Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em
(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Những mô hình gắn với đời sống
Xã Vạn Phúc nằm ở phía Đông của huyện Thanh Trì, có tốc độ đô thị hóa nhanh. Nhiều năm qua, công tác trẻ em và phụ nữ luôn được Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể quan tâm. Đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ nhiệt tình, trách nhiệm với phong trào, hăng hái vì cộng đồng. Nhiều năm liền trên địa bàn xã không để xảy ra các vụ việc nổi cộm về xâm hại, bạo hành phụ nữ và trẻ em. Đây là những điều kiện căn bản để Hội LHPN Thanh Trì xây dựng mô hình “Làng quê an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”.
Mô hình “Làng quê an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em” tại thôn 1, xã Vạn Phúc gồm 8 thành viên do đồng chí Nguyễn Mậu Luận, Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban chỉ đạo. Mô hình nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội vào việc xây dựng môi trường an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Phát biểu tại lễ ra mắt mô hình, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung mong muốn mỗi thành viên trong Ban chỉ đạo mô hình tiếp tục nêu cao ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia đóng góp xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến thông tin quy định của địa phương; vận động cán bộ và người dân sinh sống, làm việc trong xã nghiêm túc chấp hành pháp luật, gắn với các phong trào thi đua của Hội và thực hiện các quy định của địa phương nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về đảm bảo an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của Hội nói riêng và toàn xã nói chung.

Tại quận Hoàng Mai, tháng 9/2024, Hội LHPN phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai cũng đã tổ chức ra mắt Mô hình "Thành phố an toàn thân thiện với phụ nữ và trẻ em" và Hội thi cán bộ phụ nữ giỏi trong ứng dụng công nghệ số tạo lập môi trường an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em năm 2024. Tại buổi ra mắt mô hình, Chủ tịch UBND phường Giáp Bát Nguyễn Thế Toàn đề nghị, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự phối kết hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, UBND phường chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức có liên quan, phối hợp chặt chẽ, thực hiện hoạt động có hiệu quả để mô hình thực sự trở thành địa chỉ tin cậy cho phụ nữ và trẻ em.
Đây là hai trong số rất nhiều mô hình được Hội LHPN Hà Nội và các cấp Hội cơ sở triển khai trong nhiều năm qua. Ở cấp thành phố, trong năm 2024, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhân rộng mô hình “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại 5 quận, huyện (Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Cầu Giấy, Thạch Thất), nâng tổng số mô hình thực hiện tại 16 đơn vị. Mô hình đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong việc xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em: Đề xuất chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn cho phụ nữ, trẻ em, xây dựng 09 sân chơi an toàn, thân thiện với trẻ em tại các khu dân cư…
Đồng thời, Hội tiếp tục duy trì mô hình “Làng quê an toàn” tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên; xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ; xã Kim Hoa, huyện Mê Linh; xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai; nhân rộng mô hình tại xã Phùng Xá - huyện Mỹ Đức, xã Hát Môn - huyện Phúc Thọ, xã Nhị Khê - huyện Thường Tín; duy trì mô hình “Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em” tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ; phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm và nhân rộng mô hình tại phường Long Biên - quận Long Biên, phường Phú La - quận Hà Đông. Ngoài ra, Hội LHPN huyện Thanh Trì nhân rộng mô hình thôn, tổ dân phố an toàn tại xã Thanh Liệt với sự tham gia của 30 thành viên.
Các mô hình đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ, nam giới và cộng đồng tham gia chia sẻ các vấn đề hiện nay tại địa phương ảnh hưởng đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ...; duy trì hoạt động nhóm tuyên truyền pháp luật, hoà giải mâu thuẫn; tăng cường sự phối hợp tham gia của các tổ chức đoàn thể địa phương để sẵn sàng xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm, mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn…

Tích cực phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em
Thực hiện Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2026” năm 2024, Hội LHPN Hà Nội đã chú trọng nâng cao năng lực cán bộ Hội các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và thay đổi hành vi của các cấp, các ngành trong giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, thu hút được đông đảo hội viên, phụ nữ, nhân dân và nam giới, học sinh tham gia như: Hội thi “tuyên truyền viên phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em”, truyền thông “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường - Xây dựng trường học an toàn, thân thiện”, “Gia đình hạnh phúc, không bạo lực”, truyền thông về di cư an toàn, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại; tổ chức phiên toà giả định tuyên truyền về phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường cho học sinh; cung cấp kiến thức phòng ngừa ứng phó với bạo lực, xâm hại cho cha mẹ có con dưới 16 tuổi; nâng cao nhận thức, kỹ năng trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại và xây dựng, vun đắp giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của gia đình Thủ đô; tọa đàm nâng cao giải pháp tuyên truyền phòng ngừa, phối hợp giải quyết đối với các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ trẻ em…
Ở cấp cơ sở, Hội LHPN quận, huyện, thị xã và cơ sở tích cực nhân rộng, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của: 184 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật toàn Thành phố; 98 tổ tư vấn tham gia giải quyết vụ việc liên quan phụ nữ và trẻ em; 145 CLB “Phụ nữ với pháp luật”; 17 CLB “Phòng, chống buôn bán phụ nữ trẻ em”; CLB “Phụ nữ với công tác xã hội”; CLB “Nói không với bạo lực gia đình”, CLB “Nam giới lên tiếng”, CLB “Nam giới đồng hành vì sự an toàn của phụ nữ, trẻ em”, CLB “Gia đình nói không với bạo lực”; 1.982 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; mô hình Ngôi nhà an toàn cho phụ nữ, trẻ em; mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho phụ nữ, trẻ em; CLB chủ nhà trọ an toàn thân thiện, Mô hình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em…
Duy trì 438 tủ sách pháp luật tại cơ sở, 399 tủ sách pháp luật tại các tổ tự quản khu nhà trọ công nhân và điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, trên 1.000 tủ sách pháp luật tại các doanh nghiệp, tổ dân phố điện tử, tổ dân phố tự quản, khu nhà trọ, cầu thang pháp luật. Các mô hình thu hút sự tham gia tự nguyện của cộng đồng dân cư, phụ nữ, nam giới, thành viên gia đình. Thông qua các mô hình, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và dần thay đổi hành vi chấp hành pháp luật của hội viên, phụ nữ và nhân dân.
Đặc biệt, trong năm 2024, 100% vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em khi phát hiện được Hội lên tiếng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng; 80% phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về địa phương khi phát hiện được các cấp Hội hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; 80% người có hành vi gây bạo lực khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực.
Thời gian tới, Hội tiếp tục triển khai Đề án năm 2025, chỉ đạo Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án gắn với thực hiện chủ đề năm 2025; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ hội viên, gia đình, học sinh… để nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực xâm hại phụ nữ, trẻ em, vun đắp giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của gia đình Thủ đô…