“Thuận vợ, thuận chồng”, hạnh phúc luôn êm ấm

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Kinh tế khá giả, gia đình ấm êm, hạnh phúc, các con ngoan, hiếu thảo... Đó là kết quả nhờ vợ chồng biết đồng lòng, cùng bảo ban nhau xây tổ ấm.

“Thuận vợ, thuận chồng”, hạnh phúc luôn êm ấm - ảnh 1
Vợ chồng chị Hà và anh Tính trước vườn hoa anh chị chăm sóc.

1 Những ngày giáp Tết luôn là giai đoạn bận rộn nhất năm của gia đình chị Dương Thị Hà, sinh năm 1977 và anh Nguyễn Văn Bính, sinh năm 1972, ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Cả năm trồng hoa, chỉ có vụ Tết là cho thu nhập tốt nhất. Năm nay, do thời tiết nóng lạnh thất thường, rét muộn nên việc chăm sóc hoa cũng cẩn thận, tỉ mỉ hơn. Nhìn vào những luống hoa ly tươi tốt đang vươn mình căng tràn sức sống, anh Bính cười: “Sau khi thu hoạch hoa cắt cành, phần củ của nó sẽ được tận dụng, bảo quản để vợ chồng tôi mang lên Sa Pa tiếp tục nhân giống thêm 1-2 vụ nữa”. 

Vợ chồng anh Bính, chị Hà quen biết và nên duyên từ năm 1995, đến nay, anh chị đã có hơn 25 năm làm nghề trồng hoa. Ban đầu, anh chị chỉ canh tác trên vài sào ruộng mà hợp tác xã giao cho, đến nay, “cơ ngơi” vườn hoa của anh chị là 2 mẫu ruộng ở xã Mê Linh và 6 mảnh đồi ở Sa Pa (Lào Cai), trồng các loại hoa hồng cắt cành, hoa hồng bầu, hoa ly, hoa ly chậu và các loại hoa cúc. Những ngày đầu mới trồng hoa, công việc vô cùng bận rộn. Hai vợ chồng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ngày đi làm ngoài vườn, cắt lá, tỉa cành, bắt sâu, chụp giấy giữ bông, làm cỏ… tối đến lại xếp hoa. 3 giờ sáng, nhiều hôm trời rét cắt da cắt thịt, hai vợ chồng vẫn đèo nhau trên chiếc xe máy cũ, chở theo hoa ra các chợ hoa Mê Linh, Quảng Bá, Tây Hồ… để bán. Đến nay, khi các con đã lớn, có thể hỗ trợ bố mẹ canh tác hoa, anh chị giao cho cậu con trai thứ hai phụ trách bán hoa, con trai thứ nhất canh tác hai mẫu hoa ở xã Mê Linh, còn vợ chồng anh chị “mở rộng” đất trồng hoa, thuê 6 quả đồi ở thị trấn Sa Pa để trồng hoa. 

Đó là từ hồi cách đây 7 năm, trong một lần đi du lịch cùng nhau lên Sa Pa, anh chị nhận thấy, thổ nhưỡng và khí hậu ở đây rất phù hợp với trồng hoa ly phát triển kinh tế. Hai vợ chồng bàn nhau cùng mở rộng đất canh tác lên đây. Giao lại việc nhà cho các con, anh chị lên Sa Pa thuê nhà làm lán, thuê đồi của dân với giá 24 triệu đồng/năm trong 10 năm. Chị vay vốn của Ngân hàng chính sách do Hội Phụ nữ quản lý, thế chấp vay mượn ngân hàng hơn 1,5 tỷ đồng để đầu tư vườn hoa, thuê nhân công, san bằng đất, nhặt đá sỏi, thuê máy xúc đất… Anh chị không ngừng học hỏi từ những người có kinh nghiệm trong và ngoài địa phương, tích cực nghiên cứu phương pháp trồng hoa từ sách báo… 

“Ở Sa Pa, chúng tôi chỉ trồng hoa ly, mỗi năm làm 1 vụ, trồng cuốn chiếu các mảnh đồi với nhau nên lúc nào cũng có việc, hoa cũng thu hoạch thường xuyên. Trung bình mỗi năm, thu nhập từ hoa ở đây khoảng 500 triệu đồng” - chị Hà cho biết. Đặc biệt, anh chị có thể tận dụng được gốc hoa ly ở dưới Hà Nội, bảo quản để đưa lên trồng vụ mới ở Sa Pa, vừa tận dụng giống, vừa cho thu nhập tốt.

Nói về sự đồng thuận vợ chồng trong phát triển kinh tế, chị Hà mỉm cười: Vợ bảo chồng nghe, chồng bảo vợ nghe. Vợ chồng tôi luôn nhường nhịn và chia sẻ với nhau trong mọi việc. Trong mắt chị Hà, anh Tính là người chồng hiền lành, chịu khó, biết quan tâm và luôn yêu thương vợ con. Trong cuộc sống cũng có những lúc trái quan điểm, nhưng chưa bao giờ vợ chồng nặng lời, to tiếng với nhau. Quanh năm vất vả mưu sinh, nhưng anh chị vẫn biết cách để “tô màu” cuộc sống thú vị hơn. Vào những lúc nông nhàn, cả nhà lại cùng nhau đi du lịch, thư giãn tinh thần… 

Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN xã Mê Linh, huyện Mê Linh cho biết: Gia đình chị Hà vừa là hội viên phụ nữ, vừa tham gia trong tổ vay vốn, luôn đảm đang, tháo vát, vợ chồng hoà thuận, con cái chăm ngoan, lễ phép, là tấm gương sáng trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc ở địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã Mê Linh có khoảng 80% hội viên làm hoa. Nhìn chung các gia đình đều bảo ban nhau làm ăn, đồng thuận trong phát triển kinh tế gia đình. Những ngày giáp Tết, từ những cánh đồng hoa Mê Linh, có thể nhìn thấy những chiếc xe máy của các cặp vợ chồng chở hoa tấp nập ra thành phố. Dù vất vả nhưng trên gương mặt mọi người đều ánh lên niềm hạnh phúc, an vui.

2 Gia đình anh Trần Minh Thuần, sinh năm 1993 và vợ là Hà Ngọc Anh Thuỳ, sinh năm 1993, trú tại tỉnh Trà Vinh cũng là một trong những gia đình trẻ được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tuyên dương về gia đình hạnh phúc, cùng nhau phát triển kinh tế. Vợ chồng anh Thuần  sinh ra ở một vùng quê nghèo tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, nơi mà cuộc sống của người nông dân còn nhiều vất vả. Anh Thuần tốt nghiệp thạc sĩ, đi làm tại một đơn vị sự nghiệp công lập rồi tình cờ gặp được vợ đang công tác tại AgriBank Trà Cú. Trong thời gian đó, anh nhận thấy bản thân còn nhiều trăn trở về nông sản quê hương, người nông dân được mùa mất giá, được giá mất mùa nên quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn. Anh Thuần xin nghỉ việc ở tuổi 27, quyết định thành lập HTX Nông nghiệp Long Hiệp. Thời gian đầu, doanh nghiệp vận hành gặp vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng được vợ ủng hộ, cảm thông, động viên, anh chị đã vận hành thành công doanh nghiệp cá nhân của mình. 

Những ngày đầu do thiếu vốn kinh doanh, chị Thuỳ vay quỹ lương cơ quan được 200 triệu đồng đưa cho chồng góp vào HTX để sản xuất kinh doanh. Khi khó khăn mệt mỏi, chị luôn đứng sau lưng ủng hộ tinh thần chồng. Sau 5 năm cố gắng cuối cùng HTX cũng xây dựng thành công chuỗi giá trị gạo Hạt Ngọc Rồng, sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, sản phẩm OCOP tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long, 2 lần đạt danh hiệu gạo ngon trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực 2020 và 2022. 

Anh Thuần cũng được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng cao quý Lương Định Của - Nhà nông trẻ tiêu biểu xuất sắc toàn quốc năm 2020, danh hiệu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc, giải thưởng Thanh niên sống đẹp toàn quốc, giải thưởng Môi trường Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường vinh danh, Top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp tiêu biểu xuất sắc của TƯ Hội doanh nhân trẻ Việt Nam... 

Theo anh Thuần, có được những thành quả trên ngoài sự cố gắng của bản thân, còn có sự giúp đỡ của vợ. Sau giờ làm việc ở cơ quan, chị Thuỳ giúp chồng làm sổ sách kế toán, hạch toán thu chi cho HTX, quản lý, đồng tiền hiệu quả, hỗ trợ chồng trong việc khai thuế, quyết toán thuế. Nhờ đó anh đã giảm được nhiều chi phí, vững tin trên con đường đã chọn. 

“Vợ tôi không những vun vén cho gia đình, hỗ trợ chồng trong quản lý tài chính, tại cơ quan vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Luôn được nhận danh hiệu Lao động tiên tiến qua các năm và bằng khen phụ nữ hai giỏi "giỏi việc ngân hàng đảm việc nhà" - anh Thuần tự hào.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.