Để Hà Nội là trung tâm văn hóa của một Việt Nam phát triển
(PNTĐ) - Tại Hội nghị toàn quốc về Văn hóa, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa còn, dân tộc còn”. Ngay sau đó, Tổng Bí thư đã trực tiếp chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị làm việc với lãnh đạo Thành phố Hà Nội và ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết khẳng định: “Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trong các nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết nhấn mạnh: “Tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Xây dựng văn hóa thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới của Thủ đô”.
Quán triệt sâu sắc văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, tinh thần Hội nghị toàn quốc về văn hóa và Nghị quyết của Bộ chính trị về phát triển Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết về văn hóa. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến Nghị quyết 09-NQ/TƯ về Phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.
Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TU về Nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh” là tiếp nối những việc làm có tính chiến lược về văn hóa trong nhiều năm, đồng thời thể hiện nhận thức và quyết tâm hành động của toàn Đảng bộ Thành phố về việc làm có ý nghĩa to lớn này.
Dòng mở đầu Chỉ thị 30/CT-TU khẳng định: “Lịch sử văn hóa hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị, cốt cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Chỉ thị yêu cầu tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong toàn thành phố phải triển khai mạnh mẽ chỉ thị bằng các giải pháp phù hợp với từng quận, huyện trong toàn thành phố. Sự đánh giá nghiêm khắc, sâu sắc trong chỉ thị về những tồn tại yếu kém là thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm chính trị của Thành ủy, đồng thời thể hiện nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa Thủ đô Hà Nội.
Với nhận thức về văn hóa nói chung và văn hóa Thủ đô Hà Nội nói riêng có bước đổi mới rất cơ bản từ Trung ương đến các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội, văn hóa đã có vị trí mới trong phát triển bền vững.
Về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể: Hà Nội đã trùng tu, chống xuống cấp hàng trăm di sản văn hóa vật thể là đình, chùa, đền, miếu… Trong đó có những ngôi chùa cổ kính như chùa Một Cột, chùa Liên Phái, chùa Kim Liên, chùa Vua, chùa Hương, đình Tây Đằng, đình Bạch Trữ… Đặc biệt là trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám với việc xây dựng mới khu Thái học trên cơ sở nhận thức mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Nhiều năm nay, sau khi xây khu Thái học, Trung tâm văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa trong đời sống đương đại, không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân mà còn là minh chứng sinh động cho nhận thức “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.
Phố đi bộ và những trải nghiệm đêm Hà Nội đã làm cho Hà Nội sinh động và phong phú. Hà Nội không chỉ có “ăn tối rối nước” mà còn nhiều hơn thế, đó là đời sống hơn một nửa của con người là thời gian rảnh rỗi. Văn hóa phải “lấp đầy” một cách thú vị cho thời gian này để con người, nhất là giới trẻ không bị lâm vào thế “bế tắc” khi thiếu điều kiện vui chơi, giải trí. Chủ trương này được cộng đồng nhiệt liệt hưởng ứng minh chứng cho sự đổi mới đúng đắn và hiệu quả về nhận thức và hành động của văn hóa Thủ đô Hà Nội.
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là sự kế thừa và phát huy có hiệu quả những cố gắng của giai đoạn trước, nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém, đồng thời đưa ra những giải pháp mới đồng bộ và hiệu quả. Ban hành 2 bộ Quy tắc ứng xử văn hóa thể hiện sự tiên phong của văn hóa Hà Nội, góp phần thiết thực, cụ thể hóa chủ trương của Trung ương và Thành phố trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chỉ thị số 30/CT-TU ngày 19/2/2024 của Thành ủy khẳng định quyết tâm cao của Hà Nội về vấn đề có tính chiến lược này. Việc xây dựng con người và văn hóa ứng xử với môi trường xã hội được quan tâm và có kết quả tích cực trong nhận thức và hành động được coi là một thành tựu.
Văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên cũng có những tiến bộ đáng ghi nhận. Việc kè cạp ổn định xung quanh hồ Tây, sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét… cùng với việc trồng cây bóng mát và cây cảnh quan cùng với đèn chiếu sáng đô thị thực sự góp phần làm cho Hà Nội xanh - sạch - đẹp hơn. Những đường cây nở hoa của Hội Phụ nữ, những con đường tự quản của những cá nhân, tổ chức tự nguyện làm sạch môi trường tuy chưa khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm nhưng cũng đánh dấu nhận thức của cả cộng đồng về văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên.
Văn hóa đọc được quan tâm với nhiều hoạt động đáng ghi nhận. Tủ sách Thăng Long với hàng trăm nhà khoa học tham gia, với hàng trăm đầu sách có giá trị văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến được xuất bản khẳng định sự đóng góp lớn của trí thức Thủ đô và cả nước, là thành tựu văn hóa Hà Nội trong đổi mới.
Văn hóa nghệ thuật Hà Nội thể hiện sự tiên phong của văn hóa Hà Nội. Những vở diễn như “Tôi và chúng ta”, “Nàng Sita”, những phim truyền hình nhiều tập “Người phán xử”… và nhiều tác phẩm khác được đông đảo khán giả hâm mộ bởi những tài năng xuất chúng của nghệ sĩ Thủ đô: NSND Hoàng Dũng, NSND Quốc Chiêm, NSND Thu Hà, NSND Minh Hòa, NSND Trung Hiếu… Không chỉ khẳng định vị trí văn hóa nghệ thuật hàng đầu của văn hóa Hà Nội mà còn khẳng định văn hóa nhận thức, văn hóa tư tưởng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa nghệ thuật Thủ đô Hà Nội góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời là minh chứng sinh động trong thực tiễn quan điểm văn hóa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Để có thể tiếp tục “Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai sâu sắc hơn, hiệu quả thực chất hơn chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, trong đó có việc cụ thể: Xây dựng đền thờ Đức Vương Ngô Quyền ở Cổ Loa, Điện Kính thiên trong Hoàng thành.
Hà Nội cũng cần quan tâm phê duyệt và triển khai Quy hoạch Hà Nội đặc biệt quan tâm yếu tố văn hóa như là chìa khóa để khắc phục yếu kém cũ, động lực phát triển mới. Ngoài ra, cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn đội ngũ cán bộ văn hóa Thủ đô, đồng thời khai thác có hiệu quả đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đông đảo của Hà Nội và Trung ương trên địa bàn Hà Nội góp phần xây dựng văn hóa Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển bền vững, xứng tầm là trung tâm văn hóa của một Việt Nam phát triển vào năm 2045.