Vợ chồng Ngâu

Thu Giang
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Giỗ các cụ sắp tới rồi, ông cố gắng ăn uống nhanh khỏe để về quê gặp tôi nhé. Tôi thương ông lắm nhưng chẳng thể nào ra đó chăm ông được” - giọng bà nghẹn lại trong điện thoại khi gọi cho ông đang sống cùng vợ chồng con trai út ở trên thành phố.

Hơn 50 năm làm vợ chồng của nhau, bà bảo họ là đôi vợ chồng Ngâu điển hình. Thỉnh thoảng, bà ngồi nhẩm tính số năm hai người được sống bên nhau trọn vẹn toàn thời gian, rồi thở dài thườn thượt vì nó chẳng được là bao. Ngày ông còn công tác, sống xa vợ con đã đành. Sau này về hưu rồi, ngỡ sẽ được sống cạnh nhau đến lúc trăm tuổi, nào ngờ...

Ông bà đến với nhau thời đất nước ở giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuổi trẻ lên đường vì đất nước, bà tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong, còn ông nhập ngũ rồi ra chiến trường chiến đấu ở tiền tuyến. Hai người cùng làng, nhà gần ngõ nên cha mẹ mai mối chuyện tình duyên. Nhưng cũng như bao thanh niên thời đó, họ gác lại chuyện tình cảm cùng lời hẹn ước “hòa bình sẽ về làng cưới nhau”.

May mắn, hết chiến tranh, ông bà đều lành lặn trở về trong niềm vui khôn xiết của gia đình. Hai bên gia đình hiện thực hóa lời hẹn ước của họ bằng một đám cưới thật hạnh phúc.

Cưới xong, ông quay lại đơn vị để công tác (đơn vị ông đóng quân ở Tây Nguyên), còn bà sống cùng bố mẹ chồng, cày cấy làm kinh tế chốn hậu phương. Mỗi năm, ông được nghỉ phép về thăm nhà được một lần. Ba đứa con (hai trai, một gái) lần lượt ra đời trong những lần ông về phép đó. Làm vợ bộ đội thiệt thòi khi chồng đóng quân xa nhà, ngoài số tiền lương ông gửi về hàng tháng cùng những lá thư thấm đẫm nỗi nhớ vợ con, ông chẳng chia sẻ cho bà được gì thêm.

Ban đầu, bà cũng thấy số mình “khổ” khi chẳng có chồng bên cạnh như người ta để cậy nhờ. Sau này, bà quen dần rồi biết cách sống mạnh mẽ hơn để vượt qua mọi khó khăn khi vắng chồng.

Do mỗi năm chỉ được gặp gỡ nhau một lần vào ngày phép nên ông bà bảo họ chẳng khác gì vợ chồng Ngâu. Mỗi lần ông về nhà, cả hai đều trân trọng giây phút gần nhau nên chẳng nỡ giận dỗi điều gì khiến cả hai mất vui. Thời gian thấm thoắt, ba đứa con lớn dần, học hành rồi lấy vợ lấy chồng, ông cũng đến tuổi về hưu. Trong bữa cơm đoàn viên mừng ông đã nghỉ hưu, ông trịnh trọng hứa, từ nay sẽ dành mọi thời gian để đền bù lại cho vợ sau những ngày tháng sống cảnh thiếu vắng chồng. Ai cũng mừng cho bà.

Vợ chồng Ngâu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thế nhưng, ông bà sống lại cảnh “vợ chồng son” chưa tày gang thì bà lại có nhiệm vụ “xa nhà” bất khả kháng. Nhà có ba đứa con, con trai cả và con gái học xong đại học rồi ở lại thành phố làm việc. Sau đó, lần lượt lấy chồng, lấy vợ sống xa bố mẹ. Đứa con trai thứ làm việc ở quê, lấy vợ, sống chung cùng với ông bà. Khi con dâu cả sinh con, hai vợ chồng gọi điện về quê “nhờ” mẹ ra phố vài năm đến khi cháu đến tuổi đi trẻ.

Thương con, thương cháu, bà “lên đường” đi làm nhiệm vụ trông cháu. Vậy là hoàn cảnh đưa đẩy, ông bà lại quay về sống cảnh vợ chồng Ngâu như trước đây. Thỉnh thoảng, ông nhớ bà thì khăn gói lên thành phố một vài ngày thăm vợ. Ông muốn ở lâu cũng chẳng được vì nhà cửa con cái chật chội chẳng có chỗ. Nếu không, mỗi dịp lễ, tết, vợ chồng con trai được nghỉ để trông con, bà được “nghỉ phép” mấy ngày để về quê với ông. “Hết phép”, bà lại tay xách nách mang đủ thứ rau thịt ra phố trông cháu.

Đứa cháu đầu tiên được ba tuổi, vợ chồng con trai cho đi học mẫu giáo để bà về với ông. Nhưng vợ chồng đoàn tụ bên nhau chưa được bao lâu thì tới lượt con gái sinh nở, và nó cũng giống như vợ chồng anh trai lại về quê nhờ mẹ ra phố trông cháu một thời gian. Thương con thì thương đều, bà lại tiếp tục ra phố thêm hai năm.

Tuy nhiên, khi cháu ngoại đi trẻ thì cháu nội thứ hai lại “gối đầu” chào đời. Thế là, bà lại chuyển từ nhà con gái sang nhà con trai để trông cháu tiếp. Ông thương bà nhưng chẳng biết làm thế nào, có lúc ông đề xuất giải pháp thuê người giúp việc để bà về với ông. Nhưng khi nói đến cả bà lẫn con cháu đều không đồng ý, với lý do vừa tốn tiền vừa không yên tâm để con, cháu cho người lạ chăm sóc. Bà làm công tác tư tưởng với ông, thôi thì đứa nào cũng chỉ đẻ 2 đứa theo “tiêu chuẩn Nhà nước”, đã trông được hai đứa rồi, bà cố gắng một thời gian nữa trông nốt hai đứa nữa rồi về với ông sau.

Chuyện sống xa nhau, họ vốn dĩ đã quen từ ngày cưới rồi, chẳng nên bức xúc làm gì cho con cháu buồn lòng. Thế là tính từ ngày ông về hưu, bà mất 12 năm ra thành phố để trông 4 đứa cháu cả nội lẫn ngoại.

Trong thời gian bà ra thành phố trông cháu thì ở quê ông cũng làm nhiệm vụ đó khi vợ chồng con thứ sống cùng sinh hai đứa cháu. Việc trông cháu của ông đỡ hơn bà chút vì có ông bà ngoại sống gần đó phụ giúp thêm. Ông chăm chỉ làm vườn, nuôi thêm mấy con gà, con vịt để lấy trứng, rau, thịt gửi ra phố cho bà và con cháu.

Hết mấy “nhiệm kỳ trông cháu”, bà quay về quê trong niềm vui đoàn tụ với ông. Cả hai cứ nghĩ, từ giờ chắc chẳng phải sống xa nhau nữa.

Vợ chồng Ngâu - ảnh 2
Ảnh minh họa

Từ ngày không còn vướng bận chuyện trông cháu, ông bà có nhiều thời gian dành cho nhau. Hàng ngày, ông chở bà đi chợ, rồi về ra vườn trồng thêm luống rau. Mỗi lúc rảnh rỗi, vợ chồng lại đèo nhau đến thăm họ hàng, bạn hữu. Ông tổ chức các chuyến du lịch để có cớ đưa vợ đi chơi đây đó, bù lại những ngày tháng vất vả vì chồng, vì con, vì cháu. Được chăm sóc lẫn nhau, ông bà như hồi xuân trẻ lại, đi đâu cũng quấn quýt, tình cảm như vợ chồng son khiến ai cũng khen. Ngôi nhà của họ lúc nào cũng ấm áp hạnh phúc. Bà bảo đúng là đã “qua cơn bĩ cực”, bây giờ “đến hồi thái lai”.

Ấy vậy mà đùng một cái, ông bị tai biến, bị liệt tay, chân phải. Vợ chồng con trưởng đón bố ra thành phố để gần bệnh viện và có điều kiện chăm sóc hơn. Thời gian đầu, bà cũng ra phố để chăm sóc ông. Vì suy cho cùng “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, vợ chồng con trưởng cũng cố gắng đổi căn nhà lớn hơn để có chỗ ngủ nghỉ riêng cho bố mẹ già. Chăm ông được một thời gian thì bà cũng đổ bệnh.

Việc chăm sóc cả hai bố mẹ già cùng ốm đau một lúc quá nặng khiến vợ chồng con trai cả phải gọi con trai và em gái đến để họp gia đình tìm giải pháp. Các con bàn nhau rồi thống nhất, bệnh của ông nặng hơn cần điều trị y tế nhiều thì ở lại thành phố để vợ chồng con trai cả chăm sóc, phụng dưỡng. Bệnh bà nhẹ hơn một chút thì về quê sống cùng vợ chồng con trai thứ. San đều như thế, các con cũng thuận tiện hơn trong chăm sóc bố mẹ.

Vậy là tình cảnh bắt buộc, dù không muốn nhưng ông bà lại quay về sống cảnh vợ chồng Ngâu.

Từ ngày ông sống ở phố, bà sống quê, bệnh già nằm một chỗ, hai người lại nhớ và nghĩ về nhau nhiều hơn. Ngày nào, ông bà cũng gọi điện cho nhau để động viên cùng cố gắng vượt qua bệnh tật. Có những lúc bệnh ông trở nặng, đêm bà chẳng ngủ được bảo con trai gọi video để bà nói chuyện với ông. Nhờ sự thủ thỉ của bà ngày đêm, ông cũng đỡ buồn. Mỗi lần chán ăn, con cháu ép, ông không chịu nuốt miếng nào nhưng nhìn thấy bà qua video động viên là lại cố ăn. Ngược lại, ở quê, có những hôm bà đau ốm, ông cũng gọi điện liên tục để hỏi han, vực tinh thần cho vợ.

Con cháu thương bố mẹ nhưng vì hoàn cảnh không thể để ông bà sống cùng một chỗ. Mỗi khi ông hay bà khỏe, họ lại thay nhau đón bà ra phố hoặc đưa ông về quê ít lâu rồi lại quay về sống cảnh vợ chồng Ngâu.

Có lúc bệnh mệt, ông gọi điện, rớt nước mắt bảo sợ cái cảnh một ngày ông hay bà ra đi trước mà họ không kịp về bên nhau để từ biệt lần cuối. Giây phút hiếm hoi được gần nhau, đôi khi ông dại miệng ước: “Giá như lúc này ông trời gọi tôi với bà cùng về trên đó luôn thì tốt biết bao. Vì ít ra như thế, chúng ta được đi cùng nhau và ở bên nhau mãi mãi”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024: Bên nhau mình là nhà!

Gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024: Bên nhau mình là nhà!

(PNTĐ) - Ngày 28/6, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức họp báo giới thiệu chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc và Ngày hội Gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024 với chủ đề “Bên nhau, mình là Nhà”.
Giữ gìn giá trị gia đình Việt thời kỳ mới

Giữ gìn giá trị gia đình Việt thời kỳ mới

(PNTĐ) - Gia đình là nơi hoàn thiện con người, nơi con người được dạy dỗ, giáo dục đầu tiên và theo suốt cuộc đời. Trong xu thế hiện nay, nhiều hình thái gia đình ra đời nhưng các gia đình Việt vẫn duy trì, gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống.
Chị dâu ưa “vun vén”

Chị dâu ưa “vun vén”

(PNTĐ) - Lâu nay, Đào vẫn biết chị dâu mình (tên Linh) là người ưa vun vén, nhưng là theo kiểu lấy của nhà chồng để “vun” cho nhà mình. Mẹ Đào vốn là người thương con lại rộng lượng, hiểu chuyện nên dù con dâu có làm vậy cũng chẳng bao giờ có ý kiến gì.