Chuẩn bị bàn giao đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho TP. Hà Nội

Chia sẻ

Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội đã thống nhất từ ngày 31/3 giao Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt và Công ty Metro Hà Nội bắt đầu công tác kiểm đếm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài sản (dự kiến từ 3-4 tuần). Trên cơ sở báo cáo thực hiện, 2 đơn vị sẽ thống nhất thời điểm, ký bàn giao, đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vào vận hành, khai thác.

Thông tin được đưa ra tại buổi kiểm tra hiện trường đường sắt Cát Linh-Hà Đông sáng nay, 31/3.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến bàn giaoĐường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến bàn giao ngày 31/3.

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực để thực hiện những công việc còn lại của dự án. Bộ cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao của Chính phủ; sự ủng hộ, phối hợp rất tích cực của TP. Hà Nội và các bộ, ngành liên quan cùng các chủ thể thực hiện dự án (tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định…) để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn lại của dự án và đã đạt được những chuyển biến tích cực.

Đại diện đơn vị tiếp nhận, khai thác của TP. Hà Nội là Công ty Metro Hà Nội cũng đã hết sức nỗ lực với trách nhiệm cao trong việc ổn định, tổ chức nhân lực để vận hành toàn hệ thống từ tháng 1/2021 cho đến nay cơ bản bảo đảm yêu cầu.

Bộ GTVT đã báo cáo Hội đồng kiểm tra Nhà nước về kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. Thường trực Hội đồng kiểm tra Nhà nước sẽ có ý kiến cuối cùng trên cơ sở báo cáo của Bộ GTVT về kết quả đánh giá cuối cùng của tư vấn ACT (Pháp).

Đến thời điểm hiện tại, công việc còn lại của dự án là công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống.

Tư vấn ACT đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ phạm vi công việc (bao gồm công trình và thiết bị). Trong tháng 1/2021, tư vấn ACT đã phát hành chứng nhận kiểm tra kèm theo báo cáo về phần hệ thống thiết bị tư vấn nêu ra 16 khuyến nghị bao gồm: Nhóm liên quan đến hồ sơ tài liệu; nhóm liên quan đến thiết kế cần khắc phục hiện trường và có thể tiếp tục cải tiến, nâng cao mức độ an toàn trong tương lai; nhóm liên quan đến sự sẵn sàng vận hành của các nhân sự. Đây là những khuyến nghị mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành, khai thác.

Các khuyến nghị này đã được hoàn thành gồm: Cấp chứng nhận của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy; kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu của Tư vấn Ricado; Metro Hà Nội đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp, đã diễn tập ngoài hiện trường; bổ sung các biển chỉ dẫn cho người khuyết tật...

Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA đường sắt khẩn trương khắc phục các khuyến nghị, hoàn tất các thủ tục theo ý kiến của Tư vấn ACT thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và Tổng thầu Trung Quốc phải thực hiện.

Đồng thời, Bộ GTVT làm việc với TP. Hà Nội hoàn thiện các khuyến nghị thuộc trách nhiệm của đơn vị vận hành khai thác (Công ty Metro Hà Nội) như: Sự sẵn sàng vận hành (gồm mức độ thuần thục của nhân sự vận hành; bổ sung vào quy trình vận hành thao tác cho các nhân viên, tăng số lượng nhân viên; bổ sung diễn tập trong tình huống bất ngờ); biện pháp sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp; riêng đối với các nội dung đầu tư xây dựng các hạng mục nhằm nâng cao an toàn trong quá trình khai thác, đề nghị TP. Hà Nội thống nhất thực hiện đầu tư để tổng hợp gửi ACT, phục vụ cho công tác đánh giá cuối cùng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tại buổi kiểm tra hiện trường dự án. Ảnh: VGP/ Đoàn Bắc.Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông tại buổi kiểm tra hiện trường dự án. Ảnh: VGP/ Đoàn Bắc.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tuyến Cát Linh-Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên được cho phép triển khai thí điểm tại Việt Nam. Về đầu tư xây dựng và lắp đặt, dự án được triển khai theo đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao và hiện đang chờ cấp chứng chỉ cuối cùng và thanh toán theo hợp đồng cho tổng thầu lên tới 99%.

Lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận, dự án đường sắt đô thị Hà Nội có tính đặc thù cao, nền tảng kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới, các đơn vị tham gia thực hiện dự án còn thiếu kinh nghiệm, đồng thời khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý, tổ chức thực hiện loại hình Hợp đồng EPC chưa thực sự đầy đủ… dẫn đến dự án bị kéo dài, chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền và nhân dân Thủ đô về việc sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thành phố, giúp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội.

“Bộ GTVT cũng xác định đối với các dự án trong tương lai phải có lộ trình vừa chuẩn bị đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực”, Thứ trưởng nhận định.

Ông Vũ Hồng Phương, Quyền Giám đốc Ban QLDA đường sắt cho biết, dự kiến trong tháng 4/2021 sẽ hoàn thiện công tác kiểm đếm để thực hiện chuyển giao. Cùng với đó, các đơn vị cũng khắc phục các khuyến cáo của tư vấn đánh giá an toàn hệ thống, sau khi có chứng nhận cuối cùng về đánh giá an toàn hệ thống sẽ tiến hành thực hiện việc khai thác thương mại.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35k m/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Theo tính toán, đoàn tàu đi từ đầu ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa sẽ mất 23 phút với 12 nhà ga, thời gian chạy từ ga này đến ga kia là khoảng 1 phút với quãng dừng khoảng 30-45 giây.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

C. P

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Chuan-bi-ban-giao-duong-sat-Cat-LinhHa-Dong-cho-TP-Ha-Noi/427289.vgp

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 70 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.