Cải tạo chung cư cũ: Vẫn chờ cơ chế mới và quy hoạch

Chia sẻ

Trong những năm qua, cải tạo chung cư cũ luôn là "vấn đề nóng" thu hút sự quan tâm của xã hội. Cùng với việc đầu tư xây dựng các khu chung cư mới hiện đại thì việc tập trung giải bài toán về công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng nhằm bảo đảm điều kiện sống an toàn cho người dân, chỉnh trang lại bộ mặt đô thị.

Tòa nhà chung cư cũ 51 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa. Ảnh: Thùy ChiTòa nhà chung cư cũ 51 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa. (Ảnh: Thùy Chi)

Cơ hội trở thành điểm nhấn của Thủ đô

Mới đây, tại buổi làm việc với Quận ủy Đống Đa về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, hai tháng đầu năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Đống Đa là quận nội đô lịch sử rất quan trọng, thấm đẫm những giá trị văn hóa truyền thống; có điểm đặc thù như mật độ dân số cao nhất, là trung tâm kinh tế với số lượng doanh nghiệp lớn nhất, có số thu ngân sách đứng thứ hai trong các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, Quận là địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác quản lý và phát triển đất đai, đô thị còn nhiều bất cập, hạn chế...

Để chỉnh trang, hiện đại hóa và phát triển kinh tế đô thị trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý đối với Quận ủy Đống Đa là khẩn trương cải tạo các khu chung cư cũ trên địa bàn. Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, quận Đống Đa có 18 khu với 438 toà chung cư cũ. Với quy hoạch phân khu nội đô lịch sử sắp tới sẽ được phê duyệt, trong đó thể hiện tư duy quy hoạch đổi mới, việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ trên địa bàn Quận vừa là nhiệm vụ chính trị cấp bách, vừa là cơ hội để Quận nâng cấp diện mạo, cảnh quan, phát triển kinh tế đô thị.

Cho ý kiến về việc quy hoạch và cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận Đống Đa, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, hiện Sở Xây dựng đang giao cho đơn vị tư vấn của Nhật nghiên cứu quy hoạch quận Đống Đa và sẽ sớm báo cáo cấp thẩm quyền của TP. Hà Nội. Đống Đa là khu vực quy hoạch hiện đại gồm các trung tâm tài chính, truyền thông, khu nghỉ dưỡng đô thị, đời sống mới… do đó đây là cơ hội để Đống Đa trở thành điểm nhấn của Thủ đô Hà Nội, đồng thời tạo thu hút đầu tư, tạo ra được nguồn lực, giải pháp để phát triển kinh tế khu vực này…vì vậy quận Đống Đa cần sớm được hoàn chỉnh nhằm tạo sự phát triển đồng bộ, quản lý đô thị theo đúng hướng quy hoạch, trong đó có việc cải tạo chung cư cũ.

Ông Võ Nguyên Phong cho hay, các tòa nhà chung cư cũ trên địa bàn quận Đống Đa chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990. Các khu này diện tích khoảng 143,37 ha, chiếm khoảng 14,42% diện tích toàn Quận. Trong khi đó, Quận có khoảng 90 nghìn người dân đang sinh sống trên địa bàn, chiếm khoảng 24,42% tổng số người dân, như vậy số người đang sống tại các khu đô thị, chung cư là rất lớn. Do đó, việc cải tạo chung cư cũ không chỉ cấp thiết đối với Thủ đô Hà Nội nói chung, mà còn đặc biệt quan trọng đối với quận Đống Đa nói riêng. Nếu tạo được khoảng không gian ngầm, xem xét tối ưu quy hoạch kiến trúc không gian của các khu chung cư cũ, thì quận Đống Đa có thể nâng cấp được diện mạo, cảnh quan, phát triển thêm được các dịch vụ thương mại và các dịch vụ công cộng khác. Đây cũng là cơ hội để Đống Đa thay đổi diện mạo đô thị, tạo thêm quỹ đất để phát triển và cũng là cơ hội để phát triển kinh tế đô thị trong thời gian tới.

Người dân mong sớm được sống trong “an toàn”

Theo ghi nhận của phóng viên, ven đường Nguyên Hồng, quận Đống Đa, có hàng chục dãy nhà tập thể cũ, xập xệ, xuống cấp. Màu vôi ve thay bằng màu rêu mốc. Tường vôi vữa bong tróc, rơi từng mảng. Nhà chật hẹp, người dân tận dụng khoảng lùi giữa các dãy nhà để xây dựng chuồng cọp, cố nới rộng thêm phần diện tích. Dãy nhà chính lộ những vết rạn nứt.

Tương tự, tòa nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa cũng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng sau khi bị ảnh hưởng bởi vụ sập nhà từ 10 năm trước. Hệ thống cột dầm chịu lực của tòa nhà đã bị nứt, lún nghiêm trọng, phần lan can cũng đã bị hỏng.

Ông T.N.L, chủ một hộ sinh sống tại tòa nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng cho biết, cuối tháng 3/2011, ngôi nhà 5 tầng số 49 Huỳnh Thúc Kháng “bỗng dưng” sụp xuống, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ dân sống trong chung cư mà còn ảnh hưởng đến các hộ dân sống liền kề. Tại thời điểm đó, chính quyền đã huy động di dời các hộ dân đi, di chuyển đến nơi ở khác để bảo đảm ổn định hơn.

Ông L. cho hay, tòa nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng trước đó có 19 hộ dân. Đã có 15 hộ đã di dời đến khu nhà ở tái định cư ở Đại Kim, hiện chỉ còn có 4 hộ sinh sống tại đây. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sự cố vẫn chưa được khắc phục, người dân đã di dời vẫn chưa biết ngày nào được trở về.

Còn tại phường Thịnh Quang, anh P.M.C, khu tập thể Vĩnh Hồ, quận Đống Đa cho biết, 2 năm trước người dân ở đây rất phấn khởi vì phường phát phiếu lấy ý kiến về việc cải tạo nhà chung cư cũ. Với những người dân ở tầng 3 như anh C. việc càng sớm cải tạo chung cư càng tốt. Bởi do nhu cầu tăng diện tích vẫn có nhiều nhà cơi nới thêm “chuồng cọp”, làm vách kính, lan can… tại khu tập thể. Việc này khiến cho chung cư cũ ngày càng xuống cấp, giảm mức độ an toàn, khi chung cư cũ phải “cõng” thêm hàng tấn xi măng. Do đó, anh C. lúc nào cũng trong tâm trạng nơm nớp lo sợ khi sống trong tòa chung cư cũ đó, anh C. rất mong sớm được cải tạo tòa nhà chung cư, hoặc chính quyền sớm đưa ra những giải pháp để giải quyết vấn đề này để gia đình anh cảm thấy yên tâm và sống trong “an toàn”.

Gỡ vướng về cơ chế, chính sách

Trong những năm qua, cải tạo chung cư cũ luôn là "vấn đề nóng" thu hút sự quan tâm của xã hội. Cùng với việc đầu tư xây dựng các khu chung cư mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhà ở của người dân thì các cấp chính quyền cũng tập trung giải bài toán về công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng tại các đô thị nhằm bảo đảm điều kiện sống an toàn cho người dân đồng thời cải tạo, chỉnh trang lại bộ mặt đô thị.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954.

Mật độ xây dựng hầu hết tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng khoảng 1,5 lần. Trong khi đó, hệ thống kỹ thuật nói chung ở các chung cư đều cũ nát, đặc biệt hệ thống cấp nước do dân tự cải tạo thành mạng lưới đường ống chằng chịt trên mặt nhà, rất mất mỹ quan.

Đáng lo ngại là hầu hết các chung cư cũ đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Việc duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức, đã dẫn đến hư hỏng, xuống cấp nhanh gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Mặc dù là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân nhưng công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là vấn đề không đơn giản. TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đã có từ hơn 20 năm qua nhưng thực tế đến nay, TP. Hà Nội mới chỉ kêu gọi được 20 chủ đầu tư làm các dự án cải tạo và xin phê duyệt 23 khu trong tổng số 60 khu chung cư tại Hà Nội.

TS. Đào Ngọc Nghiêm phân tích, những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là những bất cập trong các văn bản thể chế. Trong Luật Nhà ở, Điều 86 - 87, cải tạo nhà chung cư là trách nhiệm của chủ sở hữu. Vậy sau khi Nhà nước bán nhà cho người dân thì chủ sở hữu phải là người dân, chứ chưa nêu rõ vai trò của Nhà nước ở đây...

Theo ông Nghiêm, việc cải tạo chung cư cũ phải được thực hiện theo quy hoạch chung của Thủ đô. Do vậy, trong nội đô các khu chung cư cũ không được xây cao tầng. Nhưng hầu như các chủ đầu tư lại yêu cầu phương án xây cao tầng, bởi như vậy mới có lãi. Thứ hai là việc đền bù giải phóng mặt bằng và việc tái định cư tại chỗ. Một khó khăn khác từ chủ đầu tư là việc đàm phán với người dân. Nghị định 101/2015/NĐ-CP quy định việc tháo dỡ chung cư cũ, nhà tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu. Trong khi đó, nhiều chủ hộ không đồng thuận do khúc mắc về hệ số đền bù. Cuối cùng là việc quy hoạch và quản lý sau cải tạo chung cư.

Để giải quyết những vướng mắc về cơ chế, chính sách, mới đây, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có thông báo 461/TB-VP kết luận và chỉ đạo của tập thể lãnh đạo UBND TP. Hà Nội về việc quy hoạch, cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố. UBND TP. Hà Nội nhìn nhận, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít; dự án đã quyết định đầu tư chậm triển khai, tư vấn lập quy hoạch còn quá chậm, không đạt yêu cầu đã đặt ra.

Do đó, UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, phối hợp khẩn trương với Bộ Xây dựng về đề xuất Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, kiến nghị biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những nội dung cần tháo gỡ để đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn thực hiện. Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chuẩn bị kế hoạch vốn để lập quy hoạch các khu chung cư cũ bằng nguồn ngân sách…

Khẩn trương thực hiện chỉ đạo của TP. Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện Sở đang tổng hợp các ý kiến từ các Sở ngành liên quan nhằm thống nhất nội dung cụ thể để sớm báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt.

THÙY CHI/VGP

Theo https://thanglong.chinhphu.vn/cai-tao-chung-cu-cu-van-cho-co-che-moi-va-quy-hoach

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.