Đẩy nhanh xây dựng cụm công nghiệp để tạo đòn bẩy phát triển kinh tế
(PNTĐ) -Phát triển các cụm công nghiệp là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Vì vậy, các địa phương đang tập trung nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành dự án xây dựng cụm công nghiệp, thu hút nhà đầu tư, phát huy tối đa hiệu quả của dự án, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Sau 2 năm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng, ngày 21/7, Cụm công nghiệp Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ đã được khởi công xây dựng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Phúc Long sẽ thực hiện các hạng mục gồm đầu tư san nền, giao thông, cấp thoát nước, trạm xử lý nước thải, nhà điều hành, dải cây xanh và các công trình phụ trợ khác. Hiện trên địa bàn huyện Phúc Thọ mới có 2 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích khoảng 10ha. Cho nên, việc hình thành thêm các cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh là rất cần thiết.
Là địa phương có nhiều làng nghề phát triển, huyện Đan Phượng đã có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích 70,9ha thu hút hơn 543 doanh nghiệp, hộ sản xuất hoạt động. Ngày 24/5/2022, huyện đã khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Đan Phượng (giai đoạn 2) tại xã Đan Phượng với quy mô 6,8ha, tổng đầu tư 188 tỷ đồng.
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đồng bộ, hiện đại nhằm giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn, ưu tiên thu hút các ngành nghề công nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Hiện Đan Phượng đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Song Phượng (6,8ha), Cụm công nghiệp Hồng Hà (6ha).
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 7 cụm công nghiệp được khởi công xây dựng, gồm: Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng, Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên); Cụm công nghiệp Dị Nậu (huyện Thạch Thất); Cụm công nghiệp Thắng lợi, Cụm công nghiệp Tiền phong - giai đoạn 2 (huyện Thường Tín); Cụm công nghiệp Đan Phượng - giai đoạn 2 (huyện Đan Phượng), Cụm công nghiệp Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ).
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, Sở đang đôn đốc, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ khởi công 38 cụm công nghiệp trên toàn thành phố, gồm: 37 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018-2020 và Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên (huyện Thanh Oai) có quyết định thành lập trước năm 2017. Đồng thời, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định dự án đầu tư mới, mở rộng 21 cụm công nghiệp; họp hội đồng lựa chọn chủ đầu tư 8 cụm công nghiệp.
Bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định, việc phát triển các cụm công nghiệp là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp phát triển vững mạnh, sẽ tạo ra đòn bẩy phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô".
Trong kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 17/3/2022, UBND thành phố Hà Nội nêu rõ, thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố còn chậm tiến độ. Những năm qua, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy, tháo gỡ vướng mắc để xây dựng hạ tầng 43 khu công nghiệp, đến nay đã xây dựng hoàn thành 2 khu công nghiệp tại Phú Xuyên, 10 cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang tổ chức thẩm định xin giao đất, cho thuê đất. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các khu công nghiệp còn rất chậm so với tiến độ đã đề ra.
Để khắc phục tồn tại, khó khăn, thành phố đề ra các giải pháp cụ thể gồm điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án đối với các cụm công nghiệp đã hết hạn; thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Đồng thời, thành phố yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định.
Năm 2022, thành phố sẽ quyết tâm hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp như: Cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên, Cụm công nghiệp làng nghề Yên Từ tại huyện Phú Xuyên; Cụm công nghiệp Đình Xuyên, Cụm công nghiệp Phú Thị (giai đoạn 2) huyện Gia Lâm. Tại các huyện Thạch Thất, Đan Phượng, Ứng Hòa, Đông Anh… tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể và đốc thúc để các địa phương này hoàn thành.