Cần luật hoá khám sức khoẻ tiền hôn nhân
(PNTĐ) - Chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2024 là “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, trong đó, “khám sức khỏe trước hôn nhân chuẩn bị hành trang đón thế hệ vàng” là 1 trong 5 thông điệp được đưa ra để ngành y tế và chính quyền các địa phương cùng chung tay thực hiện.
Theo báo cáo thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,4 triệu trẻ em được sinh ra, trong đó có từ 1,5-2% số trẻ em mắc phải các dị tật bẩm sinh. Tại Việt Nam, hiện có hơn 10 triệu người mang gen bệnh Thalassemia, trên 20.000 người bệnh đang cần được điều trị. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh, trong số này có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng, cần được điều trị cả đời.
Đây là một trong những căn bệnh đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến chất lượng dân số - chất lượng giống nòi. Thực trạng này đặt ra thách thức không nhỏ đối với công tác dân số hiện nay, đặc biệt trong công tác nâng cao chất lượng dân số và bảo đảm tương lai khỏe mạnh cho thế hệ sau.
Để nâng cao chất lượng dân số, một trong những giải pháp căn cơ hiện nay là thực hiện tốt công tác tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Bởi ý nghĩa quan trọng nhất của khám sức khỏe trước khi kết hôn và tầm soát, sàng lọc trước sinh và sơ sinh là sớm phát hiện, can thiệp các bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh để những trẻ em được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, các bệnh do di truyền, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Một vài năm gần đây, tỉ lệ lựa chọn khám sức khỏe tiền hôn nhân đã có dấu hiệu tăng nhờ sự tuyên truyền tích cực của cơ quan chức năng. Tại TP Hà Nội, chất lượng dân số Thủ đô đã từng bước được nâng cao, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn tăng hàng năm (năm 2022: 31,9%; năm 2023: 53,7%, 6 tháng năm 2024: 63%).
Song, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vẫn còn khá thấp so với mục tiêu mà Thành phố đặt ra: Đạt ít nhất 85% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Trên địa bàn Thành phố chưa có sự kết nối giữa những người có nhu cầu khám sức khỏe trước kết hôn với các cơ sở y tế. Nhiều người chưa thực sự hiểu và phân biệt được giữa khám sức khỏe trước hôn nhân và khám sức khỏe bình thường.
Thực tế này không chỉ là tồn tại và thách thức riêng của TP Hà Nội mà còn phản ánh tình trạng chung tại nhiều đô thị lớn, chưa kể đến các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa, nơi công tác tuyên truyền, điều kiện kinh tế, chất lượng cuộc sống còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục tình trạng đó, Chi cục Dân số Hà Nội đã thực hiện thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn tại quận Bắc Từ Liêm theo Kế hoạch số 147/KH-CCDS ngày 28/3/2024 của Chi cục Dân số Hà Nội, từ đó nhân rộng mô hình trên toàn thành phố, góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn Hà Nội.
Ngoài ra, Nghị quyết số 21/NQ-TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 đạt 90% nam nữ thanh niên được tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn; 70% số phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh và 90% số trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất. Bộ Y tế đang đề xuất luật hóa việc khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Dân số vào Kỳ họp thứ 10 năm 2025 và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 năm 2026. Theo dự thảo Luật Dân số, nam nữ trước khi kết hôn và người muốn sinh con sẽ được tư vấn, khám sức khỏe, hướng dẫn phòng ngừa và phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến sinh sản. Người thuộc diện chính sách, vùng khó khăn được hỗ trợ chi phí khám. Luật cũng quy định các trường hợp bắt buộc tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh...
Hy vọng với sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước, việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thực của nhân dân đặc biệt là tuyên truyền vận động nam, nữ thanh niên nên kết hôn và sinh con trước 30 tuổi; việc thanh niên chủ động hơn trong tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn để tầm soát, sàng lọc các bệnh về gen di truyền và các bệnh truyền nhiễm; phụ nữ mang thai có ý thức chủ động tham gia tầm soát, sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, chúng ta sẽ có thể tiếp tục nâng cao chất lượng giống nòi của đất nước…