậy, việc bố mẹ có tư cách nuôi dưỡng, giáo dục con hay không, không có cấp nào kiểm soát, giám sát sau đó. Việc thay đổi nuôi con sau ly hôn trong trường hợp người trực tiếp không đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con cũng chỉ hoán vị giữa bố và mẹ, những người thân thích khác không được nhận quyền nuôi trẻ.
Trước bất cập này, tại các buổi góp ý, lấy ý kiến cho Luật HN&GĐ sửa đổi, bổ sung do Bộ Tư pháp tiến hành, đã có nhiều kiến nghị cho rằng nên nghiên cứu đến cơ chế mở khi giải quyết ly hôn về việc giao con cho người trực tiếp nuôi dưỡng có thể không phải là cha mẹ (người thân thích), trong trường hợp cha mẹ không đủ tư cách chăm sóc, giáo dục con, nếu người nuôi dưỡng tự nguyện và hoàn toàn có đầy đủ điều kiện chăm sóc đứa trẻ đó.
Hạ Thi