Có thể tốn 12,4 - 18,6 triệu USD mỗi ngày để xử lý ô nhiễm nước vào năm 2030

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thảo luận tại tổ vào chiều 5/6 về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4 - 18,6 triệu đô la mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời.

Theo đại biểu Yên, tài nguyên nước của Việt Nam về cả số lượng và chất lượng đều đang đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn. Đó là các vấn đề cạn kiệt nguồn nước trên các dòng sông chính, xâm nhập mặn, các hiện tượng cực đoan của thời tiết do biến đổi khí hậu, việc xây dựng nhiều công trình thủy điện, thủy lợi trên các dòng sông, phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu logistics, cảng… ở các cửa sông, cửa biển. 

“Do đó, tôi thấy cần quy định trong dự án Luật là Nhà nước có các chương trình xây dựng hồ, đập lớn để dự trữ nước (phối hợp với Luật Thủy lợi) ở các vùng miền phù hợp với tình trạng khan hiếm nguồn nước và đặc điểm địa hình, khí hậu, nhất là ở 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ)” – đại biểu Yên nêu ý kiến.

Có thể tốn 12,4 - 18,6 triệu USD mỗi ngày để xử lý ô nhiễm nước vào năm 2030 - ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên. Ảnh: Như Ý

Liên quan vấn đề ô nhiễm nguồn nước, đại biểu Tạ Thị Yên cho biết: Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, nếu không có hành động can thiệp để ngăn chặn các mối đe dọa này, nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm từ năm 2035 so với kịch bản không có các mối đe dọa. 

Mối đe dọa chính là tác động của nguồn nước ô nhiễm lên sức khỏe con người, có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035. Tác động nhỏ hơn khoảng 0,8% tới năng suất lúa là do ảnh hưởng của chất lượng nước kém. Mô hình này chưa tính đến hậu quả kinh tế do các hình thức ô nhiễm nước khác, bao gồm cả xâm nhập mặn của nguồn nước mặt và nước dưới đất. 

Mức độ ô nhiễm cao còn hạn chế sự phát triển bền vững và tương lai của các ngành công nghiệp, nông nghiệp. Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4 - 18,6 triệu đô la mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời. Do đó, đại biểu cho rằng việc quy định đồng bộ với một số luật chuyên ngành về quy hoạch, bảo vệ môi trường, đầu tư… là rất quan trọng để đảm bảo nguồn nước khai thác, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. 

Đối với 2 siêu đô thị là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đại biểu đề xuất thiết kế quy định riêng về tài nguyên nước. Lý giải đề xuất này, đại biểu Yên phân tích: Hầu hết các con sông, kênh rạch đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là ở các vùng, khu vực tập trung đông dân cư và các khu, cụm công nghiệp, nhiều con sông, kênh rạch nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối; gây áp lực đến chất lượng tài nguyên nước từ phát triển kinh tế - xã hội, tăng dân số cơ học, gia tăng nguồn thải là rất lớn. 

Mặc dù đã có nhiều công trình, dự án được nghiên cứu, đề xuất để giải quyết vấn đề nhức nhối này, nhưng đến nay đều chậm được thực hiện, gây bức xúc lớn trong nhân dân, ảnh hưởng đến môi trường sống, đầu tư, phát triển kinh doanh, du lịch… ở các siêu đô thị này. 
“Tôi không biết là chúng ta có nên đề xuất để có thể thiết kế một nội dung, hoặc một chương, hay điều, khoản nào đó để quy định về vấn đề tài nguyên nước ở các đô thị này không, nhất là hiện nay chúng ta đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh trong giai đoạn Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước” – đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.

Về tài chính nguồn nước, đại biểu đề nghị rà soát kỹ lại các quy định có liên quan đến các khoản thuế, phí, lệ phí hiện hành để nhằm vừa có nguồn thu, vừa tạo nguồn lực để thực hiện hoạt động quản trị tài nguyên nước từ ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho việc huy động nguồn thu dịch vụ, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân...  


Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".