Xây tổ ấm không cần... đàn ông!

Chia sẻ

Trong cuộc sống hiện đại, bên cạnh mô hình gia đình truyền thống, mô hình gia đình hạt nhân còn xuất hiện mô hình gia đình đơn thân. Theo đó, một mình xây tổ ấm đang trở thành xu hướng của một bộ phận nữ giới.

Xây tổ ấm không cần... đàn ông! - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Làm mẹ đơn thân

34 tuổi, là trưởng phòng dự án của một tổ chức phi chính phủ làm việc tại Việt Nam, chị Nguyễn Hoàng M.A (Hà Đông, Hà Nội) tự mình xây một tổ ấm mà "không cần" có người đàn ông bên cạnh. Chị M.A hiện làm mẹ đơn thân của hai đứa con, 8 năm nay, gia đình đơn thân của chị sống khá hạnh phúc. Chị có công việc ổn định, thu nhập cao, đủ để nuôi hai đứa con ăn học.

Chị M.A kể khi quyết định lựa chọn cuộc sống một mình xây tổ ấm, chị bị gia đình quyết liệt ngăn cản. Họ cho rằng, cuộc sống làm mẹ đơn thân chẳng "hay ho" gì, những đứa trẻ sống trong cảnh "không cha" sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng, 8 năm qua, tổ ấm đơn thân của chị vượt qua mọi định kiến và tồn tại vững vàng. Hai đứa trẻ dù sống trong gia đình thiếu vắng vai trò người cha, nhưng vẫn nhận được sự giáo dục đầy đủ từ mẹ. Bởi theo chị M.A, khi chủ động lựa chọn cuộc sống làm mẹ đơn thân thì chị đã tự trang bị đầy đủ những kỹ năng sống và tiềm lực kinh tế để có thể làm tốt nhiệm vụ "một vai hai gánh".

Nghiên cứu “Những biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị chính sách” cho thấy: Có 38,5% người trả lời chấp nhận sống độc thân (mức độ này được chấp nhận cao hơn ở nữ giới và nhóm xã hội mang nhiều đặc điểm hiện đại); 28,4% có nhu cầu, mong muốn sống thử trước khi kết hôn; 13,3% thích sống độc thân và không có ý định kết hôn.

Cũng làm mẹ đơn thân nhưng chị Trần Minh Thu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chấp nhận cuộc sống một mình xây tổ ấm trong hoàn cảnh… bị động. Cuộc hôn nhân xuất phát từ sự cố "ăn cơm trước kẻng" của vợ chồng chị. Khi đứa con được 3 tuổi, chị Thu ly hôn. Sự đổ vỡ cùng với vết thương tinh thần lẫn thể xác do người chồng bạo lực đã khiến chị Thu không còn niềm tin vào hạnh phúc hôn nhân nên quyết định sống đơn thân nuôi con. Với chị Thu, tổ ấm không có người đàn ông lại trở nên bình yên, hạnh phúc hơn. Chị được tự do phấn đấu cho sự nghiệp mà không bị người chồng ghen tuông theo dõi, hành hạ như trước đây. Chị cũng thoải mái ăn mặc theo sở thích cá nhân, tham gia các hội nhóm mà không bị một người đàn ông ích kỷ quản thúc. Một mình xây tổ ấm dẫu có chút gian nan, nhưng nó mang lại cho chị nhiều cơ hội phấn đấu trong sự nghiệp lẫn cuộc sống, có điều kiện để nuôi dạy con tốt hơn.

Nhọc nhằn… một vai hai gánh

Làm công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), chị Lương H.Ng và anh Trần Văn K (Hải Dương) đã có 3 năm sống thử cùng nhau. Sau đó, do bất đồng trong cuộc sống, họ đường ai nấy đi và chị Ng bị đẩy vào cuộc sống làm mẹ đơn thân bất đắc dĩ. 12 năm nay, chị Ng một mình xây tổ ấm của hai mẹ con trong nỗi nhọc nhằn "một vai hai gánh". Vừa làm mẹ, vừa làm cha không hề đơn giản với người phụ nữ một mình bươn chải nuôi con. Khó khăn nhất vẫn là sự phát triển không cân bằng tâm lý của đứa con thiếu vắng sự quan tâm, yêu thương của người cha bên cạnh. Thằng bé quậy phá, hằn học lại với mẹ khi cuộc sống của nó không được bằng bạn bè. "Con nhà lính, tính nhà quan", nó đua đòi, nếu không được mẹ đáp ứng thì dọa chết, dọa bỏ nhà đi bụi đời… chị Ng quay cuồng với đứa con bất trị ấy. Cũng có lúc, chị nghĩ đến việc tái hôn để có người đàn ông bên cạnh cùng chống đỡ. Nhưng rồi, chị lại chấp nhận một mình xây tổ ấm vì không muốn sống trong cảnh hôn nhân chắp vá, con chung, con riêng đầy phức tạp.

Hiện nay, những người phụ nữ sống cảnh một mình xây tổ ấm như chị Ng không hiếm trong bối cảnh tỷ lệ ly hôn liên tục gia tăng.

Giải pháp nào cho sự biến đổi của gia đình hiện đại?

Bàn về vấn đề biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay, PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, những thập niên qua, gia đình Việt Nam đã trải qua những biến chuyển quan trọng, từ gia đình truyền thống sang gia đình có những đặc điểm mới, hiện đại và tự do hơn. Các kiểu loại gia đình mới như: Hôn nhân đồng giới, chung sống không kết hôn, làm mẹ đơn thân, thường rất hiếm hoặc không có trong truyền thống, nhưng lại có xu hướng gia tăng trong xã hội đang chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, hiện đại.

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, ở bối cảnh các giá trị gia đình vẫn được người dân ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, nhưng cùng với đó là quy mô, cơ cấu, chức năng gia đình đang thay đổi theo hướng hiện đại hóa, cá nhân hóa, hạt nhân hóa, chúng ta cần phải đẩy mạnh một số giải pháp để giữ vững ổn định giá trị gia đình. Đó là: Cần tăng cường các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới; Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình, hướng phụ nữ tới những giá trị được tôn trọng… Xây dựng chính sách và dịch vụ xã hội bảo đảm sự tiếp cận công bằng, bình đẳng giữa các hình thức gia đình hiện nay như: Chung sống không kết hôn, gia đình đơn thân, gia đình đồng tính, gia đình có hôn nhân với người nước ngoài, gia đình ly hôn/ly thân.

Cùng với đó là chúng ta xem xét xây dựng nội hàm mới cho mục tiêu xây dựng gia đình trong thời kỳ mới trên cơ sở những giá trị gia đình đã được định hình và thống nhất về mặt nhà nước gồm: “Ấm no”, “Bình đẳng”, “Chung thủy”, “Tiến bộ” và “Hạnh phúc”.

Thu Giang

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.