Ăn ruốc hay ăn thuốc độc?
PNTĐ-Theo kết quả kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm, ruốc thịt là một trong số những mặt hàng thực phẩm nhiễm E.coli, có hàm lượng chất tạo ngọt hóa học và chất bảo quản ở mức cao.
Ruốc “ba không” bán tràn lan...
Nhiều năm nay, mặt hàng ruốc ba không: không nguồn gốc, không nhãn mác, không ngày sản xuất và hạn sử dụng vẫn bày bán công khai, không ai quản lý. Chỉ cần tạt qua các cửa hàng kinh doanh giò chả tại các chợ lớn, nhỏ tại HN có thể mua ngay ruốc thịt làm sẵn. Ruốc đóng túi nilon, khách mua bao nhiêu cũng được tùy nhu cầu với giá bán lẻ khoảng 30.000 đồng/lạng, mua buôn rẻ hơn, từ 150.000 – 200.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, ngay cả người bán lẻ cũng không biết chính xác ruốc do cơ sở nào làm, thành phần ra sao, ngày sản xuất hay hạn sử dụng… “Nhấm vài sợi thấy vừa miệng, ngửi qua không có mùi, nhìn không bị mốc, hỏng là mua. Cứ để ở túi bao kín, treo cao hoặc để ở chỗ thoáng là yên tâm sử dụng. Mấy năm nay, tôi toàn làm như vậy, chưa bị mốc lần nào” – một người mua 5kg ruốc tại chợ Đồng Xuân để bán xôi cho chúng tôi biết.
![]() |
Ruốc thịt trắng và rất bắt mắt nhưng được làm từ lợn chết mang mầm bệnh tai xanh (ảnh chụp tại cs chế biến thực phẩm 209 Nguyễn Khoái) |
Giá rẻ, dễ mua, tiện sử dụng nên ruốc thịt được sử dụng phổ biến tại các hàng xôi, bánh mỳ… quanh trường học, bệnh viện, khu dân cư. Chỉ cần mua 5.000 – 10.000 đồng xôi, ngoài gói xôi to, muối vừng, người bán còn rất “xông xênh”, nhón thêm vào một nắm ruốc lớn. “Thời buổi khó khăn, gói xôi như vậy là quá đầy đặn” – chị Nguyễn Diệu Huyền, nhân viên văn phòng của ngân hàng lớn trên phố Trần Hưng Đạo cho biết. Tuy nhiên, chính chị Huyền và nhiều người bạn của mình cũng đã tự hỏi: không hiểu ruốc làm từ cái gì mà hàng xôi bán rẻ như vậy.
Trao đổi với PNTĐ về vấn đề này, chuyên gia nấu ăn Nguyễn Phương Hải cho biết, một kg thịt lợn chỉ làm được khoảng 3 lạng ruốc nên để có một kg ruốc nguyên chất phải cần hơn 3 kg thịt. Với giá bán 130.000 - 150.000 đồng/kg thịt mông sấn và thịt thăn như hiện nay, tính riêng nguyên liệu đã mất gần 400.000 đồng, chưa kể các loại gia vị và tiền công, giá thành một kg ruốc thành phẩm sẽ không dưới 500.000 đồng.
Để có ruốc giá rẻ, có hai cách phổ biến nhất. Hoặc là mua thịt phế phẩm, thịt lợn chết để chế biến như vụ việc CA HN đã từng phanh phui tại cơ sở chế biến thực phẩm số 209 Nguyễn Khoái, HN; hoặc là trộn thêm nguyên liệu khác. “Không phải là đồn thổi, việc sử dụng bã sắn dây là chắc chắn bởi chỉ có nguyên liệu này mới có thể xé tơi thành sợi như ruốc.
Hơn nữa, với sự hỗ trợ của gia vị, phẩm màu, bột mỳ, hoàn toàn có thể biến sắn dây thành ruốc, đánh lừa vị giác và thị giác của người tiêu dùng”. Có một cách để kiểm tra đơn giản và dễ thực hiện nhất, theo anh Hải là chỉ cần ngâm ruốc vào nước, sau ít phút, sẽ có khá nhiều sợi ruốc trương lên, mềm nhũn; màu nhợt dần và chuyển về đúng màu gốc (trắng bợt) của bã sắn dây, trong khi ruốc thật, màu sắc tự nhiên, sợi bông, ít vụn, không phai màu.
![]() |
Nhiều năm công khai bày bán trên thị trường, ruốc thịt vẫn nằm ngoài vùng quản lý |
...nhưng không ai quản lý
GS.TS dinh dưỡng Bùi Minh Đức – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Bã sắn dây là một loại chất xơ, sau khi đã lấy hết bột, tốt nhất nên bỏ đi. Ruốc làm từ loại bã sắn dây không còn chất dinh dưỡng, hoàn toàn không có tác dụng với sức khỏe cho con người. Trái lại, qua quá trình tẩm ướp, chế biến không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ nhiễm khuẩn của ruốc là rất lớn. Kết quả kiểm tra mới nhất do Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thực hiện cũng cho thấy thực trạng đáng lo ngại. Đó là số mẫu ruốc thịt không đạt về hàm lượng, nhiều chất tạo ngọt hóa học, nhiễm E.coli (vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy) và chất bảo quản ở mức cao – chiếm 53,3% số mẫu kiểm tra.
Vậy mà, nhiều năm công khai bày bán trên thị trường, chủ yếu là hàng không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không ngày sản xuất và hạn sử dụng, ruốc thịt vẫn nằm ngoài vùng quản lý. Cả Sở Y tế lẫn cơ quan quản lý thị trường đều chưa “để mắt” đến. Một vụ việc hiếm hoi tại khu vực HN: sử dụng lợn chết vì bệnh tai xanh để làm ruốc được CAHN phát hiện nhưng chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính và tiêu hủy sản phẩm. Không có đợt kiểm tra trên diện rộng nào với mặt hàng này.
Mãi đến tận cuối năm 2012, ruốc thịt mới được đưa vào diện kiểm tra của cơ quan chuyên trách về vệ sinh an toàn thực phẩm là Cục An toàn thực phẩm nhưng kết quả chỉ là những con số khá chung chung trong khi người tiêu dùng đang khấp khởi mừng thầm, sẽ có những địa chỉ, nhãn hàng cụ thể được “chỉ mặt vạch tên”.
Yêu cầu chính đáng này đã bị Phó Cục trưởng Nguyễn Hùng Long từ chối bởi “đây là kết quả của hoạt động giám sát chủ động được thực hiện định kỳ hàng năm. Sau khi phát hiện ra các chỉ số không đảm bảo, Cục đã giao cho Sở Y tế các tỉnh có liên quan xử lý vi phạm. Trường hợp sản phẩm có chứa chất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, cơ quan chức năng sẽ xử lý ngay và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Tuy nhiên, cách công bố chung chung như vậy lại chẳng khác nào để những sản phẩm không đảm bảo chất lượng tiếp tục tràn lan.
Hạnh Lê