Trao giải cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XIII - năm 2023 trên báo Phụ nữ Thủ đô:

Yêu thương là nền móng “xây chắc nếp nhà“

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Không chỉ là sân chơi văn hóa lành mạnh cho độc giả vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” thường niên trên Báo Phụ nữ Thủ đô còn gửi đi thông điệp ý nghĩa, mỗi năm một chủ đề khác nhau. Năm nay, với chủ đề “Xây chắc nếp nhà”, cuộc thi muốn truyền tải thông điệp lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, kêu gọi sự chung tay của mỗi thành viên gia đình và cộng đồng gìn giữ nếp nhà.

Yêu thương là nền móng “xây chắc nếp nhà“ - ảnh 1
Bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trao giải nhất cho đại diện tác giả tại Lễ trao giải cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XII năm 2022.

Trên 1.000 thông điệp tôn vinh mái ấm gia đình
Chỉ sau gần 3 tháng phát động (từ ngày 10/3/2023 đến hết ngày 31/5/2023), cuộc thi đã thu hút hơn 1.000 tác phẩm dự thi, tập trung vào 3 nhóm chủ đề lớn:

Thứ nhất, các bài viết phản ánh tác động tích cực hoặc tiêu cực của xã hội tới gia đình trong bối cảnh hội nhập; mối quan hệ giữa các thế hệ và thành viên trong gia đình; việc phát huy, tiếp nhận các giá trị mới trong đời sống gia đình Việt Nam hiện nay.

Từ góc nhìn của một chuyên gia, TS. Phan Thị Thu Hà, Học viện Phụ nữ Việt Nam gửi tới cuộc thi bài viết: “Biến đổi dưới nếp nhà Việt hiện nay”. Theo tác giả, giá trị gia đình Việt Nam hiện nay có sự đan xen cũ và mới. Một số giá trị gia đình vẫn tồn tại như: Coi trọng hôn nhân, giá trị con cái, đề cao giá trị đạo đức, tình cảm gia đình gắn kết… Tuy nhiên, xã hội hiện đại, nhiều người trẻ lao vào guồng quay công việc, kiếm tiền nên thay vì sống cùng cha mẹ để báo hiếu, không ít gia đình, con cái chọn cách sống riêng và gửi tiền cho cha mẹ như một nghĩa vụ báo hiếu. Thay vì trực tiếp vấn an, thăm hỏi cha mẹ già những khi đau ốm, con cái chỉ gọi điện động viên tinh thần cha mẹ… Hay như người phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày càng bình đẳng với chồng, có quyền quyết định các việc của gia đình. 

Hơn 10 năm làm công tác bảo vệ pháp luật, trực tiếp xử lý nhiều vụ việc bạo lực gia đình, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã chọn viết về những nếp nhà chưa bình yên. Theo chị “bạo lực gia đình đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít người khi trở về ngôi nhà thân thương của mình”. Chị cho rằng cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” đã đi đúng mục đích và đạt nhiều thành công
Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân; tổ chức các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh những giá trị gia đình truyền thống trong thời hiện đại. Thể hiện rõ nét qua cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” được tổ chức thường niên trên Báo Phụ nữ Thủ đô. Với việc chọn đúng, trúng chủ đề “Xây chắc nếp nhà”, chỉ sau một thời gian ngắn phát động, cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng khắp, được đông đảo bạn đọc, người dân trong và ngoài nước đón nhận, hưởng ứng. Là thành viên Ban Giám khảo, tôi rất xúc động và trân trọng khi được đọc các tác phẩm của những người yếu thế lần đầu tiên tham gia cuộc thi như người khuyết tật hay người thân trong gia đình có người thuộc cộng đồng LGBT… Điều này cho thấy, cuộc thi đã huy động được sự chung tay đông đảo của mọi giới, mọi đối tượng, thành phần… để cùng hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng xã hội bình yên, quốc gia thịnh vượng. 
Tôi tin tưởng, trong thời gian tới, cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” trên Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ ngày càng thành công và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Khuất Văn Quý, Vụ Phó Vụ Gia đình, 
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch

Đó còn là tự sự của tác giả Dương Nguyệt Minh, Hà Đông qua bài viết “Chuyện con vịt giời đi tìm tự do”. Sinh ra là con gái trong một gia đình hãy còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố mẹ luôn khao khát có con trai, Nguyệt Minh đã mắc chứng trầm cảm. 

Nhóm chủ đề thứ hai gồm các bài viết chia sẻ tình cảm yêu thương, kỷ niệm đẹp về gia đình; biểu dương gương gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. 

Sinh ra và lớn lên ở phố hàng Bạc, Hà Nội, nếp nhà “tứ đại đồng đường” xưa vẫn luôn in đậm trong tâm trí của tác giả Lê Vân, Hà Nội. Thời thơ ấu, chị và các anh chị em đã được bà nội chỉ bảo, dạy nếp ứng xử “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, thái độ sống chăm chỉ, tiết kiệm… Qua bài viết “Từ nếp nhà xưa đến nếp nhà nay”, chị muốn tôn vinh các giá trị truyền thống tốt đẹp cần được giữ gìn của gia đình Việt Nam trong mọi thời đại.

Tác giả Nguyễn Thị Kim Dung, Chi hội trưởng Cụm dân cư số 8, Hội LHPN phường Phương Mai, quận Đống Đa gửi tới cuộc thi bài viết về nếp nhà thời thơ ấu nhưng dưới góc nhìn khác. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, khó khăn, bà và các anh chị em vẫn luôn nhận được tình cảm yêu thương, sự hy sinh tất cả cho con của bố mẹ. 

Trong cuộc thi năm nay, chị Nguyễn Thị Bích Vân, nguyên cán bộ Hội LHPN huyện Thạch Thất là một trong những tác giả có bài gửi dự thi sớm nhất. Buổi sáng tham dự lễ phát động thì ngay buổi chiều, chị đã bắt tay viết về người mẹ chồng thôn quê mộc mạc nhưng hết mực yêu thương, luôn động viên các con nỗ lực, hoàn thành tốt công việc xã hội.

Ngoài ra, còn nhiều bài viết về gương gia đình hạnh phúc như “Xây nếp nhà từ những điều đơn giản nhất” của tác giả Trần Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Chương Mỹ viết về một gia đình văn hóa tiêu biểu ở xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ; bài viết về tổ ấm vẹn tròn của cặp vợ chồng khuyết tật nhưng giàu nghị lực ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng qua bài viết của tác giả Nguyễn Văn Công, Hà Nội.

Nhóm chủ đề thứ ba của cuộc thi là các kinh nghiệm, đề xuất sáng kiến, giải pháp gìn giữ, bảo vệ nền tảng gia đình,
Theo tác giả Ngô Đức Quang, Quảng Ngãi, xây chắc nếp nhà cần bắt đầu từ những điều giản đơn như cha mẹ gần gũi, thấu hiểu con cái. Các con tôn trọng cha mẹ. Vợ chồng tôn trọng, san sẻ vui buồn với nhau. 

Trong khi đó, tác giả Đỗ Thu Hồng, một MC tự do chia sẻ bí quyết xây chắc nếp nhà của gia đình chị đến từ những bữa cơm gia đình. Bữa cơm không quan trọng ở các món ăn thịnh soạn mà là ở tấm lòng người nấu, ở sự đầm ấm khi các thành viên được quây quần bên nhau. 

Nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ lại chia sẻ vai trò của tổ chức Hội trong hòa giải mâu thuẫn, hàn gắn quan hệ gia đình, giúp hội viên xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” như bài “Bạo lực gia đình” của tác giả Đắc Thị Hoàn (Hội Phụ nữ thôn 6, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai), bài “Chỉ là chiếc điện thoại” của tác giả Lê Thị Bình (Chi hội phụ nữ số 4 Hội LHPN phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân)…

Những câu chuyện truyền cảm hứng
Tại cuộc thi năm nay, nhiều tác giả đã dùng chính những câu chuyện thật của cuộc đời mình, gia đình mình để truyền cảm hứng tới cộng đồng. 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai út của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1946-1975) và bà Vi Kim Ngọc, con gái nguyên Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định. Cẩn thận suy ngẫm và lựa chọn những câu chuyện mới, chưa được công bố trước đó, ông muốn chia sẻ về cha mẹ mình, những người đã nỗ lực đặt từng viên gạch - tình thương yêu để xây nên nếp nhà cho các con, cháu.

Sau nhiều năm tổ chức, cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XIII trên Báo Phụ nữ Thủ đô lần đầu tiên có sự góp mặt của tác giả là người khuyết tật. Đó là nữ sinh Vũ Thị Hải Anh. Hải Anh là học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, Hà Nội. Sinh ra thiếu may mắn khi hai mắt em bị bóng tối vây quanh, nhưng Hải Anh đã nỗ lực vươn lên cùng với sự đồng hành của mẹ. Năm 2019, em đã giành giải Đặc biệt cuộc thi viết thư quốc tế UPU; được vinh danh Thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc năm 2022. 

Một cây bút khác là chị Đinh Thị Yến Ly, đến từ TP Hồ Chí Minh, người mẹ có con trai đồng tính. Nếp nhà đặc biệt được chị chia sẻ có thể không giống nhiều nếp nhà khác nhưng vẫn luôn tràn đầy yêu thương dành cho con, dù con có thuộc giới tính nào. 

Bên cạnh đó, cuộc thi năm nay cũng ghi nhận sự tham gia đông đảo của các tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài như Úc, Pháp, Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Ba Lan… Em Việt Hải, 14 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Úc viết về người mẹ đã giúp em gìn giữ văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh, cố vấn Ban quản lý Khu di tích Bác Hồ tỉnh Udon Thani Thái Lan lại chia sẻ về việc gìn giữ cội rễ Việt Nam trong cộng đồng người Việt tại Thái Lan. 

Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” lần thứ XIII đã khép lại nhưng những thông điệp từ cuộc thi sẽ còn tiếp tục lan tỏa. Đó là, trong mọi thời đại, dù ngoài kia có nhiều biến động, đổi thay thì yêu thương vẫn sẽ luôn là nền móng để “xây chắc nếp nhà” Việt. Những giá trị gia đình như tình ruột thịt, sự yêu thương vô điều kiện giữa các thành viên trong gia đình, sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau, vẫn là những giá trị bất biến, sẽ luôn theo con người ta đi suốt cuộc đời.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ai cũng chọn việc nhẹ, việc nặng sẽ dành phần ai?

Ai cũng chọn việc nhẹ, việc nặng sẽ dành phần ai?

(PNTĐ) - Trong trận hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra tại chung cư mini Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Nguyễn Quốc Trung - chiến sĩ Đội Phòng cháy, chữa cháy Công an quận Thanh Xuân bị ngạt khí vì tham gia cứu chữa người bị nạn. Sau 11 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, ngày 22/9, Trung may mắn cùng 10 bệnh nhân bị thương trong vụ cháy đã được xuất viện.
“Có sao” nếu vợ mình nhỉnh hơn chồng?

“Có sao” nếu vợ mình nhỉnh hơn chồng?

(PNTĐ) - Thời gian qua, diễn đàn “Vợ “nhỉnh” hơn chồng, có sao không?” trên Báo Phụ nữ Thủ đô đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả gửi đến hộp thư của Báo. Trái ngược với nhiều ý kiến ủng hộ vợ giỏi hơn chồng, một số độc giả lại phản đối, cho rằng hôn nhân sẽ không hạnh phúc khi vợ giỏi hơn chồng mà cả vợ lẫn chồng đều cần biết cách vun vén, sẻ chia.
Đừng xem chồng chỉ là “công cụ” để có con

Đừng xem chồng chỉ là “công cụ” để có con

(PNTĐ) - Trong khi người vợ đang tìm cách để ly hôn càng nhanh càng tốt, thì người chồng cũng âm thầm đến văn phòng luật sư tìm hiểu mọi quy định, điều kiện bảo vệ quyền nuôi con của mình. Thậm chí, anh giành quyền nuôi cả hai đứa con, với mục đích để người vợ cần con mà không cần chồng ấy phải… trả giá.
Con dâu “làm quan”, nhà chồng cứ... nhờ

Con dâu “làm quan”, nhà chồng cứ... nhờ

(PNTĐ) - Nghe tin Thủy được bổ nhiệm làm phó giám đốc, ngay tối đó, mẹ chồng Thủy gọi điện lên, vừa chúc mừng câu trước thì câu sau đã gửi gắm: “Con chính là người mở đường cho cả họ nhà mình đấy nhé. Con liều liệu mà làm”.