Việt Nam xếp hạng 95/176 quốc gia về chỉ số tuổi thơ

Chia sẻ

PNTĐ-Theo báo cáo tuổi thơ toàn cầu năm 2019, trẻ em Việt Nam đang có tuổi thơ tốt đẹp hơn nhiều so với 20 năm trước đây.

 
Theo báo cáo tuổi thơ toàn cầu năm 2019 được Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) công bố tại Hà Nội, trẻ em Việt Nam đang có tuổi thơ tốt đẹp hơn nhiều so với 20 năm trước đây. Năm 2019, Việt Nam xếp hạng 95/176 quốc gia trên Bảng xếp hạng chỉ số kết thúc tuổi thơ, tăng 1 bậc so với năm ngoái. 
 
Việt Nam xếp hạng 95/176 quốc gia về chỉ số tuổi thơ - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Bảng xếp hạng báo cáo toàn cầu năm 2019 các quốc gia theo thang điểm từ 1 đến 1.000 dựa trên các chỉ số “kết thúc tuổi thơ” - đó là những bước ngoặt trong cuộc sống khiến trẻ em bị mất đi tuổi thơ của chính mình như: Tảo hôn, có thai vị thành niên, không được đi học, ốm yếu, suy dinh dưỡng và tử vong. Bảng xếp hạng đã đánh giá tuổi thơ của trẻ em ở 173/176 quốc gia trên thế giới, trong đó, Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em với nhiều chỉ số được cải thiện đáng kể. 
 
Cụ thể, tỷ lệ lao động trẻ em và suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi đã giảm. Theo báo cáo, suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam là 24,6%, so với mức 36,5% của năm 2000. Tỉ lệ lao động trẻ em giảm từ 28% xuống còn dưới 10% hiện nay. “Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em và Công ước về Lao động trẻ em của Tổ chức Lao động quốc tế. Đồng thời, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế vượt bậc, giúp giảm tỉ lệ đói nghèo, nhiều trẻ em đã không còn phải lao động hỗ trợ gia đình.
 
Hơn nữa, Việt Nam còn đầu tư rất nhiều trong lĩnh vực giáo dục, giúp tăng tỷ lệ nhập học cho một bộ phận lớn trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống ở vùng sâu, vùng xa. Những thành tựu tăng trưởng kinh tế và nguồn viện trợ từ nước ngoài cũng đã được tận dụng một cách hiệu quả để xây dựng các chương trình mang lại lợi ích lớn cho trẻ em trong nước” - bà Dragana Strinic, Giám đốc quốc gia Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết.
 
Những năm qua, nhà nước đã có nhiều chương trình để bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhờ đó, các chỉ số trẻ em đã đạt được cao. Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em giảm còn 14,4% năm 2017; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong giảm còn 14,4%; 94,8% trẻ được tiêm chủng mở rộng; tỷ suất trẻ bị tai nạn thương tích đã giảm dần qua các năm; số trẻ tử vong do đuối nước đã được giảm mạnh; 98% trẻ được đến trường đầy đủ, giảm tỷ lệ trẻ bỏ học giữa chừng. Các nhà văn hóa, thư viện, khu vui chơi được xây dựng rộng rãi về các cấp xã phường thị trấn, nhiều diễn đàn trẻ em tự lên tiếng được lập ra. Trẻ em đã mạnh dạn nói lên suy nghĩ và nguyện vọng của mình... 
 
Tuy nhiên, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em vẫn còn nhiều thách thức như: gánh nặng bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh còn cao, tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường có diễn biến phức tạp; hệ thống bảo vệ trẻ em còn chưa được bố trí, đầu tư thỏa đáng. Tại nhiều địa phương, các dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đến được với trẻ em, gia đình, cộng đồng, chưa được triển khai trong nhà trường và các cơ sở y tế. 
 
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em khẳng định, báo cáo tuổi thơ toàn cầu tiến hành trong những năm gần đây là cơ hội tốt để Việt Nam nhìn lại những kết quả đã đạt được, những thách thức làm ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ em như trẻ em bị tử vong, suy dinh dưỡng, trẻ em bỏ hoặc không thể đến trường, trẻ em bắt đầu lao động, trẻ em kết hôn, sinh con, và trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục…
 
“Để thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, Cục Trẻ em sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về trẻ em, tăng cường đầu tư cho trẻ em, phát huy hơn nữa sự tham gia của trẻ em, hoàn thiện hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em tốt hơn, giải quyết các vấn đề trẻ em dai dẳng và mới xuất hiện; đảm bảo trẻ được phát triển và chăm sóc toàn diện, kịp thời hỗ trợ can thiệp trẻ có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực; xây dựng các phường xã đạt tiêu chí phù hợp với trẻ em...” - ông Đặng Hoa Nam cho biết.
 
Q.An 

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.