Yêu thương nhau qua những lá thư

Chia sẻ

PNTĐ-“Thành tích của tôi đạt được một phần nhờ sự hậu thuẫn của vợ” - đó là lời tâm sự của cán bộ lão thành cách mạng Trần Thành đối với người bạn đời tần tảo của mình.

 
“Thành tích của tôi đạt được một phần nhờ sự hậu thuẫn của vợ” - đó là lời tâm sự của cán bộ lão thành cách mạng Trần Thành (SN 1939, trú tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đối với người bạn đời tần tảo của mình.
 
Yêu thương nhau qua những lá thư - ảnh 1
Vợ chồng ông Trần Thành hạnh phúc bên con cháu 

Ông Thành cho biết, cả đời cống hiến trong quân đội, bốn năm nay, ông mới dành trọn vẹn thời gian cho vợ, bà Phạm Thị Cam (SN 1943). Bởi hơn 50 năm kết hôn, thời gian ông ở bên vợ con chưa đến 10 năm. Hiếm có một cái Tết mà gia đình ông đón Giao thừa trọn vẹn bên nhau. Bà Cam ngồi cạnh lần giở những lá thư cũ của hai vợ chồng, mỉm cười: “Tình yêu của vợ chồng tôi gói trọn trong những lá thư này”. Mấy trăm lá thư giấy đã ố màu, có lá thư đã loang màu mực được ông bà cất giữ cẩn thận, xếp gọn thành từng tập theo năm, thư của ông và bà cất riêng, đóng thành bìa. Những lúc rảnh rỗi, hai ông bà lại mang những lá thư cũ ra đọc để ôn lại kỷ niệm.
 
Ông Trần Thành quê gốc ở Quảng Bình, sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng. Ông nội của ông từng tham gia phong trào Cần Vương bị thất thủ nên cả gia đình phải lẩn trốn sang Lào sinh sống. Bố mẹ và hai anh trai ông tham gia phong trào cách mạng ở Lào. “Bố tôi nghe tin tức, rồi kể lại cho mọi người nghe về tiến trình cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam. Cách mạng thành công, ai cũng hạnh phúc nhưng lại ôm nhau khóc, bởi lúc ấy, không ai nghĩ sẽ có ngày được về lại quê hương...” - ông Thành nhớ lại. 
 
Năm 1946, gia đình ông Thành phải tản cư sang Thái Lan. Ông được Hội Việt kiều cứu quốc tại Thái Lan dìu dắt, đồng thời giao cho ông nhiệm vụ dạy học, làm thông tin viên cho Hội. Hồi ấy, bà Cam là em gái của một Việt kiều yêu nước cùng đi dạy học với ông. Bà Cam mới 12 tuổi đã cùng các chị cạo trọc đầu biểu tình chống lại việc chính phủ Thái Lan bắt bớ đàn ông Việt trục xuất về miền Nam Việt Nam làm lính cho Ngô Đình Diệm. “Tôi cảm mến lòng yêu nước của bà ấy từ lúc đó, dù chưa nói thành lời” - ông Thành kể.
 
Đến năm 1960, gia đình ông về nước. Do biết tiếng Lào nên giữa năm 1961, ông về làm việc tại Trường văn hóa Xuân Thành (Nghệ An) và được giao nhiệm vụ phiên dịch huấn luyện quân sự, dạy tiếng, phiên dịch tài liệu, giảng dạy chính trị và làm công tác thanh niên. Trong đợt cử đi học chính trị 5 tháng ở Hà Nội, ông gặp lại bà Cam. Hai người trao ước hẹn qua những cánh thư. “Lá thư nào cũng hứa hẹn ngày nên duyên vợ chồng. 4 năm yêu nhau, chúng tôi đã viết gần trăm lá thư cho nhau” - bà cười. Đám cưới ông bà diễn ra vào đúng thời điểm Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Sau khi cưới, hai người chỉ được gần nhau 5 ngày, rồi mỗi người công tác một nơi. Năm 1966, bà xung phong vào bộ đội. Do biết tiếng Lào, bà được cử về đơn vị ông làm nhiệm vụ hộ lý, nuôi quân. Cũng tại đây, bà sinh con gái đầu lòng của hai vợ chồng.
 
“Con vừa tròn 1 tuổi, hai vợ chồng lại phải cách xa nhau. Ông ấy đi phục vụ kháng chiến, thi thoảng mới ghé về thăm nhà 1-2 ngày. Sau đó tôi sinh thêm hai con. Một mình tôi nuôi dạy các con khôn lớn dù vất vả trăm bề nhưng lần nào biên thư cho chồng, tôi chỉ kể chuyện vui để chồng yên tâm công tác”. Bình quân mỗi tháng, bà nhận được 1 lá thư của ông nhưng, từ khi ông chuyển về vùng hậu địch ở Lào, bà không còn nhận được thư ông đều đặn như vậy nữa.
 
Miền Nam giải phóng, hòa bình lập lại, bạn bè bà đón chồng về đoàn tụ, còn bà mải miết đợi tin chồng. Đến tận 3 năm sau khi thống nhất đất nước, ông mới trở về, mang theo hành trang của người lính chỉ là những món đồ làm từ vỏ đạn và một tập thư gói kỹ trong túi nilon. Ông kể, ông được lệnh chuyển sang Lào làm nhiệm vụ thông tin trong vùng hậu địch, từng bị sốt rét tưởng chết rồi nhưng may mắn được đồng đội cứu sống, phải đi bộ, nằm rừng ngủ núi…
 
Ông muốn viết thư về nhà cho vợ biết tình hình, nhưng do nhiệm vụ bí mật nên không thể tiết lộ. Bà đón chồng về mà nghẹn ngào. Bao nhiêu lương khô, sữa mà ông được cung cấp theo tiêu chuẩn, ông đều để dành mang về cho các con. Vừa thấy con, ông Thành định bế con trai út (lúc đó mới 3 tuổi) nhưng con trai ông thấy lạ, nên không cho bế. Ông ứa nước mắt nghẹn ngào. “Tôi đi biền biệt suốt, từ lúc lấy vợ đến khi con lớn trưởng thành chỉ ở bên cạnh vợ con trọn vẹn hai năm sau khi cưới. Lúc về nhà, con còn không nhận ra bố. Tôi tủi thân lắm, nhưng vợ tôi còn vất vả hơn nhiều”. 
 
Ông công tác tại nhiều vị trí quan trọng đến năm 75 tuổi mới nghỉ hưu. Với những đóng góp của mình, ông được Nhà nước và quân đội Lào trao tặng 4 Huân, Huy chương Hữu nghị; 2 Huân chương Anh dũng hạng Nhì, được Nhà nước và quân đội Việt Nam trao tặng 2 Huân chương Bảo vệ tổ quốc, ba Huân chương kháng chiến và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 2016. 
 
Hồng Nhung

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.