Vướng lao lý vì bôi nhọ “người thứ 3“
(PNTĐ) - Chồng có quan hệ ngoài hôn nhân, lẽ ra là vợ, chị có quyền yêu cầu pháp luật xử lý hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, bảo vệ hạnh phúc và quyền lợi của mình. Tuy nhiên, từ nỗi ấm ức của người bị chồng phản bội, chị đã tìm cách bôi nhọ tình địch trên mạng xã hội để trả thù. Để rồi bây giờ, chị có nguy cơ vướng vào vòng lao lý...
Từ mong muốn bảo vệ hạnh phúc
Tìm đến Báo Phụ nữ Thủ đô, chị M, 51 tuổi ấm ức chia sẻ: Vợ chồng chị có một xưởng sản xuất nội thất, do chồng chị đang quản lý, điều hành. Vừa rồi, chị phát hiện chồng chị cặp kè với một cô gái mới 18 tuổi, còn ít hơn tuổi con gái lớn của chị. Cô này dù biết chồng chị đã có gia đình nhưng vẫn sẵn sàng cặp bồ với chồng chị, còn đồng ý chỉ là người “thứ 3 thầm lặng” chứ không bon chen hay đòi danh phận gì. “Khi biết chuyện, tôi thực sự rất sốc. Bởi, tôi đã đồng hành với chồng từ thuở bần hàn, khi hai vợ chồng chỉ có 1 chiếc xe đạp dùng chung.
Sau đó, nhờ tôi đi xuất khẩu lao động 3 năm trời, mới dành dụm được chút vốn. Chồng tôi có nghề làm mộc, cộng với vốn của tôi nên có điều kiện bứt phá, kinh doanh đồ nội thất. Tôi thật không ngờ khi kinh tế khấm khá thì chồng mình lại đổ đốn, phản bội vợ”.
Chị M đã dành ra gần 1 năm âm thầm theo dõi chồng và thu thập các chứng cứ chồng ngoại tình (gồm các tin nhắn, bức ảnh thân mật của chồng và người tình, rồi cả ảnh chụp các tài sản (xe máy, túi, giày hàng hiệu) mà chị cho là chồng đã mua cho tình nhân cùng căn hộ cô này đang thuê ở cũng do anh đứng ra chi trả. Sau đó, chị đánh bài ngửa yêu cầu chồng cải tà quy chính nhưng không có kết quả. Cuối cùng, với tất cả ấm ức, chị đã đăng tải toàn bộ ảnh thân mật của tiểu tam và chồng lên mạng xã hội để “bố cáo” thiên hạ biết cô gái kia đã vi phạm pháp luật và luân thường đạo lý. Đồng thời, chị còn đăng bài lên mạng xã hội yêu cầu bồ của chồng phải trả lại toàn bộ tài sản mà chồng chị đã cho cô ta. Song, sự hả hê của chị chưa kéo dài được bao lâu thì chị nhận được thông tin cô bồ của chồng đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý để kiện chị vì tội làm nhục người khác.
“Tôi làm như vậy cũng chỉ nhằm bảo vệ hạnh phúc, khiến cô gái kia chịu sự giám sát của dư luận và phải tránh xa chồng tôi. Là nạn nhân, tôi phải được pháp luật bảo vệ chứ không chấp nhận việc bị bồ của chồng đe dọa ngược lại”- chị bức xúc cho biết.
Đến nguy cơ “từ phải hóa trái”?
Theo luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng Luật sư Chính pháp, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, căn cứ Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Nhà nước nghiêm cấm việc người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, nhân thân, điều kiện thực hiện hành vi vi phạm mà người có hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt tù có thể tới 3 năm.
Cô gái cặp bồ với chồng chị P trong câu chuyện trên, dù biết chồng chị P đã có gia đình nhưng vẫn chung sống như vợ chồng với chồng chị có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo các trường hợp như: Làm cho quan hệ hôn nhân của vợ chồng chị P dẫn đến ly hôn, hoặc cô này đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà vẫn tiếp tục vi phạm, hoặc làm cho chị P hoặc con của hai vợ chồng chị tự sát, hoặc đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn, hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Khi biết chồng cặp bồ, chị P đã lấy ảnh thân mật của người chồng và cô gái kia đăng lên mạng thì hành vi này có dấu hiệu xâm phạm đến quyền hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của con người quy định tại Hiến pháp và Điều 32, 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 cùng các văn bản pháp luật có liên quan. Theo đó, ngoại trừ trường hợp sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc hoặc hình ảnh từ các hoạt động công cộng như biểu diễn nghệ thuật, hội thảo.., các trường hợp còn lại, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Với hành vi đăng ảnh nhạy cảm của người khác lên mạng xã hội, xú́c phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Dù trong trường hợp chồng chị P ngoại tình, đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ chung thủy và chồng của chị cùng cô gái kia đã vi phạm quy định về chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chị P có quyền xâm phạm quyền hình ảnh cá nhân, bí mật đời tư của người chồng và nhân tình dù vì bất kỳ mục đích gì. Chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới được quyền xử lý hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng của người chồng và nhân tình (nếu có), do đó chị P có thể kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết theo quy định pháp luật chứ không được sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để đáp trả lại một hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đối với việc chị P yêu cầu cô nhân tình trả lại các tài sản mà chồng chị đã mua, nếu trường hợp tài sản chồng chị P tặng là tài sản chung của vợ chồng thì chị có quyền đòi lại tài sản mà người chồng tặng cho bồ, nếu cô gái kia không trả lại thì chị P có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền. Nhưng ngược lại, trường hợp tài sản người chồng chị P tặng cho bồ không phải là tài sản chung của vợ chồng mà là tài sản riêng của người chồng trước thời kỳ hôn nhân thì người chồng hoàn toàn có quyền quyết định tới tài sản này, chị P không có quyền can thiệp tới quyền sở hữu tài sản này của chồng.
Có thể thấy rằng, việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng xét cả về lý và tình đều không được chấp nhận. Tuy nhiên, người vợ/chồng bị bạn đời phản bội, ngay cả khi muốn bảo vệ hạnh phúc cũng cần tuân thủ các quy định pháp luật.