Giữ lửa hôn nhân:

Trưởng thành trong hôn nhân để hạnh phúc!

Duy Bình
Chia sẻ

(PNTĐ) -Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, vợ chồng giống như hai đứa trẻ “chập chững” làm quen với những vai trò, nghĩa vụ mới. Theo thời gian, họ phải học hỏi để trưởng thành trong hôn nhân thì mới giữ được hạnh phúc, còn không “tổ ấm” sẽ biến thành “tổ lạnh”...

Trưởng thành trong hôn nhân để hạnh phúc! - ảnh 1
Khi kết hôn, vợ chồng phải học hỏi để trưởng thành trong hôn nhân, giữ hạnh phúc   Ảnh minh họa

1 Người vợ ấy đến văn phòng luật sư nhờ tư vấn thủ tục ly hôn sau gần chục năm chung sống. Trả lời nguyên nhân vì sao lại muốn ly hôn, người vợ bức xúc bảo do chồng cô không chịu “trưởng thành” để làm một người chồng, người cha có trách nhiệm mà cứ mãi “trẻ trâu” như thời thanh niên chưa vợ. 

Hóa ra sự “trẻ trâu” của anh chồng mà cô nói đến chính là sở thích chơi chim cảnh của anh. Sở thích đó có từ lúc anh còn nhỏ nên mấy con chim cảnh giống như “báu vật” không thể tách rời trong cuộc sống, kể cả khi đã lấy vợ.

Cô vợ nói, cả ngày vợ con ăn uống hay chưa, anh ta không cần biết nhưng mấy con chim cảnh thì phải no nê. Chi phí sinh hoạt của gia đình thiếu đủ thế nào anh không để ý nhưng chi phí cho mấy con chim cảnh kia thì nhất định phải luôn có. Thời rảnh rỗi lúc nào là chồng cô tụ tập với hội chơi chim cảnh tối ngày, có lúc còn mang chim đi thi thố mấy ngày mới về nhà. Ban đầu, cô vợ nhẫn nhịn, học cách sống chung với sở thích của chồng, nghĩ rằng thà chồng mê chim cảnh còn hơn là mê phụ nữ bên ngoài. 

Nhưng, hai đứa con ra đời, nhu cầu cơm áo gạo tiền ngày càng tăng cao, cô cần anh bươn chải, lo lắng quan tâm đến đời sống của vợ con nhiều hơn. Tuy nhiên, chồng cô vẫn mê mải với thú vui của mình, để mặc vợ tự xoay xở trong những áp lực của cuộc sống. Cô vợ khuyên nhủ nhiều lần, đôi khi còn dùng cả hình thức “cảnh cáo” nếu chồng tiếp tục mê chim cảnh mà quên mất vợ con nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy. Mọi việc bùng nổ vào cái ngày cô bận việc không thể đón con nên giao nhiệm vụ cho chồng. Không ngờ, bữa đó, anh chồng được hội nhóm chim cảnh gọi tụ tập đã quên mất việc đón con khiến cô giáo phải đón học sinh về nhà mình trông hộ. Đêm đó, khi chồng vừa cầm lồng chim bước vào nhà, cô giằng lấy đập tan trong tâm trạng “tức nước vỡ bờ”. Anh chồng nhìn mấy con chim cảnh dãy dụa dưới đất tưởng như trời sập xuống, tức giận quay sang tát vợ như trời giáng. 

Cô vợ bị chồng tát tím mặt, ngã gục dưới đất, sốc nặng. Nhìn hai đứa con khóc thét bên cạnh, cô quyết tâm phải bỏ người chồng tồi tệ này. Sáng hôm sau, cô tìm đến văn phòng luật sư để tìm hiểu làm thủ tục ly hôn nhanh nhất có thể. 

2 Trước khi lấy chồng, cô là tiểu thư sống trong cảnh chiều chuộng, muốn gì có đó. Lớn lên, yêu rồi kết hôn, bước vào hôn nhân, cô vẫn giữ mọi thói quen dù mọi thứ không còn như cuộc sống trước đây. Mẹ cô, vì muốn giữ hạnh phúc cho con gái nên suốt ngày lẽo đẽo theo cô làm dâu. Nhà chồng có công có việc, bà theo con gái về bên đó bế cháu, phụ thông gia vào bếp nấu nướng. Miệng nói tay làm, thanh minh cho đứa con gái vụng về của mình. Sự biết điều và tài ăn nói khéo léo của bà khiến nhà chồng cô có phần nể nang mà không chấp nhất những lỗi trong ứng xử của con dâu. 

Hai vợ chồng sống riêng, cô vợ đưa ra “tiêu chuẩn kép” cho chồng, vừa phải biết kiếm tiền, vừa phải quan tâm đến việc nhà trong gia đình phụ vợ. Theo đó, cô bắt chồng từ bỏ hết mọi thú vui cá nhân, nhu cầu giải trí thông thường, mọi quan hệ bạn bè bị thu hẹp lại nhất có thể. Thậm chí, có những lúc cô còn gây áp lực bắt anh từ bỏ hết bạn bè, chỉ chuyên tâm cho vợ con, gia đình. 

Thế nhưng, cô lại cho rằng phụ nữ lấy chồng thì vẫn được tự do, hưởng thụ thú vui shopping, làm đẹp. Đặc biệt là việc làm đẹp, đó còn là “nhiệm vụ” để cô giữ chồng và làm sang cho chồng. Vậy nên, ngoài giờ làm việc, cô để con cái cho chồng và bố mẹ đẻ quán xuyến, còn mình dành thời gian chăm sóc bản thân. Có mẹ vợ giúp đỡ, anh chồng để cô tự do sống theo cách của mình. Nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận lợi để anh chồng chấp nhận hy sinh mọi nhu cầu cá nhân cho cô vợ và gia đình. Công việc làm ăn khó khăn khi kinh tế suy thoái, ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh, anh chồng vừa chịu áp lực của công việc, vừa phải đầu tư thời gian để thiết lập các mối quan hệ làm ăn. Vì vậy, anh phải ra ngoài ăn uống, giải trí xã giao để lấy quan hệ làm ăn, nhưng vợ anh vẫn theo lối nghĩ cũ, không chấp nhận điều đó. 

Vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, cuộc sống hôn nhân bất ổn, họ nhiều lần viết đơn ly hôn khiến bố mẹ hai bên đau đầu hòa giải hết lần này đến lần khác. 

3 Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải (chuyên gia giáo dục giới tính, tác giả của nhiều đầu sách về giáo dục giới tính, tình dục), lâu nay chuyện dựng vợ gả chồng được xem là “chung thân đại sự”, quan trọng nên mỗi người đều phải trưởng thành khi bước vào đời sống vợ chồng. Sự trưởng thành ấy là biết suy nghĩ thực tế, biết cư xử nhún nhường, bao dung hơn, buông bỏ vài sở thích, thói quen thời độc thân. 
Thực tế cho thấy nhiều chàng trai sau vài năm kết hôn vẫn không khác xưa. Họ vẫn giữ thói quen tụ tập, ăn nhậu cùng bạn bè quên trời đất, thích đầu tư vào các thú vui cá nhân, mà không biết nó có ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân hiện tại hay không. Và ở chiều ngược lại, có những cô gái lấy chồng, làm mẹ, làm vợ, làm dâu nhưng vẫn không trưởng thành để quán xuyến, thực hiện các vai trò đó của mình. Họ vẫn vô tư, thoải mái hưởng thụ cuộc sống cá nhân, đặt tất cả gánh nặng lên cho chồng và người thân. 

Chuyên gia Nguyễn Lan Hải cho rằng, việc ai cũng muốn giữ nguyên quyền lợi, sở thích của mình như thời son rỗi thì chứng tỏ họ chưa sẵn sàng lập gia đình. Bởi một khi họ đã trao nhẫn cưới cho nhau và trở thành vợ chồng thì không còn sống cho riêng bản thân nữa, mà sẽ có cuộc sống mới, đồng hành với người bạn đời của mình. Biết cân bằng giữa đam mê và trách nhiệm gia đình luôn là bài toán khó với nhiều người. Bởi hôn nhân không nên chỉ toàn trách nhiệm, cơm áo gạo tiền, nó còn phải đem đến hạnh phúc, tình yêu cho những người trong cuộc. Nếu ví cam kết hôn nhân như bản hiệp ước giữa hai quốc gia, thì hiệp ước ấy phải phân chia hợp lý quyền lợi, nghĩa vụ của đôi bên, đảm bảo không ai chịu thiệt thòi. Giả sử một bên hưởng quá nhiều ưu ái, bên kia hầu như chẳng được gì, thì mối giao hảo giữa hai đất nước kiểu gì cũng gãy đổ. Và, bản “hiệp ước hôn nhân” bất công sẽ bị xé bỏ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.