Chính sách xã hội phải tạo sự phát triển cho mọi người dân để không ai bị bỏ lại phía sau

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại buổi Tọa đàm về “Chính sách xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức với sự đồng chủ trì của các cơ quan Liên hợp quốc, Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đã diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội ngày 8/12.

Chính sách xã hội phải tạo sự phát triển cho mọi người dân để không ai bị bỏ lại phía sau - ảnh 1
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Tọa đàm do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì, với sự tham gia của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các Bộ, ban ngành, đại diện các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam và đại diện các tổ chức quốc tế/phi chính phủ tại Việt Nam. 

Đây là sự kiện quan trọng lần đầu tiên được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan Liên hợp quốc trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, tập trung thảo luận và chia sẻ định hướng chiến lược quản lý và phát triển xã hội đối với Việt Nam nhằm góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045. Tọa đàm là dịp để Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trao đổi về các ưu tiên hợp tác trong bối cảnh mới, tháo gỡ những khó khăn và thách thức trong quan hệ hợp tác hai bên.  

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ về định hướng của Việt Nam trong thời gian sắp tới với việc đặt con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Hệ thống chính sách xã hội năm 2030 hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau; tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; đáp ứng mục tiêu của nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Chính sách xã hội phải tạo sự phát triển cho mọi người dân để không ai bị bỏ lại phía sau - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Bộ trưởng đánh giá cao những chia sẻ, đóng góp của các đại biểu tại Tọa đàm giúp đánh giá một cách khách quan, khoa học, chính xác và toàn diện những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và thực hiện chinh sách xã hội giai đoạn 2012-2022 và trao đổi, thảo luận về một số định hướng lớn cho giai đoạn 2030- 2045. Bộ trưởng cảm ơn sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của cộng đồng quốc tế nói chung và của các cơ quan Liên hợp quốc nói riêng trong việc xây dựng và triển khai các chính sách xã hội của Việt Nam. 

Phát biểu tại tọa đàm, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, chúc mừng thành tựu đã đạt được của Việt Nam về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong 10 năm qua. Bà Pauline Tamesis cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào những vấn đề như bảo hiểm xã hội toàn dân, tăng cường bảo hiểm xã hội bắt buộc, các chính sách mang tính lồng ghép giới nhiều hơn để ứng phó với những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải.

Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, điều này cần phải được thể hiện ngay trong quá trình lập chính sách để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. "Chúng tôi sẽ luôn luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam để xây dựng và thực hiện bất kỳ chính sách xã hội nào mang tính bao trùm, để tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội được bao phủ. Đây là cơ hội để tăng cường hơn nữa hệ thống an sinh xã hội không chỉ nhằm đảm bảo công bằng xã hội, phát triển con người mà còn là phát triển đất nước", bà Pauline Tamesis nói.

Tại Tọa đàm, đại diện các tổ chức thuộc Liên hợp quốc đã đóng góp, đề xuất nhiều ý kiến liên quan tới các vấn đề trong nước, khuyến nghị và tác động của 04 trụ cột an sinh xã hội trong xây dựng chính sách xã hội, gồm: Việc làm, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; Bảo hiểm xã hội; Trợ giúp xã hội cho các đối tượng chính sách; Dịch vụ xã hội cơ bản.

Kết luận Tọa đàm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý các tác động lớn, bao trùm có thể làm thay đổi chính sách xã hội trong tương lai như: Chuyển đổi xanh; Chuyển đổi số; Phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục rủi ro theo hướng chủ động; Đầu tư trong xây dựng các chính sách xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội; Phân công, phân cấp, phân trách nhiệm thực hiện, phối hợp giữa các đơn vị.

Dự kiến, hệ thống chính sách xã hội năm 2030 sẽ hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau; tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; đáp ứng mục tiêu của nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Việt Nam có kế hoạch sẽ ban hành một văn kiện mới về chính sách xã hội cho giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Dự thảo văn kiện mới sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII thảo luận, thông qua tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XIII (nửa đầu năm 2023).

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.