Trẻ em cần được bảo vệ kịp thời hơn

Chia sẻ

PNTĐ-Chúng ta cần có những biện pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn trước tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp.

 
Đây là một trong những yêu cầu được đặt ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em vừa diễn ra tại Hà Nội.
 
Trẻ em cần được bảo vệ kịp thời hơn - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em. Theo đó, chúng ta cũng đã hoàn thành trước hạn các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về trẻ em, tiếp tục triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc (trong đó có Mục tiêu trực tiếp tới trẻ em). Báo cáo về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho thấy tính đến cuối tháng 12/2017, Việt Nam có gần 26,3 triệu trẻ em.
 
Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã đạt được những kết quả đáng kể: 81% tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau khi sinh. 98,6%, trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp là 87%, gần 100% trẻ em dưới 5 tuổi được đi học mẫu giáo, học sinh tiểu học đi học không phải đóng học phí...
 
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em lại đang trở nên đáng báo động. Báo cáo thống kê cho thấy, mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và xử lý. Cụ thể, năm 2016 có 1.724 trẻ em bị bạo lực xâm hại (trong đó 1.115 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 67%). Năm 2017 có 1.642 trẻ em bị bạo lực, xâm hại (trong đó 1.397 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 85%). 6 tháng đầu năm 2018 có 790 trẻ em bị bạo lực, xâm hại (trong đó có 605 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 76,6%).
 
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, theo bà Nguyễn Thị Hà (Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH) số lượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên thực tế còn nhiều hơn. Lý do vì nhiều nạn nhân và gia đình ngại không muốn hoặc không dám tố giác thủ phạm đã dùng tiền để hòa giải với gia đình nạn nhân...
 
Thực tế cũng cho thấy, xâm hại tình dục đang là vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội. 21,3% trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình như: bố đẻ, bố dượng, anh, em họ - những người mà lẽ ra phải bảo vệ trẻ. Số trẻ bị xâm hại tình dục bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người lạ là 12,6%. Đặc biệt, trẻ bị xâm hại tình dục bởi người quen, hàng xóm chiếm tỷ lệ lớn nhất với 59,9%. 
 
Tại phiên họp chất vấn của Quốc hội ngày 5/6/2018 về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cũng đã thừa nhận xâm phạm tình dục trẻ em là vấn đề gây bức xúc.  Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, Viện đã truy tố 753 vụ liên quan đến xâm hại trẻ em với 805 bị can; đưa ra xét xử 648 vụ, 690 bị can. 
 
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình, trong 5 năm từ 2012 đến 2017, toà giải quyết 8.100 vụ phạm tội liên quan xâm hại trẻ em, gồm 5 tội danh khác nhau theo Bộ luật Hình sự. Các vụ xét xử đúng người, đúng tội chiếm 93%.
 
Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại ngày một nghiêm trọng và phức tạp gây bức xúc xã hội đã đặt ra vấn đề cấp thiết cho công tác bảo vệ trẻ em. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số các công chức xã, hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý khi mà hiện nay toàn quốc mới có 590/11.162 (khoảng 5%) cấp xã bố trí. 
 
Cụ thể, chúng ta cần nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu và các thành phần làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã gồm: Công an xã, Hội Phụ nữ xã, Đoàn thanh niên, y tế thôn, bản... 
 
Hơn lúc nào hết, mỗi một gia đình, cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội ở cấp địa phương, cơ sở cần phải có nhận thức đầy đủ hơn, quan tâm đúng mức hơn về công tác bảo vệ trẻ em. Có như vậy, trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước mới được sống trong môi trường an toàn, phát triển tốt.
 
 
Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.