Dám bước qua ngạch cửa

H. NHUNG (ghi)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mơ ước của cô gái bản lúc đó là được học cao học rộng, được đi đây đi đó để khác với những người ở trong làng hay là các chị em khác trên vùng núi. Việc lỡ làng khiến ước mơ của cô đành dang dở.

B. là một người con của núi cao. Cô lớn lên mang sẵn nỗi cam chịu ngàn đời của những người phụ nữ dân tộc Mông về nạn bạo hành trong gia đình. Cứ là phụ nữ thì phải chịu thiệt thôi dù có bị chồng đánh hay nhà chồng vùi dập đến thế nào thì họ cũng không dám lên tiếng, không dám ly hôn. “Con gái đã đi lấy chồng, nếu ly hôn thì cũng chỉ được để quan tài ở ngoài sân chứ không được vào nhà”. Thiên nhiên hoang vu khiến họ có cảm giác cần hơn một người đàn ông trong nhà để làm trụ cột. Mọi sự chịu đựng cũng bắt nguồn từ tâm lý rất phụ nữ đó. Ly hôn là từ khóa tránh né nhất đối với những người phụ nữ quê hương cô. Nếu không chịu đựng được sự cơ cực, người phụ nữ chọn cách tự tử hoặc là bỏ chồng bỏ con sang Trung Quốc.

Người phụ nữ đầu tiên của bản dám ly hôn

Nhưng B. thì hơi khác với những người phụ nữ quê hương cô. Cô luôn nghĩ nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh đó thì cô sẽ bỏ đi hoặc là làm thế nào đó để không bị chồng đánh. Thậm chí cô còn có những ý nghĩ “phá phách” kiểu như cố tìm cách để mình có thể tự lập được, mình không cần đến đàn ông… Cũng có thể chút mầm phản kháng đó khiến cô trở thành “già làng” ở bản, nơi mà con gái cứ 13,14 là lấy chồng. B. thì học hết cấp 3 mới “làm vợ người ta” mà cũng là vì “bác sĩ bảo cưới” chứ thâm tâm cô thì hoàn toàn chưa muốn, bởi khi ấy cô đang học cử tuyển làm cán bộ xã. Mơ ước của cô gái bản lúc đó là được học cao học rộng, được đi đây đi đó để khác với những người ở trong làng hay là các chị em khác trên vùng núi. Việc lỡ làng khiến ước mơ của cô đành dang dở. Lấy chồng rồi cô cũng không được đi học tiếp nữa. Tuy nhiên, đường học của B. cũng chưa đứt đoạn hoàn toàn. Sau 4 năm, cô lại biết đến trường KOTO nên lại đi học tiếp. Lần này cô học làm bếp.

Ở thời điểm đó, vợ chồng cô đã ly thân. Cô kể: “Cuộc hôn nhân không còn là tình yêu mặn nồng mà thay vào đó là gánh nặng cơm áo gạo tiền. Từ chỗ dựa tinh thần, tôi trở nên buồn bã, lo âu và mất niềm tin vào người mình yêu. Người mà mình cố gắng lao động vất vả, đặt niềm tin đã thay lòng đổi dạ, thậm chí có những từ ngữ bạo lực tinh thần với mình. Nuôi hai con, gánh vác nhiều việc tôi cảm thấy rất mệt mỏi. Đôi khi tôi thấy mình bất lực. Tôi chỉ biết khóc thôi.”. Nhiều người khuyên cô ly hôn, nhưng cô không thể, vì lúc đó cô sợ đủ thứ: sợ không được nuôi hai con, sợ mất cơ hội học tập để sau này kiếm việc làm tốt, sợ ánh mắt ghẻ lạnh của hàng xóm, sợ hủ tục của người Mông…

Dám bước qua ngạch cửa - ảnh 1
Dân tộc cô khi ăn hỏi thì nhà trai phải đặt tiền cho nhà gái. Chỉ 3 triệu thôi nhưng nó là vạch ranh giới của tự do (ảnh minh họa)

B. mang theo đứa con nhỏ đến trường KOTO. Quy định của trường không nhận học viên có con nhỏ như thế, B đành kể thật hoàn cảnh của cô, rằng cô sợ nếu về lại nhà thì sẽ bị đánh, sợ nhà chồng không cho cô đi đâu nữa. Đó cũng chính là khởi duyên của cô với Ngôi nhà Bình yên. KOTO giới thiệu cô với nơi đây và từ đó bé nhà cô được đi học và B. cũng yên tâm đi học.

B. vẫn ám ảnh quãng thời gian cô tưởng như không thể ly hôn, đồng nghĩa với việc chuỗi ngày bạo hành như một lưỡi gươm lúc nào cũng giơ trên đầu. Dân tộc cô khi ăn hỏi thì nhà trai phải đặt tiền cho nhà gái. Chỉ 3 triệu thôi nhưng nó là vạch ranh giới của tự do. Với B., sự khó khăn còn là vì chồng cô là cán bộ. Bỏ “cán bộ” khó hơn bỏ một người chồng là dân thường rất nhiều. Điều này thì những ai ở trong hoàn cảnh của B. và cả những người có chút hiểu biết luật tục đều dễ dàng chia sẻ với cô.

B. nhớ lại: Khi đó thì em còn chả có nổi 100 ngàn.

Ngày nào người chồng công an của B. cũng gọi giục. Chồng biết B. đang ở Ngôi nhà Bình yên, nghĩa là một hành động chạy trốn, là cô đã quyết tâm thay đổi cuộc đời nên càng hăm dọa. B. rối ruột lắm, không biết phải làm thế nào. Rồi cô chợt nhận ra, có thể nhờ các chị ở Ngôi nhà Bình yên trợ giúp mình. Và thế là cô được hướng dẫn làm đơn đề nghị giải quyết gửi về địa phương. Nhờ có công văn của Ngôi nhà Bình yên kèm đơn đề nghị giải quyết ly hôn mà B. đã vượt qua được những rắc rối của thủ tục hành chính để được toại nguyện.

B. kể: Em xin nghỉ học 1, 2 hôm để về nhà làm thủ tục ly hôn. Khi ấy em cũng không cần lo số tiền 3 triệu kia nữa vì mọi việc thì Ngôi nhà Bình yên đã hỗ trợ em cả rồi. Chồng em còn mời mẹ con đi ăn mừng, kiểu như đã giải thoát cho nhau.

Ánh sáng của sự hiểu biết

Một người phụ nữ miền núi ly hôn chồng, điều đó nằm ngoài sự chịu đựng của chính gia đình cô ấy. B. không là ngoại lệ. Cô không dám kể với bố mẹ về câu chuyện của mình, không dám gặp bố mẹ vì sợ bị hỏi chuyện. Thậm chí, một người chú ruột của B. đang nuôi hộ cô một đứa con còn bảo: “Những người có con cái mà vẫn ly hôn thì cơm đang nuôi mấy đứa nhỏ ăn thà cho chó ăn còn hơn”.

Dám bước qua ngạch cửa - ảnh 2
Ảnh minh họa

“Người quê em, thà chết đi còn được tha thứ hơn là hành động ly hôn”, B. buồn bã nói.

B. còn phải đối mặt với tình trạng khinh thường của những người đàn ông trong làng. Họ tự cho mình cái quyền chặn đường cô để giở trò sàm sỡ, khi cô về thăm con. Trong mắt người ở bản làng, B. không có tư cách được tôn trọng như một con người.

Nhiều khi B. không dám nghĩ lại quãng thời gian tăm tối đó. Nếu như cô không được biết đến Ngôi nhà Bình yên, không biết đến Trung tâm dạy nghề nhân đạo KOTO (gọi tắt là KOTO) thì không biết cô thì số phận cô sẽ ra sao?

“Chắc em quay về và chịu đựng tiếp thôi. Vì chẳng có chỗ nào mà đi. Hoặc nếu mà dám bỏ con như là nhiều chị em khác thì chắc cũng chỉ có một con đường là sang Trung Quốc thôi vì chỗ em cũng gần Trung Quốc ấy”, B. nói.

Thời điểm B. ly hôn, xã cô cũng có 3-4 người cũng “vùng lên” như vậy. Nhưng đa số đều tái hôn. Có người ly hôn chưa được một tháng đã tái hôn rồi. Cuộc sống vùng cao khiến sức người phụ nữ không chịu đựng được. Những công việc nặng luôn cần có đàn ông làm chỗ dựa. Và thêm nữa, khi ly hôn về ngoại thì cũng khó mà sống nổi với sự chì chiết của chính bố mẹ đẻ và những người thân.

B. may mắn hơn một số người phụ nữ đã ly hôn có cùng hoàn cảnh xuất thân như cô có lẽ bởi vì trong cô mong muốn đổi đời rất lớn, đến mức khát khao mãnh liệt. Và trong cô cũng tiềm tàng nghị lực, sẵn sàng bứt thoát khỏi định kiến để đi về phía ánh sáng. Đó là ánh sáng của sự hiểu biết. Những trải nghiệm khiến cô nhận ra, sự hiểu biết xã hội là vô cùng cần thiết. Nếu mà mình không hiểu biết thì ai dọa gì cũng sợ, một dạng bị thao túng tâm lý. Chính B. cũng từng trải qua những tháng ngày sợ đủ thứ, suốt ngày chỉ biết khóc. B. ở KOTO chỉ vài ngày, xong là vào Ngôi nhà Bình yên luôn. Trong những nỗi sợ hãi của B khi đó, cô sợ nhất là không được nhận ở lại, không được đi học và rồi chỉ còn một cách quay lại “cái máng lợn cũ”. Khả năng chia sẻ câu chuyện của mình cũng là một điều cực khó khăn với một cô gái xuất thân từ bản làng. Nhưng B. đã vượt lên một cách thật ngoạn mục. Sự ấm áp trong tình cảm giữa người với người ở Ngôi nhà Bình yên mang lại cho cô cảm giác an toàn, cô đã đủ dũng cảm và bình tâm để kể ra câu chuyện của mình. Thậm chí cô còn tham gia một cuộc thi viết và lọt vào chung khảo giữa hàng ngàn người tham dự.

Một nhân viên của Ngôi nhà Bình yên kể: Bài của nhân viên bọn em còn không được hay bằng bài viết của cô ấy.

Có lẽ, bài của B. đi vào lòng người vì cô kể câu chuyện thật của đời mình. Những câu chuyện đi từ cuộc sống bao giờ cũng lay động lòng người.

Vượt qua định kiến

B. từng nhiều lần nói đến ước mơ mở một homestay. Cô mơ ước có thể giúp đỡ được những phụ nữ cùng cảnh ngộ như mình có một nơi mưu sinh. Hiện tại, chưa đủ điều kiện để biến ước mơ thành hiện thực, B. tạm bằng lòng với một tiệm bán bánh và trà sữa nho nhỏ.

“Chắc là em sẽ cố gắng có cuộc sống tốt hơn để mọi người nhìn vào em mọi người tự phấn đấu thôi. Còn nếu mà để em đi giúp đỡ từng người chắc chắn là em không giúp được bởi vì đông quá, không phải là một, hai người đâu”, B. chia sẻ chân thành.

B. có lý khi hiểu rằng chính từ cuộc sống của mình ở thì hiện tại sẽ là sự chứng minh tốt nhất để mọi người có lòng tin vào mình và về sự đổi đời của chính họ. Điều đó cũng giống như hiện tại B. cũng khiến cho họ hàng bên nhà ngoại tự hào, bạn bè mừng vui.
 
Bây giờ thậm chí những ông chú ngày trước khăng khăng nói cô là “đồ bỏ đi” khi ly hôn thì giờ đã nhận ra rằng nếu vợ chồng mâu thuẫn quá thì “Sống được thì sống, không sống được thì ly hôn như B. khéo lại tốt hơn, sau này gặp nhau còn muốn nhìn mặt nhau chứ cứ sống như thế thì có khi còn khổ hơn cả chết”. 

B. nói rằng cô rất biết ơn người chồng thứ hai của mình, người đã có một quan niệm cởi mở về hôn nhân gia đình, sẵn sàng giang tay yêu thương che chở cô - một người đã trải qua nhiều đau khổ và còn có con riêng. Hai người quen nhau qua mạng xã hội facebook, khi ấy chồng tương lai còn ở nước ngoài. Nhà chồng không ủng hộ con trai lấy người vợ có hoàn cảnh “phức tạp” như B., họ còn lo rằng người đã bỏ chồng một lần rồi sẽ thành… quen. Nhưng cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng B. đã khiến bố mẹ anh dần dần nghĩ lại và chấp nhận cô như một người con dâu bình thường.

“Sông có khúc, người có lúc”. Câu này hình như vận đúng vào số phận của B.. Cô chính là người biết được cái “lúc” của mình. Nhờ những trải nghiệm từ khó khăn, quyết tâm vượt qua định kiến xã hội, trở thành một cô gái có học thức và có việc làm tử tế, bài dự thi của cô truyền cảm hứng cho rất nhiều cô gái khác, khi cô viết: “Trong cuộc sống không phải ai cũng may mắn và gặp được nhiều điều suôn sẻ, sẽ có những lúc bạn cảm thấy thật khó khăn, cô đơn thậm chí là đớn đau. Tuy nhiên, dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì tôi tin rằng nếu chúng ta cố gắng, nỗ lực, sống hết mình thì kết quả chúng ta nhận được sẽ hơn những gì chúng ta mong đợi: “Hãy hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ khuất sau bạn”.  

(Trích một bài viết trong cuốn sách "Đi về phía bình yên - Câu chuyện của chị em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người" về 1 trường hợp đã được nhận hỗ trợ từ Ngôi nhà Bình yên)

Ngày 15/5/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội đã cấp Giấy phép hoạt động Số 02/GP-SLĐTBXH cho Trung tâm Trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển. Ngày 19/5/2023, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH - Bộ Công an đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu cho NNBY.
Trung tâm là đơn vị đầu tiên được cấp phép theo loại hình Trung tâm Trợ giúp xã hội. Sau 16 năm thí điểm, hoạt động hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người đã được chính thức hóa.
Việc chuyển mình từ một mô hình tạm lánh thành một trung tâm trợ giúp xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi, và cơ sở pháp lý giúp Ngôi nhà Bình yên tăng cường kết nối, phối hợp trong việc chuyển tuyến, kết nối với các bộ ngành chức năng, đơn vị cung cấp dịch vụ như công an, y tế, tư pháp, luật sư, tâm lý, trợ giúp xã hội, đào tạo nghề và các tổ chức và chuyên gia liên quan khác. 
Nếu bạn thấy phụ nữ, trẻ em xung quanh mình hoặc chính bản thân bạn có những dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại và mua bán, hãy liên hệ Trung tâm trợ giúp xã hội - Ngôi nhà Bình yên:  Tổng đài hỗ trợ 24/7 của Ngôi nhà Bình yên: 1900 96 96 80
Địa chỉ: Tầng 4, Nhà B, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, 20 Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Website: www.cwd.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/CWD.VN hoặc https://www.facebook.com/NgoiNhaBinhYenVietnam.
Email: cwd@cwd.vn hoặc phongtuvan.cwd@gmail.com

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Trạm yêu thương: Nâng bước chân cho cô gái không chịu khuất phục

Trạm yêu thương: Nâng bước chân cho cô gái không chịu khuất phục

(PNTĐ) - Sinh ra với đôi chân khuyết tật, nhưng Trần Mai Anh chưa từng khuất phục số phận. Cô gái nhỏ ngày nào, từng chống nạng bước từng bước một vào lớp học, giờ đã trở thành giám đốc một hợp tác xã – nơi sản xuất giò chả truyền thống và tạo công ăn việc làm cho những người yếu thế trong cộng đồng.