Chuyển đổi số trong doanh nghiệp do nữ làm chủ:

Bắt đầu từ tư duy

Bài và ảnh: HOÀNG NGUYÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Chuyển đổi số là xu hướng mà các doanh nghiệp phải lựa chọn để thích ứng với sự phát triển trong nền kinh tế số và hội nhập. Doanh nghiệp (DN) do nữ làm chủ khi vận hành dù có không ít những khó khăn, rào cản, song họ vẫn vượt qua để nắm bắt cơ hội từ công cuộc chuyển đổi số này.

Bắt đầu từ tư duy - ảnh 1
Bà Ngô Thị Tính, Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh giới thiệu sản phẩm bánh Trung thu truyền thống 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) khẳng định: “Doanh nhân nữ Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh về số lượng, chất lượng, tính chuyên nghiệp và tầm ảnh hưởng”.

Doanh nhân nữ không chỉ đóng góp cho xã hội, cho GDP, tạo việc làm, mà còn tiên phong trong xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới mô hình DN phát triển bền vững như mô hình DN xã hội hay mô hình kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp (Inclusive Business). Tuy nhiên, DN do phụ nữ làm chủ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số.

Một thống kê cho thấy, trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, chỉ có 20% DN quan tâm đến chuyển đổi số. Sau 6 tháng, hơn 70% DN chú ý đến quy trình này và trên 50% DN đang thực hiện. Theo báo cáo nhanh của Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam, trong năm 2021, 99% doanh nhân nữ đều mong muốn chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong vận hành DN để đổi mới và theo kịp xu hướng trong thời đại số. 
Quyền Phó Giám đốc USAID Linda Percy nhận định, dịch Covid-19 đã mở ra kỷ nguyên mới cho chuyển đổi số. Từ việc tăng số lượng các cuộc họp trực tuyến giúp nhân viên có thể làm việc từ xa, đến việc sử dụng công nghệ để thích ứng và chuyển đổi cách thức hoạt động kinh doanh, chuyển đổi số ngày càng quan trọng đối với các DN để tồn tại, phục hồi và phát triển.

Là nữ tướng, nghệ nhân gây dựng Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh, bà Ngô Thị Tính cho biết: “Xuất phát từ nghề làm bánh truyền thống gia đình, trải qua 32 năm hình thành và phát triển, chúng tôi không ngừng sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng những sản phẩm ngon hơn, đẹp hơn, độc đáo hơn để cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, hiện chúng tôi đã xuất khẩu sản phẩm bánh kẹo sang các thị trường New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc”.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, chuyên viên Cục Phát triển DN-Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), có 6 lợi ích của chuyển đổi số như: “Mở rộng khách hàng và thị trường tiềm năng, càng thể hiện rõ trong giai đoạn đại dịch vừa rồi việc hạn chế đi lại...; gia tăng trải nghiệm; sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp hơn với yêu cầu của khách hàng; tối ưu chi phí vận hành, chi phí nhân sự; tăng hiệu suất kinh doanh và sản xuất; lãnh đạo DN đưa ra quyết định nhanh, chuẩn xác”. 

Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 18,45% đang thực hiện ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực mua hàng và quản lý tồn kho, 30% DN do nữ làm chủ đã thực hiện các phần mềm thanh toán và quản lý tài chính, nhân sự. Điều đó chứng minh nữ doanh nhân Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và tham gia cuộc chơi về chuyển đổi số. 

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số của các DN do nữ làm chủ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn lực tài chính, về thay đổi văn hóa kinh doanh phù hợp với môi trường số, nhận thức, năng lực của người lãnh đạo, người lao động trong việc tiếp cận và lựa chọn các giải pháp công nghệ. Đồng thời, vấn đề về ngoại ngữ cũng là một hạn chế bởi hầu hết các phần mềm về công nghệ đều sử dụng thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài.

Để hỗ trợ DN bước vào kỷ nguyên số, Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam đang là đối tác của Google trong chương trình Women Win để triển khai gói đào tạo marketing và nhận diện DN trên Google Map và các công cụ của Google và phối hợp với Facebook trong chương trình She Means Business in Vietnam.

Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam đã hỗ trợ doanh nhân nữ sử dụng các nền tảng số trong vận hành kinh doanh và tiếp cận, quản lý khách hàng; trang bị những hiểu biết về tài chính, giúp DN thích ứng và vượt qua khủng hoảng. Đồng thời, tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn, kết nối để tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ cộng đồng DN nữ Việt Nam tiến hành chuyển đổi số.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 70 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.