“Bóng hồng phu xe” nơi cửa khẩu Lao Bảo

Chia sẻ

PNTĐ-Khi cửa khẩu bắt đầu hoạt động, những phụ nữ trong đội nữ xe kéo thị trấn Lao Bảo đã có mặt. Hàng đến, họ thoăn thoắt bốc xếp lên xe kéo rồi chuyển qua biên giới.

 
Thoát nghèo nhờ… kéo xe
 
“Bóng hồng phu xe” nơi cửa khẩu Lao Bảo - ảnh 1
 Nghề “phu xe biên giới” vất vả và cực nhọc trăm bề,
nhất là khi người kéo xe lại là… phụ nữ.
 
Từ TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, vượt hơn 80km, đoàn công tác của Hội Nhà báo TP Hà Nội mới đến được thị trấn (TT) Lao Bảo. Thiếu tá Ma Phương Trình, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hồ hởi kể về hoạt động của Đội nữ xe kéo cửa khẩu Lao Bảo mà đồn đã phối hợp với Hội LHPN TT thành lập từ năm 2004. Thiếu tá Trình chia sẻ: “Hiện tại, có 80 chị em trong đội xe kéo, hơn 2/3 đã thoát nghèo, ổn định kinh tế, trong đó có chị em còn xây nhà, mua ti vi, xe máy như chị Thương, chị Lan…”
 
Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Thương, đội trưởng đội nữ xe kéo TT Lao Bảo. Chị Thương đã có thâm niên 12 năm làm nghề kéo xe hàng ở cửa khẩu. Nhìn cơ ngơi của chị, ít ai nghĩ cách đây hơn 12 năm, vợ chồng chị còn không có nhà ở, ăn bữa nay lo bữa ngày mai. Chị Thương bật mí, “không chỉ riêng tôi, nhiều chị em ở đây còn có tiền gửi ngân hàng hàng tháng nhờ… nghề kéo xe”.
 
Năm 1990, chị kết hôn với anh Hồ Minh Thư là người dân tộc Vân Kiều. Làm rẫy không đủ ăn, chị Thương rủ em dâu đi gánh hàng thuê qua cửa khẩu. Mỗi gánh hàng, chị được trả 10.000 - 15.000 đồng. Mỗi ngày gánh 10 chuyến, chị có hơn 50.000 đồng. Làm việc này một thời gian thấy vất vả mà hiệu suất không cao, chị đóng một chiếc xe gỗ kéo hàng, sau đó chuyển sang xe sắt. Có xe kéo, hàng chở nhiều hơn mà không tốn nhiều sức. Có chuyến, hai chị em kéo cả tạ hàng, được trả từ 100.000 – 120.000 đồng.
 
Thấy nghề kéo xe kiếm tiền dễ mà vốn bỏ ra ít, nhiều chị em làm theo. Sau một thời gian, vì tranh giành khách, nhiều người gây hiềm khích, mất an ninh trật tự vùng biên. Có người còn tham gia vận chuyển, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, đưa người qua biên giới trái phép. Năm 2004, chị Thương cùng một số chị em trong Hội phụ nữ  TT Lao Bảo thành lập đội xe kéo TT Lao Bảo, được các cấp chính quyền, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo… ủng hộ.

“Bóng hồng phu xe” nơi cửa khẩu Lao Bảo - ảnh 2
Dù vất vả nhưng nghề kéo xe giúp các chị ổn định cuộc sống
 
“Tai mắt” chống buôn lậu
 
Làm “cửu vạn vùng biên”, những “bóng hồng phu xe” còn luôn nêu cao tinh thần đấu tranh tố giác tội phạm, cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương, đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để chống nạn buôn bán hàng cấm qua biên giới, trốn thuế, vượt biên trái phép… kịp thời. Thiếu tá Ma Phương Trình ghi nhận: “Mỗi năm, các chị đều cung cấp rất nhiều thông tin quý giá trong đấu tranh chống tội phạm khu vực cửa khẩu”.
 
 “Kỳ án” đuổi bắt kẻ buôn hàng cấm đầu tiên mà các chị làm là khi đội xe kéo vừa mới thành lập. Hôm đó, một phụ nữ đến thuê đội nữ kéo xe vận chuyển hàng hóa sang cửa khẩu. Thấy có dấu hiệu nghi vấn, các chị báo cáo cho cán bộ cửa khẩu kiểm tra và phát hiện có hàng cấm. Thấy bị lộ, đối tượng tìm cách trốn thoát. 5 chị em trong đội đã truy đuổi vào sâu tận trong bản làng, hơn 4 giờ sau mới bắt được và giao đối tượng cho các lực lượng chức năng xử lý.  “Kể từ đó, ai cũng coi đó là “nhiệm vụ ngầm” của mình, nêu cao tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm vùng biên, dù biết công việc đó rất nguy hiểm” – chị Thương nhớ lại.
 
Kéo xe, với các chị bây giờ không chỉ là công việc, là thu nhập mà còn là nơi để chia sẻ, tâm sự và động viên nhau trong cuộc sống. Mỗi tháng, mỗi thành viên đóng góp xây dựng quỹ, xây dựng phong trào “hũ gạo tiết kiệm” để đỡ đầu cho 5 gia đình phụ nữ đơn thân, khó khăn và khuyết tật trên địa bàn. 
 
 Nghề “phu xe biên giới” vất vả và cực nhọc trăm bề, nhất là khi người kéo xe lại là… phụ nữ. Những tai nạn xảy ra khi đang kéo xe không ít, nhẹ thì trầy xước, nặng hơn thì gãy tay chân, lại còn phải đền bù tiền hàng hóa. Khổ cực là thế nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, các chị vẫn miệt mài làm việc. Chị Thương kể, có lần đang xuống dốc, xe hàng nặng quá, mấy chị em tỳ không được. Lần đó, xe hàng đổ, chị bị trầy xước, chân sưng tấy, phải hơn 2 tháng mới bình phục. Có lần, xong việc thì trời đã khuya, cửa khẩu đã đóng, các chị đành phải ngủ lại ở bên kia biên giới, đợi mờ sáng mới về nhà. 
 
Hồng Nhung

Tin cùng chuyên mục

Về miền hoa Ban

Về miền hoa Ban

(PNTĐ) - Là tỉnh địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên thường được nhắc đến với vẻ đẹp hoang sơ, trùng điệp của núi non, những đỉnh đèo, biển mây, nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, lễ hội truyền thống... Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, Điện Biên đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc cũng như cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

(PNTĐ) - Đã có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em mặc dù cơ quan chức năng xác định có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, nhưng sau đó đành phải tạm đình chỉ điều tra vì chứng cứ yếu, thiếu chứng cứ hoặc không xác định được bị can gây án. Nhiều gia đình phải ngậm đắng nuốt cay, còn bị hại phải gánh chịu hệ quả tâm lý nặng nề.
Đàn chim Lạc trở về

Đàn chim Lạc trở về

(PNTĐ) - Đã thành thông lệ vào những dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3), ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5..., rất nhiều kiều bào yêu nước lại về thăm quê hương. Sau những năm tháng chiến tranh, Việt Nam giờ đây đã trở thành mảnh đất lành cho những “đàn chim Lạc” trở về cội nguồn đoàn tụ.
Nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa

Nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa

(PNTĐ) - Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp trên 2,3 triệu ngày công, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc. Những thiếu nữ đó đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, không một thoáng lưỡng lự, không một phút ngần ngại, đắn đo để thực hiện nghĩa vụ cao cả: Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Triệu trái tim hướng về Điện Biên

Triệu trái tim hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dịp để mỗi người dân Việt Nam, kiều bào ở nước ngoài hướng về Điện Biên với mong muốn tìm về cội nguồn chiến thắng và sức mạnh dân tộc với bao cảm xúc tự hào và trân trọng những chiến công lịch sử hào hùng của dân tộc trong “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm…” làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bởi vậy, Điện Biên tuy xa mà gần gũi, có sức sự lan toả trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam.