Thông điệp từ 400 cuộc gọi bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Bài và ảnh: Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) -Năm 2022, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 419 cuộc gọi về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Điều này cho thấy, nguy cơ trẻ em bị tổn thương bởi môi trường mạng đang hiện hữu ngày một rõ ràng, đòi hỏi cần có giải pháp để bảo vệ các em.

Thông điệp từ 400 cuộc gọi bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng - ảnh 1
Tổng đài 111 đã tiếp nhận nhiều cuộc gọi cầu cứu của trẻ em vì bị xâm hại trên môi trường mạng.

Trong hàng trăm cuộc gọi ấy, có một số ca điển hình trẻ kêu cứu vì bị xâm hại trên môi trường mạng mà Tổng đài ghi nhận được. 

Đó là một em gái 15 tuổi ở Bình Phước có quen một người bạn trai qua mạng. Sau đó, cả hai đã có quan hệ tình dục. Đối tượng sau đó đã quay lại video và tống tiền em 5 triệu đồng, mặt khác còn đe dọa, bắt em livestream thủ dâm nếu không anh ta sẽ tung clip lên mạng. Quá lo sợ, em đã cầu cứu Tổng đài 111 cách xử lý sự việc vì em không biết gì khác ngoài số điện thoại của người bạn trai đó. 

Đó còn là sự đau khổ của một người mẹ gọi đến Tổng đài cho biết con gái chị 15 tuổi đang có thai 12 tuần. Trước đó, con gái chị quen một thanh niên 25 tuổi cùng huyện qua facebook và thường xuyên qua lại nhà anh ta. Chị bùi ngùi chia sẻ, mình và chồng ly hôn, con gái ở với chị nhưng quan hệ mẹ con không hòa hợp. Việc con mang bầu vỡ lở, chị vội đưa con đến bệnh viện thì bác sĩ sản khoa cho biết nếu phá thai con chị sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên để đảm bảo tương lai của con, chị vẫn quyết định để con phá thai. Gọi tới Tổng đài, người mẹ mong muốn đưa sự việc ra pháp luật, “thủ phạm” gây ra cái thai trong bụng con chị phải bị xử lý về tội xâm hại tình dục. 

Hay như em T, sinh năm 2006 ở Phú Yên chia sẻ với Tổng đài việc mình bị kẻ vay tiền xâm hại qua mạng. Vào cuối tháng 12 năm 2021, em bị một người mới quen mượn tiền nhưng không trả, sau đó đối tượng yêu cầu em quay video về các bộ phận trên cơ thể mới trả tiền. Em đã làm theo cho tới ngày 25/1/2022 thì phát hiện các video đã được chia sẻ trên mạng xã hội. Quá hoảng sợ, em đã nghĩ tới việc sẽ dùng cao cắt tay để tự vẫn. Gọi tới Tổng đài 111, em mong được hỗ trợ ngăn chặn các clip đang bị phát tán và xử lý những người đã lừa em. 

Bà Lê Thị Thảo, Phó Trưởng Tổng đài 111 cho biết,  ngay khi tiếp nhận thông tin, Tổng đài đã kết nối với Bộ Công an để đề nghị hỗ trợ. Tổng đài cũng liên lạc với bố mẹ em T để hướng dẫn cách chăm sóc và hỗ trợ tâm lý cho con mình. Cơ quan chức năng cho biết, video liên quan đến T được share trên ứng dụng telegram nên hiện chưa có biện pháp can thiệp. Website đăng video của cháu T đăng ký ở nước ngoài và người đăng ký ẩn danh nên cũng không can thiệp được. Vì vậy, cơ quan công an sẽ ngăn chặn việc truy cập trang web này từ Việt Nam.

Bà Thảo cũng nhớ về  trường hợp em gái tên là L.D.A (SN 2007) ở Long Biên có quen một đối tượng trên facebook. Đối tượng này yêu cầu em chụp ảnh khỏa thân để gửi cho họ và em đã làm theo. Mấy ngày sau đối tượng này nhắn tin yêu cầu em gọi video khỏa thân, nếu không làm theo đối tượng sẽ phát tán ảnh khỏa thân của em cho bạn bè và đưa những hình ảnh đó lên mạng. Tổng đài đã chuyển thông tin và các tin nhắn đe dọa đến Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội và Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đề nghị can thiệp và hỗ trợ em A. Sau đó, em A đã ổn định về tâm lý và đi học bình thường. Cơ quan công an cũng đã hướng dẫn gia đình cách thức bảo vệ em A và cách sử dụng mạng an toàn.

Theo bà Lê Thị Thảo, năm 2022, trong 419 cuộc gọi tới Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và 18 lượt thông báo về các kênh/video clip có nội dung độc hại đối với trẻ em, có 398 cuộc gọi tư vấn. Trong số này, lại có 125 cuộc gọi liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, chiếm 31,4%; 51 cuộc gọi liên quan đến trẻ em bị dụ dỗ/gạ gẫm trên môi trường mạng, chiếm 12,8%; 5 cuộc gọi liên quan đến bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng, chiếm 1,3%; 39 cuộc gọi về trẻ em bị bạo lực, bắt nạt trên môi trường mạng, chiếm 9,8%; 21 cuộc gọi về việc trẻ em bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên MTM, chiếm 5,3%; 2 cuộc gọi trẻ em bị lừa tiền trên MTM. 
Quý I/2023, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng đã tiếp nhận 76 cuộc gọi tư vấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Từ các vụ việc trẻ bị xâm hại, lạm dụng gọi tới Tổng đài cho thấy, điểm chung của các trường hợp là trẻ thiếu đi sự sát sao của gia đình, người chăm sóc trẻ. Như trường hợp trẻ thường xuyên vắng nhà, lưu lại nhà bạn trai, tới khi có thai thì người mẹ mới biết. Nhiều trường hợp, cha mẹ, người chăm sóc hoàn toàn không kiểm soát được việc lên mạng của trẻ, cho tới khi sự việc lạm dụng, bóc lột, xâm hại xảy ra. Trong khi đó, trẻ lại chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng tự bảo vệ bản thân, xử lý tình huống, chưa nhận thức được đầy đủ về các nguy cơ bị xâm hại trên không gian mạng. Đa phần trong các vụ việc, đối tượng thường dụ dỗ trẻ quan hệ tình dục, quay clip khỏa thân như một điều kiện để được đáp ứng các nhu cầu của trẻ như tiếp tục duy trì tình cảm yêu đương, trả tiền nợ… Thay vì thông báo sự việc hay tìm kiếm sự giúp đỡ, định hướng từ người chăm sóc, trẻ lại đáp ứng các yêu cầu của đối tượng, sau đó tiếp tục bị đối tượng đe dọa, hòng tiếp tục xâm hại trẻ với các mức độ nghiêm trọng hơn. 

Nguy cơ trẻ bị xâm hại trên không gian mạng hiện hữu ngày một rõ ràng, đòi hỏi người chăm sóc trẻ, các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm đúng mức, kịp thời để bảo vệ trẻ vì mạng là “ảo”. nhưng tổn thương gây ra cho trẻ là “thật”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.