Đẩy lùi tâm lý “yêu thích con trai” từ những người cao tuổi

Bài và ảnh: QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Để đẩy lùi tâm lý “ưa thích con trai”, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái được phát triển toàn diện, cần có những thay đổi ngay từ mỗi gia đình trong đó có người cao tuổi.

Khi ông, bà là… cộng tác viên dân số

Trong số hơn 300 hộ gia đình ở khu dân cư số 12, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội, có hơn 10 gia đình sinh con 1 bề là gái. Đa số các gia đình đều có tư tưởng tiến bộ: “Dù gái hay trai, cứ hai là đủ”, sống hạnh phúc và nuôi dạy các con thành đạt. Bà Hoàng Thị Bảy, khu dân cư số 12, phường Thịnh Quang cho biết: Ngày nay, nhiều gia đình đã gạt bỏ quan niệm phải sinh con trai để “nối dõi tông đường”, dù sinh con một bề là gái vẫn có cuộc sống hạnh phúc, viên mãn. Với họ, con nào cũng là con và sinh con ra khoẻ mạnh là một điều may mắn.

Bà Bảy nêu ví dụ ở khu dân cư của bà đang ở có gia đình bà Nguyễn Thị Hà được mọi người mến mộ. Hai ông bà sinh được 2 cô con gái. Đặc biệt, dù chỉ sinh hai con gái nhưng mẹ chồng bà lại luôn vui vẻ, tự hào về các cháu của mình, không ép con dâu sinh thêm cháu trai đích tôn. Tư tưởng của mẹ đã tiếp sức cho vợ chồng bà Hà nuôi dạy 2 con gái khôn lớn trưởng thành.

Hai con gái lớn lên ngoan hiền, hiếu lễ, có công việc ổn định, gia đình riêng hạnh phúc. Song, các con gái vẫn thường xuyên quan tâm đến bố mẹ, khi thì mua áo biếu bố, mua vải biếu mẹ may áo dài, lúc lại tổ chức đưa bố mẹ đi du lịch…

“Hạnh phúc không phải đến từ việc sinh con trai hay con gái mà chính từ nỗ lực cùng nhau vun đắp tổ ấm, giáo dục con cái như thế nào. Bởi gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc giúp mọi người trưởng thành. Gia đình có hạnh phúc, lành mạnh thì xã hội mới phát triển bền vững. Trẻ em gái xứng đáng được đón nhận nền giáo dục, bảo vệ tốt, vì một thế giới tương lai tốt đẹp hơn” – bà Bảy nói.

Đẩy lùi tâm lý “yêu thích con trai” từ những người cao tuổi - ảnh 1
Bà Minh Hạnh phát biểu tại Hội nghị gặp mặt, biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10.

Phát biểu tại hội nghị gặp mặt, biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 tại quận Đống Đa, Hà Nội ngày 27/9, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Hội Người cao tuổi phường Nam Đồng cũng khẳng định: Việc có con đủ “cả nếp, cả tẻ” là tuyệt vời nhưng nếu sinh con “một bề là gái” thì cũng không vì thế mà kém vui. Điều quan trọng là nuôi dạy con cái trưởng thành, hiếu thảo, có ích cho gia đình và xã hội. Để có được quả ngọt như vậy, các con phải được chăm sóc đầy đủ cả thể chất lẫn tinh thần, được đến trường học tập, tiếp thu kiến thức, trang bị kỹ năng sống, được phát triển toàn diện theo lứa tuổi.

Trong gia đình, chính ông, bà là người thực hiện tuyên truyền, vận động con cháu “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ” rất hiệu quả. Bởi họ là những người chịu ảnh hưởng sâu sắc quan niệm “trọng nam”, phải có “đứa chống gậy”… Việc tuyên truyền giúp họ thay đổi quan niệm, cởi mở trong tư duy sẽ giúp cho các gia đình trẻ không còn chịu áp lực phải sinh thêm con trai nếu đã có hai con gái.

Bà Minh Hạnh cho rằng, cuộc đời của mỗi cụ là một kho tàng quý giá vô hạn về đạo đức, văn hóa, lối sống, những điều hay, lẽ đẹp được tích lũy trong cả cuộc đời để truyền dạy cho các thế hệ con cháu về nhân cách và đạo đức xã hội, hòa thuận trong gia đình, gắn bó với láng giềng thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật  và thực hiện tốt quy định của địa phương.

Thúc đẩy bình đẳng giới từ người cao tuổi trong gia đình

Hiện nay, mặc dù tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã được cởi trói nhiều song quan niệm phải có con trai để nối dõi vẫn còn tồn tại, các gia đình luôn bị đòi hỏi phải sinh con trai trong nhà. Ở nhiều gia đình trẻ đã có ý thức về vấn đề này, nhưng sự thúc ép lại đến từ ông bà tổ tông nhiều hơn. Điều đó cho thấy, các định kiến xã hội về nam nữ này vẫn âm thầm tồn tại trong nền giáo dục hiện đại.

Tư tưởng lạc hậu này sẽ kéo theo những nhận thức lệch lạc. Trong cơn “khát” con trai, rất nhiều gia đình tan vỡ vì chồng muốn tìm quý tử bên ngoài, hay bố mẹ chồng ruồng rẫy con dâu, con cái sớm phải sống cảnh chia ly. Tư tưởng “khát con trai” cũng khiến cho nhiều gia đình tìm đến các dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi và sử dụng các dịch vụ phá thai, nguy cơ mất cân bằng giới tính lại tăng lên một cách đáng báo động.

Đánh giá về tâm lý ưa chuộng con trai trong các gia đình ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em cho rằng, không chỉ đơn thuần sinh con trai để nối dõi tông đường mà do kinh tế, an sinh xã hội còn hạn chế, nên rất nhiều người già phải sống phụ thuộc vào con cái, cộng thêm tập tục bố mẹ thường ở với con trai. Do đó, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng ta phải có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi. Từ đó, người cao tuổi bớt phụ thuộc kinh tế vào con cái.

Ông Vũ Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Dân số KHHGĐ Hà Nội cho biết: Từ xưa đến nay, người cao tuổi có vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, gương mẫu, giáo dục, dẫn dắt, định hướng cho thế hệ trẻ và có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển đất nước. Do đó, vai trò của người cao tuổi trong việc tuyên truyền, vận động để con cháu trong gia đình và nhân dân ở khu dân cư chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ là vô cùng quan trọng.

Đẩy lùi tâm lý “yêu thích con trai” từ những người cao tuổi - ảnh 2
Người cao tuổi được tuyên dương tại Hội nghị gặp mặt, biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 tại quận Đống Đa ngày 27/9.

Việt Nam là nước bị ảnh hưởng mạnh bởi tư tưởng phong kiến và Nho giáo. Nó ăn sâu bén rễ vào đời sống nhiều thế hệ. Có câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” với ý nghĩa là "một con trai thì là có nhưng mười con gái vẫn là không có", thể hiện cách đánh giá con là nam hay nữ trong Nho giáo. Theo đó, các gia đình hay dòng họ từ xưa (và thậm chí cả ngày nay) vẫn có tư tưởng coi trọng việc sinh con trai. Nếu không có con, cháu trai nối dõi vẫn bị xem là tuyệt tự và khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người và nơi thờ cúng.

Chính vì nặng tư tưởng nên nhiều ông, bà ép con phải đẻ bằng được cháu trai, nếu không sẽ cho là bất hiếu, trường hợp này không hiếm. Những tư tưởng phong kiến cổ hủ nếu không tự giải thoát khỏi nó thì chúng ta sẽ sống rất gò bó, lúc nào cũng sợ bị đánh giá, gièm pha khiến cho nhiều gia đình tan vỡ. Tư tưởng lạc hậu trọng nam khinh nữ cần được thay đổi, để các con các cháu của mình được sống vui vẻ, hạnh phúc, nam – nữ được bình đẳng trong xã hội, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tại Hà Nội, các cấp Hội Người cao tuổi đã lồng ghép phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng” với công tác dân số - KHHGĐ để vận dụng vào thực hiện tại mỗi gia đình, khu dân cư. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hội viên Người cao tuổi tiêu biểu trong vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số đặc biệt là con cháu trong gia đình.

Trong các buổi sinh hoạt Hội người cao tuổi tại địa phương, các cụ luôn xác định đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân, có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể ở cơ sở vận động người dân, vận động con cháu thực hiện sinh đẻ có kế hoạch đặc biệt xóa tan tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, coi trọng cháu trai hơn cháu gái; coi việc thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của hội viên trong chi hội.

Hằng tháng, vào các buổi sinh hoạt định kỳ, ngoài các nội dung như bình thơ, đọc báo, nghe tình hình thời sự, trao đổi kinh nghiệm sống và dạy bảo con cháu, Hội Người cao tuổi còn dành thời gian đáng kể để tuyên truyền công tác dân số - KHHGĐ. Với sự “vào cuộc” tích cực của các cụ cao tuổi đã góp phần thực hiện các chỉ tiêu công tác dân số - KHHGĐ của toàn Thành phố.

Chi Cục trưởng Chi cục Dân số Vũ Duy Hưng đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể cần quan tâm, hỗ trợ, tuyên truyền công tác dân số. Đặc biệt là các cụ ông, cụ bà tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2020-2025, chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2020-2025; nhằm can thiệp một các có hiệu quả, góp phần kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong thời gian tới.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xét xử nhóm thanh niên gây rối trật tự công cộng

Xét xử nhóm thanh niên gây rối trật tự công cộng

(PNTĐ) - Sáng ngày 30/11/2023, Toà án Nhân dân huyện Thanh Oai đã mở phiên toà xét xử nhóm thanh niên sử dụng “phóng lợn”, vỏ chai bia ném, đuổi đánh nhau gây mất trật tự công cộng tại đường tỉnh lộ 427 thuộc địa phận thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.
Thuốc lá điện tử: Hiểm họa cho sức khỏe và tinh thần giới trẻ

Thuốc lá điện tử: Hiểm họa cho sức khỏe và tinh thần giới trẻ

(PNTĐ) -Hiện nay, một số loại thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá sợi còn được cho thêm ma túy để gây tác dụng mạnh hơn so với ma túy truyền thống. Các loại thuốc này đang được rao bán trên các mạng xã hội với giá cao gấp đôi, gấp ba so với loại bình thường. Tình trạng này đang gây lo lắng cho nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh. Bởi đa phần người sử dụng TLĐT là học sinh, sinh viên.