Vợ chồng trẻ an cư, lập nghiệp
Nhiệm vụ của người trưởng thành được vạch ra như sau: Trước tiên là phải có kế sinh nhai, kế đó là lập gia đình và có một ngôi nhà để trú ngụ. Đặc biệt, với các cặp vợ chồng trẻ, chuyện an cư, lập nghiệp cần sự chung lưng đấu cật của cả hai, vì để hiện thực hóa được mục tiêu phải vượt qua rất nhiều khó khăn.
Cách đây 10 năm, khi cưới nhau, vợ chồng chị Kim Ngân (33 tuổi, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) thuê một phòng trọ tại khu vực phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), với chi phí mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng. Khi ấy, tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 30 triệu đồng/tháng. Họ đặt kế hoạch tiết kiệm để mua nhà từ những ngày đầu chung sống và quyết tâm theo đổi đến cùng. Sau 4 năm dành dụm, họ tiết kiệm được một khoản. Tìm hiểu, họ chọn được một mảnh đất tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm và quyết định mua để xây nhà, với giá 1,5 tỷ đồng. Kế hoạch vay ngân hàng để mua được đất lần 1 đặt ra. Thêm mấy năm tiết kiệm tiếp, họ trả được số nợ đó. Để xây được nhà, họ vay trả góp ngân hàng trong 10 năm. Giờ đây, hai vợ chồng cùng hai con ở trong một ngôi nhà 4 tầng, rộng 40m2 khang trang, dù vẫn còn nợ nhưng theo chị Ngân, họ hoàn toàn có khả năng lo liệu được vì: “Mình có sức khỏe, có công việc lại đồng vợ đồng chồng thì không sợ bất cứ điều gì cả!”.
Theo chị Ngân, tâm lý của các cặp vợ chồng đi mua nhà sẽ luôn lo âu vì khoản nợ ngân hàng, không biết đến bao giờ mới trả xong. Song chính vì như vậy, vợ chồng chị Ngân càng cố gắng làm việc. Đây chính là động lực giúp vợ chồng chị cố gắng hơn, làm thêm tối ngày vì mục tiêu trả nợ trước hạn. “Có những đêm, chồng mình ngủ lại xưởng vì làm xong việc quá muộn, còn mình thì dậy từ 3-4 giờ sáng vì nhận thêm nhiều công việc bên ngoài để làm. Hai vợ chồng cứ quần quật như vậy, không ai dám kêu khổ với ai, chỉ biết nhìn nhau mà cố gắng” - chị Ngân kể.
Trong việc mua nhà, quan trọng nhất vẫn là “đồng vợ đồng chồng” (Ảnh: minh họa - Int)
Cũng phải vay nợ để mua nhà, nhưng vợ chồng Thu Huyền (27 tuổi, Xa La, Hà Đông) chọn cách “tăng xin giảm mua”, tiết kiệm triệt để để trả nợ nhà. Căn hộ mà vợ chồng Huyền mua nằm ở khu đô thị Xa La với diện tích là 60m2. Giá của căn hộ là 600 triệu, tính thêm tiền hồ sơ vay ngân hàng, tiền hoa hồng, tiền làm nội thất… tổng cộng hết 730 triệu. Khi đó hai vợ chồng chỉ có 30 triệu trong tay nhưng vẫn đánh liều mượn sổ đỏ của ông bà nội thế chấp ngân hàng để vay nộp nốt phần thiếu và làm nội thất. Tổng cộng họ vay 700 triệu, tất cả cũng chỉ vì mong mỏi: “Bằng mọi giá phải bỏ nhà thuê”.
Khoản vay 700 triệu ấy chính là mục tiêu để vợ chồng Thu Huyền làm việc và phấn đấu. Mỗi tháng thu nhập của chồng khoảng 15 triệu và của Huyền được khoảng 4 triệu. Để có dư tiền trả nợ, cô phải “thắt lưng buộc bụng” bằng việc đi làm bằng xe bus. Về ăn uống, học hành của các con, Huyền cho con học trường công, tự nấu ăn ở nhà, tận dụng triệt để đồ ăn từ quê gửi lên. “Phương châm của mình là “tăng xin, giảm mua” và “tiết kiệm là quốc sách”. Quần áo mình cũng rất ít mua sắm, ngoài giờ hành chính là tranh thủ bán hàng online để tăng thêm thu nhập”- Huyền kể. Nhờ vậy, hai vợ chồng đã hiện thực hóa ước mơ sở hữu nhà vẫn đau đáu bấy lâu nay.
Theo chị Ngân, điều khó khăn đầu tiên khi mua nhà là hai vợ chồng chưa cùng nhau quyết tâm. Hồi đó khi chồng bảo mua nhà, chị Ngân mất ngủ nhiều đêm liền. Chị cứ nghĩ, nếu mua nhà rồi lấy tiền đâu mua bỉm sữa cho con, tiền đâu mà chi tiêu, và có đủ sức làm mà trả nợ hay không. May mắn chồng chị là người có chí hướng nên anh quyết định rất chắc chắn. Chị Ngân tôn trọng và cũng nghe theo quyết định của chồng.
Còn theo Thu Huyền, nếu vợ chồng vẫn chưa có đủ nguồn tài chính để mua nhà, có thể cân nhắc đến việc sử dụng các nguồn hỗ trợ bên ngoài. “Như trường hợp của mình là may mắn được bố mẹ hỗ trợ một ít để nhẹ gánh nặng hơn, nhưng mình vẫn phải đi vay thêm ngân hàng. Các chương trình vay với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng cũng giúp các gia đình mua nhà nhanh hơn. Tuy nhiên, không nên vay khoản vay vượt quá 50% giá trị căn nhà vì có thể phát sinh rủi ro và áp lực cho vợ chồng” - Thu Huyền kể.
Cả hai cặp vợ chồng đều thừa nhận, quan trọng hơn cả vẫn là sự “chung lưng đấu cật” của hai vợ chồng, nhất là cái tài thu vén của người vợ để hoàn thành mục tiêu đề ra.
PHƯƠNG ANH