Chuyển đổi số tạo những giá trị mới cho doanh nghiệp

Chia sẻ

Những tác động của dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số (CĐS) của các doanh nghiệp (DN) nhằm tối ưu hoá hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, duy trì và nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Hướng đi tất yếu

Lấy dẫn chứng từ các hãng xe công nghệ hiện đang phổ biến, ông Nguyễn Văn Biển - Giám đốc chuyển đổi số công ty CP Misa cho biết: Khởi đầu từ nền tảng đặt xe trực tuyến giúp người dân nhanh chóng kết nối với lái xe, đến nay các nền tảng công nghệ này đã được tích hợp nhiều tính năng khác nhau cho phép người tiêu dùng có thể đặt thêm đồ ăn nhanh, mua thực phẩm, vận chuyển bưu kiện, thanh toán tiền, đặt phòng khách sạn… trên thiết bị điện tử thông minh. Những giá trị mới được tạo dựng thêm từ app công nghệ giúp DN mở rộng lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Đó chính là mong muốn cuối cùng của quá trình CĐS.

Từ minh chứng trên, ông Nguyễn Văn Biển thông tin thêm: CĐS trong DN hiện nay có 3 cấp độ: số hoá (dùng máy tính/điện thoại để số hoá hoạt động hàng ngày), số hoá quy trình thông qua việc ứng dụng phần mềm, nền tảng số để tự động hoá quy trình làm việc của DN, ứng dụng công nghệ tạo ra giá trị mới cho DN như cách mà nhiều đơn vị vận tải, du lịch… đang triển khai để mở rộng lĩnh vực kinh doanh đem lại doanh thu và thu nhập nhiều hơn cho DN.

Trên địa bàn TP có 26,7% phụ nữ làm chủ doanh nghiệp; 78% là chủ hộ kinh doanh, giám đốc hợp tác xã, các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, theo bà Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, những năm qua, xác định việc nâng cao kiến thức, kỹ năng về CĐS cho nữ chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh là yếu tố quan trọng hỗ trợ chị em thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả, Hội LHPN Hà Nội đã đưa nội dung hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng của đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”.

Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, từng bước hỗ trợ chị em chuyển đổi nhận thức và tự tin tham gia lộ trình chuyển đổi số; tiếp cận và thực hiện quy trình số hoá dữ liệu doanh nghiệp, ứng dụng các phần mềm quản lý doanh nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh.

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh giúp DN đẩy nhanh chuyển đổi số, gia tăng giá trị mớiỨng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh giúp DN đẩy nhanh chuyển đổi số, gia tăng giá trị mới.

Nhiều chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi số

Mặc dù nhiều DN đã chủ động ứng dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng xu hướng này chưa diễn ra mạnh mẽ, việc tiếp cận, thực hiện CĐS của nữ doanh nhân còn gặp nhiều khó khăn. Theo Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội Nguyễn Hữu Lương, rất cần chính sách hỗ trợ về thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong các DN và có các giải pháp hỗ trợ để DN tiếp cận nhiều hơn với các chuyên gia, công cụ CĐS.

Ông Nguyễn Hữu Lương chia sẻ thêm: TP Hà Nội ban hành Chương trình CĐS của TP, trong đó một trụ cột về phát triển kinh tế số có mục tiêu và yêu cầu liên quan đến việc thúc đẩy doanh nghiệp CĐS với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về đào tạo, phát triển mạng lưới chuyên gia. Cụ thể, hàng năm Trung tâm hỗ trợ DN Hà Nội tổ chức lớp đào tạo kiến thức, kỹ năng CĐS cho các DN nhỏ và vừa; các chuyên gia, giảng viên giàu kinh nghiệm về CĐS thông tin, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất, nhận diện và giải pháp CĐS cho DN và TP hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo.

Ngoài ra, theo Nghị định mới của Chính phủ thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp đồng của DN với chuyên gia tư vấn được ngân sách hỗ trợ kinh phí từ 50 triệu - 100 triệu/hợp đồng (trước đây chỉ từ 3 hoặc 5 triệu/hợp đồng). Triển khai chính sách này, TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu đề án xây dựng và phát triển mạng lưới chuyên gia tư vấn về CĐS cho DN nhỏ và vừa. Hiện nay, Trung tâm đang kết nối gửi hồ sơ của các chuyên gia lên Bộ để được công nhận là tư vấn viên trong mạng lưới, mặt khác thông tin cho các DN biết đến chính sách hỗ trợ thiết thực này để kết nối tư vấn.

Cùng với đó, để thúc đẩy nhanh CĐS trong các DN, Sở Kế hoạch Đầu tư đang tham mưu TP xây dựng Kế hoạch hỗ trợ DN thực hiện CĐS giai đoạn 2021-2025, trong đó bổ sung các giải pháp như hỗ trợ xây dựng công cụ, nền tảng phục vụ CĐS; hỗ trợ nhóm DN cung cấp nền tảng, giải pháp để có nhiều sản phẩm tốt, chi phí hợp lý; hỗ trợ hoạt động kết nối tìm kiếm giải pháp CĐS…

VIỆT BÁCH

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 70 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.