Đàn chim Lạc trở về

Bài và ảnh: Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đã thành thông lệ vào những dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3), ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5..., rất nhiều kiều bào yêu nước lại về thăm quê hương. Sau những năm tháng chiến tranh, Việt Nam giờ đây đã trở thành mảnh đất lành cho những “đàn chim Lạc” (loài chim mỏ dài bay quanh mặt trời khắc trên trống đồng Đông Sơn) trở về cội nguồn đoàn tụ.

Đàn chim Lạc trở về - ảnh 1
Ông Nguyễn Đồng Hải, (ngoài cùng bên trái) cùng những người bạn về thăm Điện Biên Phủ.
Ảnh: NVCC

Đến với Trường Sa trong ngày đặc biệt
Với một người đang định cư tại Cộng hòa Séc như ông Đỗ Thuyên, những chuyến về thăm Việt Nam luôn rất đặc biệt. Nhưng, lần này được đến thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa vào đúng dịp 30/4 thì sự đặc biệt ấy còn nhân lên gấp bội. “Đây là lần thứ 2 tôi được đến với Trường Sa (lần đầu cách đây 8 năm). Không thể kể xiết sự xúc động, tự hào. Tôi mang theo các nhạc cụ dân tộc như đàn, sáo Mèo và chuẩn bị nhiều ca khúc về giải phóng miền Nam, ca ngợi quê hương đất nước để hát cùng các chiến sĩ ngoài đảo. Tôi càng thấy yêu, trân trọng từng tấc đất, tấc biển của quê hương mình”- ông Thuyên chia sẻ. Trong chuyến đi này, ông Thuyên cùng đoàn kiều bào đại diện cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc đã ủng hộ tiền vào quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”. 

Thời trẻ, từ năm 1979 đến năm 1983, ông Thuyên đã theo tiếng gọi của Tổ quốc tình nguyện nhập ngũ, đóng quân tại Lai Châu. Ông cũng rất nhớ những ký ức đẹp khi ngược về năm 1975, từ Hà Nội (ông Thuyên là người Mê Linh, Hà Nội), ông cùng người dân Thủ đô vui mừng khôn xiết khi đón tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông tin rằng, bất kỳ người Việt Nam nào, nhất là những người đã từng đi qua chiến tranh, đều rất hiểu ý nghĩa của câu “chim có tổ, người có tông”, một dân tộc thì không thể để mất nguồn cội.

Đó là lý do sau hàng chục năm sang Tiệp Khắc (cũ) lao động rồi ở lại nước bạn, ngay khi cuộc sống tạm ổn định, ông Thuyên đã tìm về cội nguồn. Thời kỳ ấy, internet chưa phát triển, việc cập nhật tin tức về Việt Nam còn hạn chế, chuyến về thăm quê đầu tiên năm 2010 khiến ông thực sự ngỡ ngàng. “Tôi nhìn thấy một Việt Nam sau chiến tranh đang bừng dậy, vươn mình mạnh mẽ”- ông Thuyên kể. Trong nhiều buổi trò chuyện với kiều bào ở châu Âu, nhất là những người từng ra đi sau năm 1975, ông Thuyên đã khuyên mọi người hãy trở về để “cảm nhận Việt Nam”.

Năm nay, chị Đào Thị Thu Hằng, sinh năm 1980, kiều bào tại Vương quốc Bỉ, lần đầu tiên được tham gia đoàn cùng gần 70 đại biểu từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Lê Thị Thu Hằng dẫn đầu, hành hương về Đền Hùng - Phú Thọ dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Và đây cũng là lần đầu tiên chị được đến với Trường Sa. Hai chuyến đi đã nhắc nhở chị rằng, lúc nào và ở đâu, chị cũng đang mang trong mình dòng máu Việt.

Chị Hằng hiện đang tham gia Ban Chấp hành Tổng hội người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ. Thời gian qua, chị và các thành viên Tổng hội đã tổ chức nhiều hoạt động để kết nối kiều bào với quê hương, lan tỏa văn hóa truyền thống Việt Nam, gìn giữ tiếng Việt ở Bỉ. 

Chị cho biết, hiện nay, cộng đồng người Việt tại Bỉ có khoảng 10.000 người, trong đó đa phần là các tri thức, một số là doanh nhân, người lao động. Nhìn chung, cộng đồng người Việt đều tuân thủ các quy định của nước sở tại, một lòng hướng về quê hương. Gần đây nhất, Tổng hội người Việt đã tham gia trưng bày trang phục dân tộc của Việt Nam như áo bà ba, quan họ, áo dài, áo dân tộc Mông, Thái cùng các món ăn truyền thống Việt Nam tại Bỉ để lan tỏa văn hóa Việt tới thế giới. Tổng hội cũng phát động chương trình quyên góp vào quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” trong bà con Việt kiều để gửi ra Trường Sa. 

Chị Hằng chia sẻ: “Bố mình là một thương binh, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đến nay, khi chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong cơ thể bố vẫn còn nhiều mảnh bom bi, mỗi lần trở trời là vết thương lại khiến bố đau nhức. Vì vậy, hơn lúc nào hết, thế hệ trẻ người Việt chúng mình hôm nay rất trân quý nền hòa bình có được từ sự hy sinh xương máu của thế hệ cha anh và mong muốn sẽ được cống hiến thật nhiều cho đất nước. Mình muốn thế giới biết rằng, Việt Nam anh hùng trong chiến tranh, nhưng cũng anh hùng, phát triển mạnh mẽ trong thời bình với sự đồng hành, chung tay góp sức của đông đảo người dân cả trong và ngoài nước”. 

Khép lại quá khứ để hòa hợp dân tộc
Với ông Nguyễn Đồng Hải, sinh năm 1958, kiều bào ở Slovakia, những ngày kỷ niệm thống nhất đất nước (30/4) hay chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5) luôn có ý nghĩa đặc biệt. Bởi, đại gia đình ông cũng có nhiều thăng trầm cùng lịch sử dân tộc. 

Đàn chim Lạc trở về - ảnh 2
Ông Đỗ Thuyên trong trang phục dân tộc mang lời ca, tiếng hát đến với quân và dân huyện đảo Trường Sa vào đúng dịp kỷ niệm Giải phóng miền Nam 30/4.

Mẹ ông Hải là người Hà Nội, y tá trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và đã bị thương khi cứu chữa cho bộ đội ta ở đồi A1. Bà kết hôn với bố ông, một đảng viên, thanh niên Đà Nẵng tập kết ra Bắc năm 1952 và là lớp trí thức đầu tiên do miền Bắc đào tạo. Sau này, bố ông là giám đốc một bệnh viện tỉnh ở khu vực phía Bắc. Năm 1975, bố ông từ miền Bắc lên đường tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, rồi tiếp quản thành phố Đà Nẵng trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng ngày 30/4. Sau này, bố ông còn tham gia cung cấp các bằng chứng y tế tại một phiên tòa Tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Đàn chim Lạc trở về - ảnh 3
Chị Đào Thu Hằng trước tấm bia tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 Hải quân đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ông Hải được sinh ra tại Đồng Hới, mảnh đất anh hùng, quả cảm trong chiến tranh nên bố mẹ ông đã lấy tên Đồng Hới đặt cho ông (Đồng Hải, đọc chệch từ Đồng Hới). Thuở nhỏ, ông từng chứng kiến những ngày Hà Nội đổ nát dưới bom B52 của đế quốc Mỹ, được tận mắt nhìn thấy những hố bom ngay trong bệnh viện nơi bố ông làm việc. Rồi tự hào khi bố mẹ ông cùng đồng đội tham gia góp sức vào công cuộc giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, đại gia đình ông cũng có cả những bi kịch do chiến tranh gây ra. Đó là một người bác của ông ở miền Nam lại tham gia phục vụ cho chính quyền miền Nam cộng hòa. Hai người con trai do bà nội ông sinh ra từng ở hai chiến tuyến đối lập. Khi miền Nam được giải phóng, đất nước hòa bình, thời gian đầu, gia đình ông bị chia làm hai phe, người em ở “phe chiến thắng”, còn người anh “ở phe bại trận”. Cũng phải mất một thời gian, vết thương chiến tranh và mặc cảm quá khứ mới bị đẩy lùi. Những người anh em ruột rà đã thực sự xích lại gần nhau. Đó là lý do vì sao, ông Hải rất biết ơn hòa bình đã giúp đoàn kết, gắn bó tất cả những người dân Việt với nhau.

Năm 1986, ông sang Slovakia học nghiên cứu sinh rồi ở lại định cư, giảng dạy tại trường đại học. Ông tham gia BCH Liên hiệp Việt kiều EU và là Bí thư chi bộ ghép Kosice và vùng Đông Slovakia. Hiện nay, dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn giữ mối liên hệ mật thiết với đất nước thông qua các hoạt động hợp tác về giáo dục giữa hai quốc gia, tham dự các hội nghị khoa học, các chương trình trao đổi học giả. Vợ chồng ông vẫn mang hai quốc tịch Slovakia và Việt Nam. Ông vẫn là một Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam với 40 năm tuổi Đảng.
Tính đến nay, ông Hải gần như đã đặt chân tới hầu hết các địa danh ở Việt Nam, chứng kiến sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, ông cũng đã tới với Điện Biên, xúc động và tự hào thăm lại nơi mà mẹ ông ngày trước đã cùng đồng đội góp sức làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”.
Ông Hải cho biết: “Đông đảo bà con người Việt ở châu Âu nói chung và Slovakia nói riêng đều đánh giá rất cao và vui mừng khi Nhà nước Việt Nam triển khai nhiều chính sách đoàn kết, thu hút kiều bào về nước, không có sự phân biệt đối xử về chính trị. Nhà nước Việt Nam cũng tạo mọi điều kiện để Việt kiều đầu tư, làm ăn hợp pháp, cư trú lâu dài trên quê hương. Nhiều kiều bào từng rời đi sau năm 1975 đã xóa bỏ mặc cảm, nghi ngại trở về xây dựng quê hương, giống như đàn chim Lạc tìm về tổ. Điều đó là minh chứng rõ nét cho hành trình hòa bình, hòa hợp của đất nước và dân tộc Việt Nam”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ beauty blogger nổi tiếng Hannah Olala quyên góp 1 triệu USD cho UNICEF Việt Nam

Nữ beauty blogger nổi tiếng Hannah Olala quyên góp 1 triệu USD cho UNICEF Việt Nam

(PNTĐ) - UNICEF chính thức gửi đi thông tin ngày 17/5 về việc bà Hannah Nguyễn – hay còn được biết đến với tên Hannah Olala – chính thức trở thành thành viên của Hội đồng Nhà Tài trợ Toàn cầu của tổ chức này. Hannah Olala là một CEO kiêm KOL - beauty blogger, người truyền cảm hứng rất thành công ở Việt Nam.
Quận Tây Hồ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quận Tây Hồ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), ngày 16/5, đoàn đại biểu do đồng chí Nguyễn Lê Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ làm trường đoàn đã tới dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích Quốc gia Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Thị An (phường Phú Thượng).
Giữ nghề thuốc Nam ở phố Lãn Ông

Giữ nghề thuốc Nam ở phố Lãn Ông

(PNTĐ) - Phố Lãn Ông là con phố nổi tiếng tại Hà Nội, với bề dày lịch sử lâu đời và nghề truyền thống chủ đạo là kinh doanh thuốc Đông y. Đây cũng là một trong số ít các con phố trong 36 phố phường Hà Nội vẫn giữ được nghề truyền thống. Sau hàng trăm năm lịch sử, phố Lãn Ông đã trở thành thương hiệu chợ thuốc Đông y nổi tiếng tại Thủ đô.