Cần quản lý chặt dịch vụ xe đưa đón học sinh

Hà - Nhung
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vụ việc bé trai 5 tuổi tử vong do bị bỏ quên suốt 1 ngày trên xe đưa đón tại trường Mầm non Hồng Nhung 2, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình một lần nữa gây chấn động dư luận. Đồng thời đặt ra vấn đề cho các cấp quản lý cần có chế tài, quy định quản lý chặt hơn đối với dịch vụ xe đưa đón học sinh. Bởi đây không phải là bi kịch đầu tiên mà trước đó đã diễn ra các vụ việc tương tự.

Cần quản lý chặt dịch vụ xe đưa đón học sinh - ảnh 1
Cần sớm ban hành các quy định về dịch vụ xe đưa đón học sinh để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tới trường. Ảnh minh họa

Nỗi đau từ sự tắc trách của người lớn
Sự việc đau lòng diễn ra vào ngày 29/5/2024. Theo đó, 6h20 phút ngày 29/5, lái xe Nguyễn Văn Lâm và nhân viên Phương Quỳnh Anh có nhiệm vụ đưa đón trẻ mầm non từ các gia đình đến trường mầm non Hồng Nhung 2 trong đó có cháu T.G.H (SN 2019). 

Đến 17h30 phút cùng ngày, người thân của cháu H đến đón, không thấy cháu ở lớp nên đã khẩn trương báo cho nhà trường và tập trung tìm kiếm cháu H. Lúc này, các giáo viên mới phát hiện cháu H vẫn ở trên xe đưa đón học sinh của nhà trường (xe đậu tại khuôn viên nhà trường). Do lái xe không có mặt tại trường nên mọi người phải phá cửa xe để đưa cháu đi cấp cứu. Các bác sĩ xác định cháu H đã tử vong ngoại viện. 

Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, tối ngày 29/5/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã trực tiếp làm việc với công an tỉnh, UBND TP Thái Bình, các sở ngành liên quan, yêu cầu khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc. Trong tối ngày 29/5/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người” để điều tra làm rõ các tình tiết, động cơ, nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Sáng ngày 30/5/2024, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành văn bản về việc chấn chỉnh hoạt động của các trường mầm non và việc đưa đón trẻ em, bảo đảm môi trường an toàn khi trẻ đến trường.  

Được biết, cháu H có bố mẹ đi làm ăn xa, cháu ở nhà với bà ngoại ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Lái xe đưa đón học sinh mới tham gia đưa đón từ ngày 22/5 do lái xe chính nghỉ phép 1 tuần. 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Thái Bình, Trường Mầm non Hồng Nhung 2 được thành lập năm 2022, quy mô đào tạo có 12 lớp, 272 nhóm trẻ. Giáo viên phụ trách đưa đón là cô Đoàn Thị Nhâm (SN 1998), tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm mầm non và cô Nguyễn Thị Phương (SN 1996), tốt nghiệp Đại học Sư phạm Mầm non. Cô Phương Quỳnh Anh, trình độ đào tạo Trung cấp Dược là nhân viên đưa đón trẻ.

Bi kịch thương tâm xảy ra bởi sự tắc trách của người lớn đã khiến nhiều người bức xúc. Bởi đây không phải là vụ việc đầu tiên trẻ tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh. Năm 2019, vụ việc bé L.H.L (6 tuổi), học sinh Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (Hà Nội) bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường khi em đang ngủ, dẫn đến tử vong. Vụ việc thương tâm đó cứ ngỡ sẽ là bài học lớn “không bao giờ quên” đối với các nhà trường và đội ngũ làm công tác đưa đón học sinh đến trường. Bộ GD-ĐT và các ban ngành chức năng TP Hà Nội thời điểm đó cũng như khác địa phương khác đã ngay lập tức có những động thái siết chặt lại công tác quản lý học sinh trong nhà trường và dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ôtô. Tuy nhiên ngày 29/5, bi kịch thương tâm đó lại lặp lại và nguyên nhân vẫn là sự tắc trách của cô giáo và lái xe trong quá trình đứng lớp và đưa đón học sinh tới trường. 

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Sở GD-ĐT Thái Bình phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành những công việc cần thiết để xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. 
Trang bị cho trẻ kỹ năng cầu cứu khi “bị bỏ quên”
TS. luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, để xác định “trách nhiệm thuộc về ai”, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc đưa đón học sinh do nhà trường tổ chức hay thuê đơn vị dịch vụ, làm rõ quy trình đưa đón học sinh được quy định và tổ chức thực hiện như thế nào; trách nhiệm đón, trả học sinh trong ngày thuộc về những cá nhân nào?... Trường hợp kết quả xác minh cho thấy cháu bé tử vong có nguyên nhân từ việc bị bỏ quên trên xe đưa đón, đồng thời xác định được lỗi cụ thể của người phụ trách đưa đón, của lái xe, của giáo viên hoặc của những người có trách nhiệm trong việc đưa đón, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can người vi phạm về tội “Vô ý làm chết người”. Trường hợp nhiều người cùng có lỗi dẫn đến cháu bé tử vong, tất cả những người có lỗi đều có thể bị xử lý về tội “Vô ý làm chết người”. 

Bà Lê Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) cho biết: “Sự việc này gây đau lòng hơn, bởi xảy ra ngay khi cả nước đang hướng tới Tháng hành động vì trẻ em. Trong vụ việc này, nhà trường và người quản lý đã không xây dựng chính sách bảo vệ trẻ em cũng như dự phòng xử lý các nguy cơ rủi ro trong phạm vi trường học”.

Theo bà Thu Hà, việc bỏ quên trẻ trên xe, không đơn giản chỉ là trách nhiệm trực tiếp của người lái xe và giáo viên hiện tại đã bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về tội “Vô ý làm chết người”. Chúng ta cần quan tâm đến giải pháp làm thế nào để tránh những vụ việc tương tự trong tương lai, để các bên liên quan có trách nhiệm. Chính những người quản lý, đại diện nhà trường phải có trách nhiệm trong việc xây dựng chính sách bảo vệ trẻ em và có quy trình công việc đảm bảo thông tin được truyền thông đều đặn tới đội ngũ giáo viên, đối tác, các đơn vị cung cấp dịch vụ để họ phối hợp và có quá trình kiểm tra giám sát đồng bộ đảm bảo an toàn và giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.

Từ các vụ việc thương tâm cho thấy, việc trang bị kỹ năng cho trẻ em thực sự rất cần thiết để dự phòng rủi ro xảy ra. Nhà trường, cơ sở giáo dục có thể tổ chức chương trình trải nghiệm thực tế hướng dẫn trẻ xử lý tình huống không an toàn để dự phòng. Ví dụ với trường hợp đi trải nghiệm bên ngoài gặp sự cố lạc đường hãy  hướng dẫn trẻ cách phân biệt người lạ an toàn, người công vụ, toà nhà an toàn… để trẻ tìm kiếm sự trợ giúp. Với trường hợp bị nhốt trên xe, giáo viên hãy hướng dẫn trẻ cách bấm còi trên vô lăng liên tục để phát tín hiệu cấp cứu (theo thiết kế của nhà sản xuất, còi xe luôn luôn hoạt động ngay cả trong tình trạng ôtô tắt máy, khóa cửa từ bên ngoài). Các bé lớn hơn có thể được hướng dẫn dùng búa đập vỡ cửa kính (xe đưa đón trẻ cần được trang bị búa chuyên dụng) và đặt ở vị trí dễ thấy, dễ lấy.
Có cơ chế quản lý, siết chặt hơn dịch vụ đưa đón trẻ
Việc đưa đón học sinh mầm non, tiểu học là một quá trình đòi hỏi phải có quy tắc đảm bảo an toàn, người thực hiện việc đưa đón phải là người có trình độ, kỹ năng chuyên môn tốt, có trách nhiệm. Điểm chung của các vụ việc trẻ bị bỏ quên trên xe ôtô là sự tắc trách, chủ quan, chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình đưa đón trẻ của các cá nhân liên quan. Lái xe, nhân viên phụ trách đưa đón học sinh không kiểm đếm số lượng, không lên xe để rà soát lần cuối sau khi học sinh xuống xe. Giáo viên thiếu chặt chẽ trong kết nối với gia đình khi thấy học sinh vắng mặt.

Trước nhiều vụ trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi tới Bộ Giao thông Vận tải đề nghị đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ quy định một số nội dung về dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ôtô nhằm khắc phục những bất cập và rủi ro tiềm ẩn trong loại hình dịch vụ này. Đồng thời đề nghị vận chuyển học sinh cần được xem xét là một loại hình vận tải đặc biệt, kèm theo các quy định chặt chẽ hơn nhằm tăng cường an toàn, năng lực và trách nhiệm của các chủ thể liên quan như đơn vị cung cấp dịch vụ, lái xe, người quản lý học sinh...

Dự thảo Luật Đường bộ đang được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã dành riêng điều số 70 để quy định về hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ôtô. Trong đó có quy định trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ôtô phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Hoạt động này phải tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ... 

Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH Cà Mau) đã có không ít vụ bỏ quên trẻ em trên xe đưa đón của các nhà trường, vì vậy chúng ta cần phải quy định việc đưa đón học sinh đến trường bằng các chế định trong các đạo luật phù hợp. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cũng cho rằng, quy trình đưa đón trẻ cần phải được siết chặt nghiêm ngặt. Và việc khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm đối với những người liên quan trong vụ án này là cần thiết, để răn đe, không để xảy ra những vụ việc đau lòng tương tự.

Theo các chuyên gia về luật, khi những quy định về loại hình vận tải đưa, đón học sinh được quy định chặt chẽ trong Luật thì sẽ tăng cường công tác quản lý đối với loại phương tiện này. Đồng thời, việc quy định rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục, lái xe và người giám sát sẽ góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Thời tiết hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang bắt đầu oi nóng, nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để xua tan không khí oi bức, người dân trên địa bàn thôn Lại Đà đã dành những tình cảm trân quý, tận tay pha nước mát, mở quạt dọc tuyến đường vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng nay (25/7), lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cùng thời gian trên, lễ viếng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư - xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).
Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí mẫu mực và kính yêu mất đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đồng chí mất đi, nhưng những di sản mà đồng chí để lại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân sẽ mãi trường tồn, là điểm tựa cho đất nước, cho Thủ đô tiếp tục tiến lên, dựng xây non sông Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm...