Công nhân mong được tăng lương

Bài và ảnh: Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2026 đang được người lao động đón nhận hồ hởi. Trong bối cảnh tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, dẫn đến người lao động phải “thắt lưng buộc bụng” để đảm bảo cuộc sống thì đề xuất này được đánh giá là cần thiết, nhân văn nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động và gia đình họ.

Tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vào sáng ngày 26/6, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã đề xuất thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bắt đầu từ ngày 1/1/2026, với hai phương án tăng lương (từ 8,3% đến 9,2%) nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động.

Công nhân mong được tăng lương - ảnh 1
Anh Lê Chí Nhớ, Tổ trưởng Phòng Quản lý cơ sở dữ liệu, Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong (người đeo kính) cho rằng chính sách tiền lương đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao đời sống của người lao động thu nhập thấp.

Tiền lương ảnh hưởng tới quyết định lập gia đình của 72,6% người lao động

Theo ông Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), đề xuất trên được đưa ra trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, các mục tiêu phát triển đất nước cũng như các báo cáo tại diễn đàn Quốc hội và kết quả điều tra, khảo sát thường xuyên của Tổng Liên đoàn.

Theo đó, gần 3.000 người lao động được khảo sát vào tháng 3-4/2025 tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy: Có 54,9% số người lao động cho biết tiền lương, thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; 26,3% phải tằn tiện, chi tiêu kham khổ; 7,9% không đủ sống, phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống; 12,5% người lao động hàng tháng phải vay mượn tiền để ổn định cuộc sống; 29,9% người lao động thỉnh thoảng (3-4 tháng/lần) phải vay mượn tiền.

Chỉ có 55,5% người lao động có đủ điều kiện ăn thịt, cá trong tất cả các bữa ăn chính (không kể bữa ăn ca tại doanh nghiệp). Như vậy, còn một bộ phận không nhỏ chưa có mức dinh dưỡng ổn định và đầy đủ, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, hiệu quả và năng suất lao động, đồng thời làm giảm chất lượng cuộc sống của họ và gia đình.

Cũng theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, có tới 72,6% tổng số người chưa lập gia đình cho biết tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của họ. Nhiều người lao động cảm thấy mức thu nhập hiện tại không đủ để đảm bảo cuộc sống ổn định khi bắt đầu lập gia đình, mua nhà, tiết kiệm cho tương lai; có 72,5% người lao động đã lập gia đình cho biết, tiền lương, thu nhập hiện tại ảnh hưởng đến quyết định sinh thêm con của họ. Mức thu nhập chỉ đủ sống khiến các cặp vợ chồng lo lắng về khả năng tài chính để nuôi dạy con cái. Hơn 53,3% người lao động cho biết tiền lương chỉ đáp ứng một phần (trên 50%) nhu cầu chi cho giáo dục con. 

Về chi phí khám chữa bệnh, có 44,1% người lao động cho biết thu nhập của họ chỉ đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh ở mức cơ bản; 38,0% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản; 5,6% hoàn toàn không đủ mua thuốc và khám chữa bệnh. Đại đa số người lao động không có khả năng tài chính để chủ động chăm sóc sức khỏe toàn diện, đặc biệt khi gặp các vấn đề y tế nghiêm trọng hoặc cần điều trị dài hạn.

Trước đó, vào sáng 18/6, thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại Quốc hội, đại biểu Thái Thu Xương - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị xem xét, điều chỉnh, tăng lương tối thiểu vùng. Theo đại biểu Thái Thu Xương, thực tế cho thấy, giá điện đã tăng 4 lần kể từ năm 2023 và giá lương thực, thực phẩm, giá nhà trọ, học phí, chi phí y tế - những khoản thiết yếu với người lao động, theo đó cũng tăng mạnh. Song, trong khoảng thời gian này, lương tối thiểu vùng chỉ tăng một lần duy nhất với mức tăng 6%. Vì vậy, việc điều chỉnh lương tối thiểu là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động; 

Tăng lương: Hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động
Từ góc độ người lao động, anh Lê Chí Nhớ, Tổ trưởng Phòng Quản lý cơ sở dữ liệu, Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong bày tỏ: Chính sách tiền lương đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao đời sống của người lao động thu nhập thấp. Một chính sách hợp lý, linh hoạt và bám sát thực tế sẽ giúp đảm bảo an sinh, thúc đẩy năng suất và giảm tình trạng người lao động nhẩy việc. Chính vì vậy, điều chỉnh lương trong thời điểm này là phù hợp và cần thiết. Còn mức điều chỉnh lương thì phải hài hòa giữa người lao động và doanh nghiệp. Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay thì phía doanh nghiệp luôn yêu cầu người lao động phải cải tiến, nâng cao năng suất và giảm thiểu sai sót. Cũng từ những yêu cầu khắt khe đó thì mức tăng tiền lương là phù hợp với xu thế hiện nay. Lý do thứ nhất, người lao động sẽ cần nâng cao năng suất lao động để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Thứ hai, người lao động luôn phải tốn một phần chi phí tự đầu tư kiến thức công nghệ số đảm bảo công việc. Thứ ba, người lao động chịu ảnh hưởng từ các mức sống tăng lên của xã hội hiện nay và tương lai. Cuối cùng, tăng lương cho người lao động là nâng cao mức sống cho xã hội và là cách doanh nghiệp giữ chân người lao động tốt nhất.

Thực tế có tình trạng doanh nghiệp chỉ điều chỉnh lương cho một bộ phận người lao động có mức lương thấp, chỉ để đóng bảo hiểm nên tiền lương thực tế của người lao động không tăng. Trước đề xuất tăng lương, nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn việc điều chỉnh này sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp khiến chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm. Song, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, việc tăng lương không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn là động lực giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh, là tiền đề gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.

Chị Đinh Thị Ngọc, công nhân KCN Bắc Thăng Long cho biết hai vợ chồng chị đã làm việc tại KCN được 17 năm. Hiện vợ chồng chị đều đã được nhận mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định, với tổng thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, vợ chồng chị vẫn phải co kéo mới đủ sống vì còn phải chi tiêu tiền thuê trọ, nuôi con, chữa bệnh... Vì vậy, chị rất mong ngay cả với các công ty đang trả lương cao hơn mức quy định tối thiểu cũng vẫn xem xét tăng lương cho người lao động để bù đắp trượt giá, đảm bảo mức sống tối thiểu. Khi người lao động bớt đi lo toan mưu sinh, thì sẽ có năng suất làm việc tốt hơn. Đổi lại, doanh nghiệp nào dành nguồn tài chính để cải thiện thu nhập của người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ các chính sách ưu tiên như miễn giảm thuế để san sẻ bớt gánh nặng cho doanh nghiệp...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp thêm trách nhiệm, người lao động thêm động lực

Doanh nghiệp thêm trách nhiệm, người lao động thêm động lực

(PNTĐ) - Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa quyết định bỏ phiếu, đi tới thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 7,2% từ ngày 1/1/2026 để trình Chính phủ thông qua. Mức tăng này được cả doanh nghiệp và người lao động đánh giá là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.