Chăm lo để "mọi người, mọi nhà đều có Tết"

Chia sẻ

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ban hành Chỉ thị số 26/CT-UBND ngày 28/12/2021 yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp để nhân dân đón xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm “mọi người, mọi nhà đều có Tết”.

Quan tâm người bệnh, người khó khăn

Một trong những nội dung được Thành phố đặc biệt quan tâm là tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong thời gian giao mùa Đông - Xuân, dịp Tết Nguyên đán; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, đảm bảo tuyệt đối an toàn các hoạt động lễ hội, tập trung đông người; có phương án kịch bản đáp ứng phòng chống dịch, thực hiện phương châm 4 tại chỗ; UBND TP giao Sở Y tế chủ trì tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ; dự trữ đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất, phương tiện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, đặc biệt kịp thời xử lý các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, thương tích, ngộ độc thực phẩm... Thành phố cũng yêu cầu làm tốt công tác phòng, chống dịch trong bệnh viện, không để lây nhiễm chéo; xây dựng phương án chăm lo cho bệnh nhân buộc phải ở lại bệnh viện trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tặng quà người hưởng chính sách thuộc lĩnh vực người có công; gia đình diện hộ nghèo, người cao tuổi, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; các tổ chức, cá nhân tiêu biểu nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho nhân dân vui Tết, Công an thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, các cơ quan liên quan xây dựng các phương án, tổ chức lực lượng ứng trực cụ thể, phù hợp để bảo đảm; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các địa điểm lễ hội, vui chơi giải trí, những nơi tập trung đông người, đặc biệt tập trung đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực trung tâm trong các ngày Tết từ ngày 29 tháng Chạp (đêm Giao thừa) (ngày 31/1/2022) đến ngày mùng Ba tháng Giêng (ngày 3/2/2022).

Gian hàng đặc sản vùng miền tỉnh Quảng Ngãi tham gia hội chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm Hà Nội và các tỉnh thành phố.Gian hàng đặc sản vùng miền tỉnh Quảng Ngãi tham gia hội chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm Hà Nội và các tỉnh thành phố.

Sẵn sàng hàng hóa phục vụ Tết

Theo Sở Công Thương TP Hà Nội, dự báo sức tiêu thụ hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ giảm sút do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng tại thời điểm hiện tại, khả năng cung ứng các mặt hàng trên địa bàn TP vẫn chưa đủ phục vụ nhu cầu người dân. Cụ thể: Gạo mới đáp ứng khoảng 35% nhu cầu; thịt bò đáp ứng 15%; thủy hải sản đáp ứng 5%; rau củ 65%; thực phẩm chế biến 25%... Để đảm bảo nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán năm 2022 với tổng giá trị 39.000 tỷ đồng, tương đương với kế hoạch Tết năm 2021. Dự kiến số lượng hàng hoá gồm: 278.910 tấn gạo, 57.780 tấn thịt lợn hơi, 18.594 tấn thịt gà, 16.050 tấn thịt bò, 372.000 quả trứng gia cầm, 309.900 tấn rau củ, 57.750 tấn thủy sản, 15.495 tấn thực phẩm chế biến, 156.000 tấn hoa quả, 1.500 tấn bánh mứt kẹo...

Thực hiện chỉ đạo của Sở Công Thương, các doanh nghiệp bán lẻ đã chủ động dự trữ hàng phục vụ Tết tăng từ 7-15% so với cùng kỳ năm 2021. Theo bà Tạ Thị Minh Hợp, Giám đốc Cung ứng hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+, đơn vị đã làm việc với các nhà cung ứng, tăng lượng hàng dự trữ từ 40-50% so với các tháng trong năm, chủ yếu tập trung vào nhóm thực phẩm tươi sống và đồ dùng thiết yếu. Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Hapro đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá gần 1.000 tỷ đồng, bao gồm hàng hóa tham gia chương trình bình ổn thị trường, các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội bà Trần Thị Phương Lan - cho biết, Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho địa phương tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt nông lâm, thủy sản, trái cây an toàn, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh thành phố.

Ngành Công Thương TP Hà Nội triển khai hàng loạt các hoạt động để đẩy mạnh kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố trong cả nước đảm bảo không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến dịp Tết Nguyên đán 2022. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng người dân Thủ đô. Các tỉnh, thành phố cần quan tâm, chỉ đạo hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, tích cực đồng hành cùng TP Hà Nội tham gia hoạt động quảng bá, kết nối - tiêu thụ sản phẩm địa phương trên địa bàn Hà Nội và cả nước.

P.V

Tin cùng chuyên mục

Cảnh báo “bẫy” lừa đảo tìm việc làm qua mạng xã hội

Cảnh báo “bẫy” lừa đảo tìm việc làm qua mạng xã hội

(PNTĐ) - Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của người lao động tăng cao, đặc biệt là phụ nữ nội trợ, sinh viên…, các đối tượng lừa đảo đã tung ra chiêu trò tuyển dụng trên mạng xã hội. Rất nhiều người vì tin vào những lời quảng cáo để rồi mất cả tiền lẫn thời gian.