“An toàn, bình đẳng trong không gian mạng” cho phụ nữ và trẻ em

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 14/11, Khoa Giới và Phát triển, Khoa Công nghệ Thông tin, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện FES đã tổ chức hội thảo “An toàn, bình đẳng trong không gian mạng”. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 (từ 15/11-15/12/2022), ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) và cùng hướng tới mục tiêu bình đẳng, tự do, hạnh phúc.

Phụ nữ chịu nhiều tổn thương hơn trên không gian mạng

Phát biểu tại Hội thảo, TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, an toàn, binh đẳng trong không gian mạng là vấn đề được quan tâm trong bối cảnh chuyển đổi nhanh, mạnh của kỹ thuật số. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Internet mạng lại rất nhiều lợi ích cho người dùng nhưng cũng đặt ra những ẩn họa, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em.

“An toàn, bình đẳng trong không gian mạng” cho phụ nữ và trẻ em  - ảnh 1
TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Các nghiên cứu đã chỉ ra so với nam giới, phụ nữ hạn chế hơn về công nghệ thông tin, vì thế dễ bị tổn thương hơn trong không gian mạng. Phụ nữ cũng có một số hành vi nguy cơ dễ bị tấn công trên mạng như: cung cấp thông tin cá nhân lên mạng; nói chuyện với người lạ mặt để xoa dịu cảm xúc; đồng ý gặp gỡ bạn bè trên mạng; nhận và gửi các bức ảnh... Trong khi đó, có khá nhiều loại hình tội phạm trên mạng nhằm vào phụ nữ có thể với mục đích tình dục, bôi nhọ nhân phẩm hoặc tống tiền. Hành vi phản ứng lại việc bị quấy rối, bạo lực trên mạng của phụ nữ chưa được quyết liệt, chủ yếu rút kinh nghiệm phòng tránh hoặc né tránh mà ít khi báo cáo vụ việc với các cơ quan chức năng. Phụ nữ khi sử dụng internet và mạng xã hội chưa chú ý đến các chính sách, các mẹo an toàn và còn thiếu kiến thức, hiểu biết về vấn đề an ninh, an toàn trong không gian mạng. Do đó, rất cần các giải pháp thực hành an toàn qua đó giúp giảm thiểu rủi ro cho phụ nữ trong không gian mạng.

“An toàn, bình đẳng trong không gian mạng” cho phụ nữ và trẻ em  - ảnh 2
Quang cảnh Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh,  Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết, theo một nghiên cứu, 86% sinh viên được hỏi ở Việt Nam có sử dụng một hoặc nhiều mạng xã hội, trong đó trên 50% dùng mạng xã hội từ 3h trở lên mỗi ngày, vượt xa mức dùng của sinh viên Mỹ (30phút/ngày), chủ yếu với nhu cầu tương tác, giải trí, một số ít hơn để tìm việc và kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng nói, đa số sinh viên (73,2%) có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân ở mức thấp và thiếu ý thức phân biệt thông tin trên mạng. Trong khi đó, so với đời thực, tổn hại từ mất an toàn trên mạng còn lớn hơn nhiều vì thủ phạm trên mạng xã hội là “giấu mặt”. “Chúng ta vẫn nghe những tài khoản rất lãng mạn như: “Cô bé dỗi hờn”, “Hoàng tử hát trên cây”… nhưng có thể, đó cũng chính là những hacker, tội phạm mạng nguy hiểm”, TS Nguyễn Hoàng Ánh cho biết và nhớ lại, trước đây, trên mạng từng lan truyền tin đồn trong vắc xin Covid-19 có chip điện tử, ai tiêm vào sẽ bị chi phối. Theo TS Ánh, hậu quả của loại tin giả này đã khiến nhiều người bị hoang mang, sợ hãi vắc xin.…

Giúp phụ nữ nhận diện rủi ro

Theo TS Lê Hồng Việt và TS Dương Kim Anh,  Học viện Phụ nữ Việt Nam, Internet và mạng xã hội thực sự là cầu nối để giúp phụ nữ mở rộng tầm hiểu tất, cập nhật hàng ngày trong thời đại bùng nổ thông tin. Tuy nhiên, phụ nữ cũng cần nhận diện các rủi ro trên môi trường mạng đối với cuộc sống như bị quấy rối bằng lời nói, bị phỉ báng cá nhân, bị rình rập, bị lấy thông tin để giả mạo vào mục đích xấu; bị khiêu dâm, bị hiếp dâm ảo, bị quấy rối trong không gian mạng…

“An toàn, bình đẳng trong không gian mạng” cho phụ nữ và trẻ em  - ảnh 3
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Để có thể thực hành an toàn trong không gian mạng, TS Lê Hồng Việt cho rằng, cần có những chính sách và những nỗ lực bài bản để phụ nữ có cơ hội tiếp cận internet nhiều hơn, an toàn hơn qua việc giải quyết những rào cản về chính trị, xã hội và kinh tế mà họ phải đối mặt. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia ký kết Công ước về bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ sớm nhất. Việt Nam cũng luôn phấn đấu một xã hội công bằng cho phụ nữ thể hiện qua hệ thống luật pháp, văn bản và các quy định dưới luật đã đưa phụ nữ vào nhóm các đối tượng yếu thế và ưu tiên.

“An toàn, bình đẳng trong không gian mạng” cho phụ nữ và trẻ em  - ảnh 4
Các chuyên gia chia sẻ ý kiến tại Hội thảo

An toàn cho phụ nữ là một trong những vấn đề được Hội LHPN Việt Nam đặc biệt ưu tiên trong thời gian qua. Cụ thể, trong nhiều năm liền, từ năm 2019, Hội LHPN Việt Nam đã lấy chủ đề Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em, với ba nội dung chính là: An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình; an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; an toàn trên môi trường mạng và an toàn trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm.

Theo TS Lê Hồng Việt, chị em hãy trở thành những người dùng mạng xã hội văn minh, có trách nhiệm. Hiện nay, không ít người, trong đó phần lớn là giới trẻ trở thành các "anh hùng bàn phím" sử dụng mạng xã hội để bôi xấu hình ảnh, thậm chí xúc phạm danh dự của cá nhân, tổ chức. Vì vậy, mỗi người cần giữ chuẩn mực khi phát ngôn, đăng tải hình ảnh, chia sẻ thông tin... trên mạng intemet và mạng xã hội. Ngoài ra, chị em phụ nữ nên sử dụng mạng xã hội ở mức độ vừa phải và cân bằng với thời gian dành cho gia đình và bạn bè. Kiểm soát thời gian sử dụng mạng cho mục đích giải trí; Đặt các thiết bị truy cập mạng ở không gian chung của gia đình; Bỏ số đếm like, tôn trọng khác biệt, không đấu tố trên mạng.

Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, cùng với việc mỗi người tự nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội, các nhà trường, cần có chương trình chống tin giả với học sinh mọi cấp học. Tại Mỹ, ngày càng nhiều trường học hơn cung cấp kiến thức cho sinh viên trong việc lựa chọn và đánh giá các nguồn tin khác nhau. Theo giáo sư Sam Wineburg của Đại học Stanford, một chương trình bài giảng hướng dẫn học viên cách đánh giá về độ tin cậy của những nguồn tin lịch sử đã được tải về tới 3,5 triệu lượt. Các trường ở Việt Nam có thể đưa chương trình chống tin giả lồng ghép vào các môn học, tuy theo ngành học. Hãy nhấn mạnh với người trẻ rằng bất kỳ nguồn tin nào, dù của các hãng thông tấn lớn hay của người nổi tiếng, cũng cần kiểm chứng lại trước khi tin cậy vì sử dụng. Thực tế là chưa có hãng thông tấn nào trên toàn thế giới chưa từng mắc số lầm, không phải thông tin nào của những người nổi tiếng đưa ra đều chính xác. Vì vậy, cần xây dựng một tư duy hoài nghi lành mạnh trước các tin tức truyền thông càng sớm càng tốt. Đặc biệt, cần nhấn mạnh sự nguy hại của tin giả để người trẻ nói không với tin giả, không chế tạo, không đọc, không sử dụng, không phát tán tin giả.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.