Câu chuyện “khát nước” xuyên nhiều thập kỷ

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Huyện Ba Vì, xung quanh gần như được bao bọc bởi hai dòng sông lớn là sông Hồng, sông Đà và những dòng suối nhỏ. Thế nhưng, nhiều xã nơi đây lại rơi vào nghịch lý thiếu nước và “khát” nước sạch trong thời gian dài.

Câu chuyện “khát nước” xuyên nhiều thập kỷ - ảnh 1
Bà Đỗ Thị Hường, thôn Bắt Còn Chèm, xã Khánh Thượng mong chờ nước sạch.

“Khát” nước sạch giữa mênh mông sông nước 
Trở lại Minh Châu, huyện Ba Vì - xã đảo duy nhất của thành phố Hà Nội, nằm giữa sông Hồng, chỉ có đường độc bộ nối với đất liền là ngầm tràn sang huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Câu chuyện nước sạch ở nơi đây là bài toán nan giải hàng chục năm qua. Sống giữa mênh mông nước sông Hồng đỏ nặng phù sa, song nước ngầm nơi đây lại bị nhiễm nhiều tạp chất, nhất là hàm lượng sắt rất cao… Hơn 2 năm trước, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã có dịp đi thực tế, ghi nhận và phản ánh về việc khát nước sạch của người dân nơi đây, thì nay có nhiều thay đổi.

Chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Châu hồ hởi: “Giữa năm 2022, hệ thống đường ống nước đã được các đơn vị về chôn lắp đi khắp xóm cùng thôn, bà con phấn khởi lắm vì ước mong nước sạch về làng bấy lâu nay sắp thành hiện thực”. Giọng chị Thắm chậm lại: “Ấy thế mà từ dạo chôn ống xong đến giờ lại chưa có động tĩnh gì mới”.

Chia sẻ về việc sử dụng nước của người dân nơi đây, chị Thắm cho hay, nguồn nước sinh hoạt hiện vẫn chủ yếu là giếng khoan. Tuy nhiên, nguồn nước giếng khoan vẫn có hàm lượng sắt, vôi cao, các thiết bị vệ sinh bị kết bám bờ rỉ sắt như đáp vôi, rất nhanh bị tắc ống, hư hỏng máy. “Nhà nào may khoan được giếng ăn thẳng, có hàm lượng sắt thấp thì thiết bị đỡ bị hư hỏng, hộ nào không may khoan trúng mạch nước kém thì nhanh phải thay ống, đổi máy. Mùa khô hạn này, các nhà sử dụng giếng khoan có độ sâu 20-25m thì nước ít lắm, không đủ nước dùng hoặc bơm nước không lên, phải khoan thêm giếng hỏa tiễn sâu 30-35m hoặc đi xin, mua nước”- chị Thắm thở dài.

Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Đình Hùng cho biết, toàn xã có 4.100 hộ dân, mới có 4/14 thôn có nước sạch dẫn về cho người dân sử dụng, đạt tỷ lệ 27%, hiện đang mùa khô, người dân rất cần nước sạch để sinh hoạt, nhất là hai thôn Đức Thịnh và Cẩm Phương đang rất thiếu nước. Nguồn nước sử dụng chủ yếu vẫn dựa vào giếng khơi, còn giếng khoan thì ở địa bàn xã Tản Lĩnh lại gặp khó vì địa chất, nhiều hộ khoan không có nước. Thiếu nước còn khiến cho việc chăn nuôi, trồng trọt của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, đường ống nước cũng được dẫn đến các trục chính, còn đấu nối đến các thôn thì chưa. Hơn 1.300 hộ dân trên địa bàn xã Tản Lĩnh đã đồng loạt kiến nghị Thành phố mong sớm được sử dụng nước sạch tập trung.

Ở Minh Châu, nhiều gia đình vẫn phải xây bể hứng nước mưa để ăn uống, nhà nào bể to tích trữ được thì đủ nước dùng, bể nhỏ hoặc không có thì phải đi mua nước về ăn uống. Theo chị Thắm, đặc thù của địa phương chủ yếu phát triển kinh tế chăn nuôi và trồng trọt, với 4.928 con bò, 9.662 con lợn, 22.360 con gà và 269ha gieo trồng, cho nên các gia đình đã chủ động đầu tư lớn, rất kiên cố để có nguồn nước sinh hoạt và chăn nuôi như khoan giếng hỏa tiễn có độ sâu hơn 30-35m với chi phí 15-20 triệu đồng/giếng, xây bể lọc chứa nước chừng 30-40 triệu đồng.

Nước sạch luôn là vấn đề đau đáu của xã Minh Châu hàng chục năm nay, cán bộ lãnh đạo địa phương nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên cấp trên để sớm được có nước sạch. Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Đạt cho biết, hiện toàn xã có 1.441 hộ, với 6.519 nhân khẩu, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân là rất bức thiết. Liên danh Công ty cổ phần Ao Vua và Công ty cổ phần Cấp thoát nước và Môi trường Ba Vì đã lắp đặt đường ống dẫn nước chính và đường ống nhánh toàn tuyến trong tháng 10/2022. Nhưng đến giờ cũng chưa xác định lấy nước ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc hay là qua cầu Vĩnh Thịnh. Cán bộ và nhân dân xã Minh Châu đề nghị nước lấy ở đâu cũng được dù ở Hà Nội hay Vĩnh Phúc, giá bán khác nhau, dân đều đồng ý miễn sao có nước sử dụng.

Trở lên xã Khánh Thượng để ghi nhận tình cảnh “khát” nước sạch đã nhiều năm nay tại đây. Ông Trần Minh Châu, Trưởng thôn Phú Thứ cho biết, nước sinh hoạt hàng ngày của người dân vẫn chủ yếu nhờ vào nguồn nước giếng khoan, giếng khơi, nước suối hoặc nước tự chảy từ những công trình nước hợp vệ sinh được Nhà nước xây dựng từ 30 năm trước. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm ngày càng cạn nên bà con cũng gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Nguyễn Trung Thành cho hay, vấn đề thiếu nước sạch không hề mới và ngày càng trở nên bức thiết. Hiện toàn xã có 2.022 hộ với 9.596 người sinh sống ở 12 thôn. Một số hộ không có máy lọc thì mua nước đóng thùng, đóng chai về sử dụng. 

“Mong muốn của bà con nhân dân và chính quyền địa phương cũng đã đề đạt nhiều lần với các cấp, các ngành, mong sớm được đầu tư để đưa nguồn nước sạch về cho bà con yên tâm sử dụng, đảm bảo sức khỏe”- ông Nguyễn Trung Thành bày tỏ.

Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Ba Vì Nguyễn Đức Hiếu cho biết, hiện trên địa bàn huyện các nhà đầu tư đã triển khai lắp đặt hệ thống tuyến ống chính và cấp nước đến 23 xã trên tổng số 31 xã thị trấn. Trong đó, có 22 xã, thị trấn đang được sử dụng nước sạch từ nguồn tập trung của Thành phố. Toàn huyện có 58.963/74.325 hộ dân được tiếp cận đến hệ thống cung cấp nước sạch đạt 79%; trong khi số hộ đăng ký dùng nước sạch là 51%.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì còn vướng mắc về mặt bằng thi công tuyến ống truyền dẫn. Cụ thể, tuyến xã Vân Hòa, Yên Bài hiện đã lắp đặt đến Cầu Bơn, đã cấp nước cho các nhà máy sản xuất sữa và một số hộ dân, đang vướng về mặt bằng thi công. Trên tuyến đường nhiều vị trí dọc 2 bên tuyến đường phía trong tường rãnh thoát nước tiếp giáp với đất và các công trình của nhà dân không đặt được tuyến ống, bắt buộc phải thi công lắp đặt trong nền đường (do tuyến đường trên vừa thi công xong chưa bàn giao đưa vào sử dụng).

Lý giải về những khó khăn trong việc cấp nước sạch cho người dân tại các xã trên địa bàn huyện Ba Vì, ông Nguyễn Đức Hiếu - cho rằng, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệch Covid-19 thời gian qua phải thực hiện giãn cách xã hội, tiến độ thi công một số hạng mục của Nhà máy nước cũng như thi công các tuyến ống truyền dẫn tại một số xã bị chậm so với tiến độ đề ra. Một số thiết bị vật tư phải đặt hàng cung ứng từ nước ngoài. Công tác giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường ống truyền tải nước thô, tuyến ống dẫn truyền tải nước sạch cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dự án mở rộng tuyến đường Quốc lộ 32 từ xã Cam Thượng đi cầu Trung Hà.

Còn đối với các xã Tòng Bạt, Thuần Mỹ, Sơn Đà chưa thi công do chưa thỏa thuận được cấp phép thi công tuyến ống dọc hành lang chân đê và các điểm cắt ngang mặt đê để thi công tuyến ống cấp nước cho các hộ dân ngoài đê. 

Lý giải về việc cấp nước tại xã Minh Châu, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Ba Vì Nguyễn Đức Hiếu cho biết, hiện Công ty cổ phần Cấp thoát nước và Môi trường Ba Vì đang làm thủ tục xin phép các cơ quan chức năng để được kéo đường ống qua cầu Vĩnh Thịnh để cấp nước sạch cho nhân dân.  Đối với 3 xã miền núi là Minh Quang, Ba Vì và Khánh Thượng, huyện không có nguồn ngân sách đầu tư, UBND huyện đang lập dự án và đã được phê duyệt chủ trương, hiện nay đang lập hồ sơ để báo cáo các sở, ngành liên quan kiến nghị với UBND Thành phố và HĐND TP Hà Nội bố trí vốn để triển khai dự án cấp nước sạch. 

Về tỷ lệ đăng ký sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện còn thấp, ông Nguyễn Đức Hiếu cho rằng, một bộ phận người dân còn chưa thấy rõ tầm quan trọng của nước sạch, nhiều hộ gia đình có đường nước vào nhưng không dùng, hoặc dùng nhưng ít, không có nhu cầu lắp đặt đồng hồ nước để sử dụng dù tuyến ống dịch vụ đã cấp đến đường trục thôn, xóm. Nhiều hộ dân có nhu cầu sử dụng nước sạch còn hạn chế, có đấu nối, nhưng vẫn tận dụng các nguồn nước giếng khơi, giếng khoan, nước mưa để sử dụng.

Để phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100% dân cư được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung, theo ông Nguyễn Đức Hiếu đối với các xã đã lắp đặt hoàn thiện tuyến ống truyền dẫn và mạng phân phối, dịch vụ, cần xác định là nhiệm vụ quan trọng, vừa bảo đảm sức khỏe bền vững của cộng đồng, bảo vệ tài nguyên nước và môi trường, đây cũng chính là động lực thúc đẩy văn minh đô thị, phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian tới, huyện Ba Vì sẽ tăng cường công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng để hộ dân chủ động đăng ký sử dụng nước sạch đảm bảo tăng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung thêm khoảng 7-10% so với tỷ lệ hiện nay.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.