Bình đẳng giới rất quan trọng trong giảm thiểu thiên tai và biến đổi khí hậu
(PNTĐ) - Phụ nữ là một trong nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trước những rủi ro liên quan đến thiên tai khí hậu, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Biến đổi khí hậu tác động nghiêm trọng đến phụ nữ
Sự BĐKH đang diễn ra trên toàn cầu. Vấn đề này tác động đến mọi công dân khắp Việt Nam, đe dọa năng suất và sinh kế của người dân. BĐKH ảnh hưởng đến các nguồn lực, làm suy yếu những nỗ lực về xoá đói giảm nghèo trên toàn quốc. Giới ngày càng được ghi nhận như một yếu tố quyết định trong hoạt động lập kế hoạch và triển khai can thiệp về BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trong đó, phụ nữ luôn phải chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Họ luôn được coi là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất với sự biến đổi khí hậu cùng với các “nhóm” khác như người khuyết tật, dân tộc thiểu số, trẻ em…
Mới đây, báo cáo “Thực trạng lồng ghép giới trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) thực hiện được công bố ngày 28/4 cho thấy, nam giới và phụ nữ có năng lực khác nhau trong tư cách là người sử dụng tài nguyên và đóng góp vào việc thực hiện các chính sách về khí hậu.
Trong tất cả các ngành, rào cản mang tính cấu trúc hạn chế khả năng tiếp cận của phụ nữ tới tài nguyên thiên nhiên, thông tin, công nghệ, thị trường và cơ hội đào tạo hạn chế khiến họ gặp khó khăn trong phát triển năng lực thích ứng với BĐKH. Vì phụ nữ một lúc phải hoàn thành hai trách nhiệm: vừa sinh con và chăm sóc gia đình, vừa tham gia sản xuất nên ít có cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định ở các cấp, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến BĐKH. Đo dó, quyền của họ thường bỏ qua trong những pháp luật lao động liên quan mà lẽ ra phải bảo vệ họ một cách đầy đủ.
BĐKH ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, sinh kế của nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có phụ nữ, trẻ em… (Ảnh minh họa)
Cụ thể, trong ngành nông nghiệp, sự phân công lao động theo giới trong ngành và các trách nhiệm khác do phụ nữ đảm nhận do các chuẩn mực giới đã ngăn cản họ tham gia tích cực vào việc đưa ra các quyết định trong và ngoài gia đình.
Trong ngành quản lý nước, nhiều chính sách quốc gia coi phụ nữ là một trong những nhóm dễ tác động và phần lớn coi phụ nữ là người hưởng thụ. Do đó, các chính sách hiếm khi tập trung vào phụ nữ như những nhân tố tiềm năng của sự thay đổi để bảo tồn tài nguyên nước. Trong ngành quản lý chất thải, 90% người thu gom và nhặt phế liệu là phụ nữ. Trong khi đó, công việc này không được pháp luật hiện hành công nhận vì họ được coi là một phần của nền kinh tế phi chính thức. Trong ngành năng lượng, hầu hết các công việc trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, kỹ thuật được coi là chỉ phù hợp với nam giới theo truyền thống, do đó, sự đóng góp của phụ nữ chiếm tỷ lệ thấp hơn đáng kể…
TS Nghiêm Thị Thuỷ, Viện Xã hội học cho biết, ở các vùng sâu vùng xa, BĐKH khiến đa số nam giới thiếu việc làm tại địa phương. Họ phải di cư đến các thành phố lớn để làm ăn. Ở địa phương, phụ nữ phải “gánh” nhiều trọng trách như chăm sóc con nhỏ, người già, tham gia sản xuất. Khi gia đình không có nam giới, phụ nữ đối mặt với việc bị trộm cắp, bị xâm hại… Khi có nguy cơ thiên tai, họ phải lo cho người yếu thế mà không màng tính mạng của bản thân. Đợt lũ năm 2020 vừa qua, phụ nữ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do họ không có kiến thức, kỹ năng để bảo vệ mình và người thân khi lũ lụt, sạt lở diễn ra.
Tại các đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, BĐKH khiến cho lượng rác thải tăng cao, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn… Việc lượng người lớn đổ về các khu đô thị lớn để làm việc dẫn đến mật độ dân số tăng cao, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tệ nạn xã hội. Nhiều vụ án bạo lực, hiếp dâm phụ nữ, trẻ em… xảy ra gây nhức nhối xã hội.
Chia sẻ về tác động đến phụ nữ do BĐKH, TS Lâm Nội, Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam cho rằng, trước tình hình BĐKH và gia tăng hiện tượng cực đoan về thời tiết, thiên tai xảy ra ngày càng nhiều. “Trong các nghiên cứu về vấn đề nước sạch cho người dân các vùng xâm nhập mặn ở ĐB sông Cửu Long, chúng tôi đã gặp nhiều phụ nữ không thể tắm nước sạch một lần trong đời vào mùa khô vì thiếu nước. Nhiều phụ nữ trong gia đình đơn thân, trẻ em… phải đi hàng chục cây số để lấy nước sạch về sử dụng” – TS Lâm Nội cho biết.
Tăng cường bình đẳng giới trong xây dựng chính sách về BĐKH
Việc nâng cao nhận thức về năng lực về các khía cạnh bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong thích ứng với BĐKH thông qua phương pháp tiếp cận từ dưới lên và từ trên xuống là cấp thiết cho tất cả các ngành và lĩnh vực. Nhận thức này sẽ tạo điều kiện và khích lệ công tác vận động chính sách ở tất cả các cấp, ngành để thực hiện cam kết chính trị cũng như huy động được nguồn tài chính tiềm năng cho các biện pháp đảm bảo tính nhạy cảm về giới trong ứng phó với BĐKH.
Theo TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng ISPONRE cho biết, giới và BĐKH là những vấn đề liên ngành cần sự chung tay của các quốc gia và toàn thể xã hội. Trong đó, cần thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ, công tác này cần được thực hiện ở cấp cao nhất của các Bộ, ngành, giữ trọng trách ứng phó với BĐKH. Vai trò của Hội LHPN Việt Nam cũng cần được tăng cường và thể hiện rõ ràng hơn trong các quá trình thẩm vấn và ra quyết định, thay vì chỉ trong triển khai thực hiện. Việc đối thoại trao đổi giữa các cơ quan về giới như Hội LHPN Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thường xuyên được tổ chức
“Vấn đề bình đẳng giới cần được thực hiện cụ thể, lồng ghép vào các ngành nghề để tăng khả năng chống chịu của các tầng lớp bị tổn thương, trong đó có phụ nữ, nhằm đảm bảo không có ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình ứng phó với BĐKH” – TS Trung Thắng nói.
TS Lâm Nội cho rằng, vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng chính sách nghiên cứu về thiên tai là rất cần thiết. Điều đó sẽ giảm thiểu rủi ro thiên tai đối với phụ nữ. “Cụ thể như với các gia đình phụ nữ làm chủ hộ, phụ nữ đơn thân hoặc ở xa thường gặp khó khăn khi đi lấy nước ở khu vực ĐB sông Cửu Long, chúng ta cần xây dựng chính sách để ưu tiên cho phụ nữ được lấy nhiều nước hơn trong 1 lần lấy” – TS Lâm Nội đề xuất.
Trước đó, tháng 9/2020, Chính phủ Việt Nam đã đệ trình Bản cập nhật Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), trong đó cam kết tăng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho đến năm 2030. “Đây là lần đầu tiên Việt Nam lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và bao trùm xã hội vào bản cập nhật NDC. Việc này đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít những quốc gia trên thế giới coi bình đẳng giới như một nội dung xuyên suốt trong NDC của mình” - bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam cho biết.