Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhận hơn 1 triệu USD từ Xuyên Việt Oil

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 27/8, Cơ quan điều tra Bộ Công an (CQĐT) ra kết luận, đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án Xuyên Việt Oil về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Đưa – Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Trong các bị can có Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Xuyên Việt Oil; Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương...

Theo kết luận, quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Xuyên Việt Oil, bị can Hạnh có vi phạm trong việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) và nhiệm vụ thu hộ, chuyển nộp tiền Thuế bảo vệ môi trường vào Ngân sách nhà nước, gây thiệt hại tổng cộng 1.463 tỷ đồng.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhận hơn 1 triệu USD từ Xuyên Việt Oil - ảnh 1
Cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ

Đầu tiên, Hạnh chỉ đạo nhân viên chuyển tiền Quỹ BOG vào tài khoản cá nhân thay vì trích quỹ BOG theo quy định. Số tiền này được bị can dùng mua bất động sản, cho bạn bè vay; chi tiêu cá nhân; chi hối lộ cho một số cá nhân tại Bộ Công thương, Bộ Tài Chính, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh…

Để đối phó với hoạt động thanh, kiểm tra, Mai Thị Hồng Hạnh đã chỉ đạo nhân viên kế toán lập 81 Báo cáo tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG nhưng thực tế số dư trong tài khoản không đúng với số liệu. Hành vi này gây thiệt hại hơn 219 tỷ đồng.

Sai phạm thứ hai của bà Hạnh xảy ra trong việc Xuyên Việt Oil thu hộ, quản lý, chuyển nộp tiền Thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách. Cụ thể, Mai Thị Hồng Hạnh cố ý sử dụng tiền thuế đã thu hộ cho Nhà nước để dùng vào mục đích cá nhân. Việc này gây thất thoát hơn 1.244 tỷ đồng.

Trong vụ án, bị can Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bị đề nghị truy tố về 2 tội danh, gồm "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Với hành vi nhận hối lộ, CQĐT xác định năm 2018, Mai Thị Hồng Hạnh quen biết Lê Đức Thọ do Xuyên Việt Oil có quan hệ tín dụng với ngân hàng nơi ông Thọ làm Chủ tịch HĐQT.

Để được ông Thọ giúp cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Xuyên Việt Oil, Mai Thị Hồng Hạnh đã 2 lần đưa hối lộ cho vị này. Lần đầu vào tháng 1/2019, Mai Thị Hồng Hạnh đến gặp bị can Thọ xin cấp giới hạn tín dụng 7.000 tỷ đồng. Lê Đức Thọ đồng ý và sau đó, bị can Hạnh đưa cho Lê Đức Thọ 100.000 USD.

Lần 2 đưa hối lộ xảy ra năm 2020, khi Xuyên Việt Oil muốn “nối lại quan hệ tín dụng” với ngân hàng thuộc quản lý của ông Thọ. Mai Thị Hồng Hạnh đã đưa cho Lê Đức Thọ 500.000 USD và đổi lại, Chủ tịch ngân hàng phê duyệt kéo dài giới hạn tín dụng 3.000 tỷ đồng cho Xuyên Việt Oil.

Với hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, CQĐT xác định năm 2021, bị can Thọ được điều động, phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Để nâng cao uy tín bản thân, vị này đề nghị Mai Thị Hồng Hạnh thành lập chi nhánh hoặc công ty con của Xuyên Việt Oil tại Bến Tre để nộp thuế nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh và doanh nghiệp này sẽ được tạo điều kiện về thực hiện các dự án bất động sản, cảng biển, du lịch tại địa phương.

Theo đề nghị trên, bị can Hạnh thành lập Công ty Cổ phần Việt Oil tại Bến Tre và xin vay vốn tại ngân hàng thuộc quản lý của ông Thọ tại tỉnh Bến Tre. Bí thư Thọ nhiều lần gặp, gọi điện thoại cho Nguyễn Thanh Trường - Giám đốc chi nhánh ngân hàng, yêu cầu hỗ trợ Mai Thị Hồng Hạnh.

Khi biết thông tin Chi nhánh ngân hàng tại Bến Tre dự kiến thu phí 100 triệu đồng với tài khoản số đẹp cấp cho Công ty Việt Oil, Lê Đức Thọ yêu cầu Nguyễn Thanh Trường miễn khoản này.

Quá trình xin vay vốn, ngân hàng phê duyệt cấp giới hạn tín dụng 400 tỷ đồng cho Công ty Việt Oil với tỷ lệ tài sản đảm bảo 50%, tín chấp 50%, nhưng không được phê duyệt vì Công ty Xuyên Việt Oil (Công ty mẹ của Công ty Việt Oil) đang được cấp tín dụng với tỷ lệ tài sản đảm bảo là 80%, tín chấp là 20%. Chi nhánh ngân hàng đã thông báo cho Mai Thị Hồng Hạnh nhưng Hạnh yêu cầu tỷ lệ tín chấp từ 40% trở lên thì Hạnh mới đồng ý vay vốn.

Nguyễn Thanh Trường đã gặp, báo cáo Lê Đức Thọ và được Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu khẩn trương thẩm định, lập hồ sơ trình Hội sở ngân hàng phê duyệt giới hạn tín dụng theo đề nghị của Mai Thị Hồng Hạnh. Sau đó, ngân hàng ở Chi nhánh Bến Tre đã 20 lần giải ngân vốn vay cho Công ty Việt Oil, với tổng số tiền 892 tỷ đồng.

Quá trình này, nhóm ông Lê Đức Thọ 3 lần được Mai Thị Hồng Hạnh tặng quà, gồm 1 bộ gậy Golf trị giá 1,1 tỷ đồng và 1 đồng hồ Patek Philippe Plus, giá 421.000 USD. Lần 2 tại Nhà khách Tỉnh ủy Bến Tre, Hạnh đưa cho Lê Đức Thọ số tiền 200.000 USD; lần 3 vào tháng 5/2022, Hạnh mua tặng Lê Đức Thọ xe ô tô hiệu Mercedes Ben - S450 Luxury, trị giá 6,7 tỷ đồng.

Về tổng số tiền 1.070.000 USD đã nhận của Mai Thị Hồng Hạnh (gồm cả nhận hối lộ và quà tặng) bị can Lê Đức Thọ khai đã gửi 440.000 USD tại nhà người thân, nên nộp lại cho cơ quan Công an; số còn lại vị này đã chi tiêu hết...

Tin cùng chuyên mục

Vụ bác sĩ sát hại người tình rồi phân xác ở Đồng Nai: Đề nghị truy tố 3 tội danh

Vụ bác sĩ sát hại người tình rồi phân xác ở Đồng Nai: Đề nghị truy tố 3 tội danh

(PNTĐ) - Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai vừa ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố bác sĩ Danh Sơn (36 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) về 3 tội danh: Giết người, Cướp tài sản và Tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng.
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng

Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng

(PNTĐ) - BHXH TP.Hà Nội đã khẩn trương, tập trung phối hợp với cơ sở KCB tạo mọi điều kiện, đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật… để hỗ trợ, chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị thương trong vụ hỏa hoạn tại quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) vào tối 18/12/2024.
Khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo

Khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo

(PNTĐ) - Việc đầu tư vào các website, ứng dụng, sàn giao dịch tiền ảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ do tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Do đó, để phòng tránh lừa đảo, người dân cần cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo, đặc biệt là các sàn quảng cáo, hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn.