Thúc đẩy bình đẳng giới bằng cách tăng thời gian nghỉ thai sản cho người cha

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhằm khuyến khích cánh mày râu tham gia việc nuôi dạy con cái, cũng như cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho các gia đình, Singapore mới đây đã đưa ra tuyên bố tăng thời gian nghỉ sinh con có lương cho người cha, từ 2 tuần lên 4 tuần. Động thái nhận về sự ủng hộ khi mang về lợi ích cho cả gia đình lẫn quốc gia.

Sợi dây gắn kết cha và con

Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2007 cho thấy, những ông bố được nghỉ thai sản lâu sẽ làm tốt công việc chăm sóc con hơn. Tiếp đó, năm 2021, nghiên cứu của Khoa Xã hội học và Trung tâm Nghiên cứu Dân số, Đại học quốc gia Singapore (NUS) chỉ ra rằng, những đứa trẻ có cha được nghỉ thai sản đầy đủ thường ít gặp các vấn đề về hành vi hơn so với các đứa trẻ khác. Theo nghiên cứu này, các gia đình cũng ít xung đột, các mối quan hệ bền chặt hơn và mức độ hài lòng trong hôn nhân cao hơn.

Trong cuộc sống hiện đại, việc các cặp vợ chồng cùng đi làm dần trở nên phổ biến, dẫn tới áp lực cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình có thể rất lớn. Vì vậy, những tuần nghỉ phép có lương sẽ là một liều thuốc đắc lực, giúp tạo ra sự khác biệt lớn trong khả năng hỗ trợ gia đình của người cha, giúp tập trung vào những tháng đầu đời quan trọng của đứa trẻ.

Trước vòng xoáy công việc đầy căng thẳng và hối hả, thời gian nghỉ thai sản là yếu tố lớn ảnh hưởng đến quyết định sinh con và việc nuôi dạy con cái. Đặc biệt, với những người lần đầu làm cha, thời gian nghỉ sinh con tạo điều kiện giúp họ có nhiều thời gian hơn để thích nghi với vai trò mới của mình.

Khi đó, các ông bố có thể vừa chăm sóc em bé, vừa giúp đỡ công việc gia đình và hỗ trợ tinh thần cho người vợ. Thời gian ở nhà, người chồng có thể chia sẻ công việc gia đình với người vợ, tập làm quen với em bé, tạo không khí vui vẻ trong gia đình.

Còn với những gia đình có nhiều hơn một bạn nhỏ, nhiều cha mẹ than phiền hầu như “không có thời gian để thở” khi gia đình chào đón thành viên mới. Một ngày sẽ phải phân bổ hợp lý giữa việc để tâm tới những đứa trẻ lớn, và cũng phải dành thời gian tìm hiểu, chăm bẵm đứa trẻ mới sinh,…

Vì lẽ đó, quy định thời gian nghỉ sinh con nhiều hơn có thể giúp các phụ huynh tổ chức gia đình tốt hơn.

Thúc đẩy bình đẳng giới bằng cách tăng thời gian nghỉ thai sản cho người cha - ảnh 1

Các ông bố tham gia vào công việc chăm sóc con là một trong những phương pháp thúc đẩy bình đẳng

Giảm gánh nặng cho phụ nữ 

Với việc sử dụng dữ liệu từ cuộc khảo sát Xã hội châu Âu, trong một báo cáo vào năm 2022, các nhà nghiên cứu từ Đại học Leiden (Hà Lan) và Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển đưa ra con số 10,8%. Đây là mức độ hài lòng tăng thêm khi thực hiện chính sách nghỉ thai sản cho người cha trong cuộc sống của các cặp vợ chồng. Một tín hiệu thú vị hơn là tác động từ chính sách này đối với phụ nữ mạnh hơn nhiều so với nam giới. Theo đó, mức độ hài lòng trong cuộc sống của các bà mẹ tăng nhiều hơn 30% so với mức tăng của các ông bố.

Ở một diễn biến khác, trước thực trạng nhiều quốc gia ở Đông Á và châu Âu hiện có mức sinh thấp, các quốc gia trên khắp châu Á và châu Mỹ Latinh cũng dần đi đến vấn đề này trong những thập niên tới.

Tháng 8/2022, tạp chí Humanities and Social Sciences Communications đã công bố một nghiên cứu, trong đó xác nhận các chính sách nghỉ thai sản cho cả cha và mẹ có thể làm tăng tỉ lệ sinh thông qua việc cân bằng vai trò của vợ và chồng trong các nhiệm vụ gia đình.

Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích của việc nghỉ sinh con, nhiều người cha lại không biết cách tận dụng nó. Năm 2018, tại đảo quốc sư tử, 65% những ông bố đủ điều kiện để nghỉ thai sản đã không chọn nghỉ phép. Một số cho biết họ cảm thấy áp lực từ người sử dụng lao động hoặc lo lắng về ảnh hưởng không tốt của việc nghỉ thai sản đối với sự nghiệp. Dù vậy, năm 2022, xu hướng đang được cải thiện khi hơn một nửa số nam giới lên chức cha tại Singapore đã chọn phương án nghỉ thai sản.

Việc Chính phủ đảo quốc sư tử quyết định tăng gấp đôi thời gian nghỉ thai sản có lương cũng đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ. Đây được xem như điều lệ này không chỉ là sự ưu tiên với các gia đình mà còn là lợi ích của quốc gia. Từ đó khuyến khích các doanh nghiệp thoải mái hơn trong vấn đề thực hiện nghỉ thai sản có lương cho cả cha và mẹ. 

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

(PNTĐ) - Ly hôn là giải pháp cuối cùng cho một cuộc hôn nhân không còn tiếng nói chung. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ, khi mới chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ nhặt, thay vì tìm cách hàn gắn  hạnh phúc, ngồi lại với nhau để tìm giải pháp thì lại vội vã chọn ly hôn...