Đề xuất đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả

Hoàng Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 19/12, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Bộ Y tế tổ chức “Hội thảo chuyên gia đề xuất chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả trong Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi”.

Ung thư cổ tử cung chiếm khoảng 12% tất cả các ung thư ở nữ giới

Hiện nay, ung thư cổ tử cung (UTCTC) là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại vì căn bệnh này ảnh hưởng nhiều đến phúc lợi, sức khỏe và đời sống tinh thần của phụ nữ và toàn bộ dân số.

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ sáu ở phụ nữ Việt Nam, chiếm khoảng 12% tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Nếu không có bất kỳ can thiệp nào, ước tính khoảng 200.000 phụ nữ Việt Nam sẽ tử vong do ung thư cổ tử cung vào năm 2070.

Chi phí điều trị UTCTC rất tốn kém nhưng bệnh hoàn toàn có thể dự phòng hoặc loại trừ dựa vào tiêm vắc-xin HPV, sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện, điều trị sớm các dấu hiệu tiền ung thư. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát UTCTC của phụ nữ Việt Nam còn thấp.

Đề xuất đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả - ảnh 1
Các đại biểu tham dự hội thảo sáng 19/12

Theo Nghiên cứu của Bộ Y tế và UNFPA năm 2021, chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 được tiêm vắc-xin HPV và chỉ có 28% phụ nữ trong độ tuổi 30-49 được khám sàng lọc (Tỷ lệ rất thấp). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát UTCTC thấp là do vắc xin HPV có chi phí cao, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng; khám sàng lọc UTCTC chưa được BHYT chi trả.

Do đó, việc tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh UTCTC là cần thiết, phù hợp với nguyên tắc của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm đáp ứng nguyên lý phòng bệnh hơn chữa bệnh, giảm gánh nặng lên nền kinh tế cho phụ nữ và chính gia đình của họ, cũng như giảm chi phí xã hội từ điều trị UTCTC. Điều này cũng phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

 Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, việc xóa bỏ UTCTC sẽ góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 1 về nghèo đói đa chiều, Mục tiêu 3 về cuộc sống khỏe mạnh, Mục tiêu 5 về bình đẳng giới và Mục tiêu 10 về giảm bất bình đẳng. Tuyên bố Bắc Kinh (1995) về tăng cường quyền năng cho phụ nữ mà Việt Nam tham gia cũng đề ra mục tiêu thúc đẩy chăm sóc y tế cơ bản cho trẻ em gái và phụ nữ, tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. 

Chiến lược toàn cầu nhằm loại trừ UTCTC do Tổ chức Y tế thế giới công bố năm 2020 đã đưa ra mục tiêu 90-70-90 mà các quốc gia cần đạt được đến năm 2030 để có thể loại trừ được UTCTC (90% trẻ em gái được tiêm chủng vắc xin HPV đầy đủ trước tuổi 15; 70% phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc có độ chính xác cao ở độ tuổi 35 và 45; 90% phụ nữ được xác định có tổn thương tiền ung thư và ung thư xâm lấn được chăm sóc và điều trị).

Trên thế giới, chính sách hỗ trợ chi trả (dưới hình thức bảo hiểm y tế chi trả hoặc do ngân sách Nhà nước hỗ trợ) cho sàng lọc ung thư cổ tử cung đã được triển khai ở một số quốc gia như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ...

Đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả 

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Tôn Ngọc Hạnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027 về “Nghiên cứu, vận động, đề xuất chính sách chi trả bảo hiểm y tế cho chi phí tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ” và trong tiến trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Hội LHPN Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế trong công tác vận động đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả.

Đề xuất đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả - ảnh 2
Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại hội thảo

Đặc biệt, năm 2021, Hội đã tiến hành nghiên cứu tính khả thi nhằm đề xuất đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục dịch vụ được Bảo hiểm Y tế chi trả. Nghiên cứu đã cho thấy khả năng Việt Nam loại bỏ UTCTC vào năm 2044 nếu như áp dụng ngay cả 3 mục tiêu can thiệp của WHO từ nay đến năm 2030.

Phương pháp xét nghiệm VIA/VILI cho thấy tính khả thi để đưa ngay vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả do chi phí thấp so với chi phí điều trị và không đòi hỏi đầu tư lớn về trang thiết bị và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu xây dựng lộ trình và tỷ lệ chi trả BHYT áp dụng cho cả 3 hình thức xét nghiệm VIA/VILI, xét nghiệm tế bào và xét nghiệm HPV với các ưu tiên cho nhóm phụ nữ yếu thế.

Năm 2022 tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Phụ nữ Việt Nam về "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội", Thủ tướng đã kết luận giao Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về BHYT thực hiện các mục tiêu CSSK nhân dân trong đó có mục tiêu tăng cường sàng lọc phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ.

Năm 2023 tại Hội nghị biểu dương Cán bộ Hội cơ sở giỏi toàn quốc, đại diện Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi cũng đã báo cáo và đề xuất đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục dịch vụ được Bảo hiểm Y tế chi trả với Thường trực Ban Bí thư.

Tại Hội thảo các đại biểu chia sẻ thông tin về tiến độ xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, một số nội dung cần lưu ý trong quá trình xây dựng dự thảo Luật BHYT sửa đổi và định hướng báo cáo đánh giá tác động chính sách đưa khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả; thực trạng ung thư cổ tử cung tại Việt Nam và một số phương pháp sàng lọc; thực trạng chi trả BHYT trong điều trị ung thư cổ tử cung và một số khuyến nghị; sự cần thiết của khám sàng lọc UTCTC và hiệu quả/tác động khi BHYT chi trả khám sàng lọc UTCTC; định hướng công tác vận động đưa chi phí khám sàng lọc UTCTC vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả...

 "Đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả và là đầu vào có giá trị quan trọng cho báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi. Chính vì vậy, việc phụ nữ được tham gia đầy đủ vào hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhất là sức khỏe sinh sản nhằm nâng cao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới sẽ góp phần vào những nỗ lực chung của quốc gia trong việc sớm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững"- Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh chia sẻ. 

 


Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ba Đình tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức Dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên

Ba Đình tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức Dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên

(PNTĐ) -  Ngày 26/12, Ban chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển quận Ba Đình phối hợp với Chi cục Dân số Hà Nội tổ chức Hội thi Rung chuông vàng cho học sinh 13 trường THCS trên địa bàn quận với chủ đề “Tìm hiểu kiến thức về Dân số, sức khoẻ sinh sản Vị thành niên/thanh niên”.
“Khuyến sinh” để đảm bảo chất lượng dân số

“Khuyến sinh” để đảm bảo chất lượng dân số

(PNTĐ) - Trước tình trạng mức sinh giảm sâu tại một số vùng kinh tế-xã hội trọng điểm, mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất giải pháp nhằm điều chỉnh mức sinh phù hợp tại các vùng này. Một số địa phương cũng đã đề ra biện pháp khuyến khích phụ nữ sinh đủ 2 con để duy trì mức sinh thay thế.
Cần luật hoá khám sức khoẻ tiền hôn nhân

Cần luật hoá khám sức khoẻ tiền hôn nhân

(PNTĐ) - Chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2024 là “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, trong đó, “khám sức khỏe trước hôn nhân chuẩn bị hành trang đón thế hệ vàng” là 1 trong 5 thông điệp được đưa ra để ngành y tế và chính quyền các địa phương cùng chung tay thực hiện.
Phận người mang thai hộ

Phận người mang thai hộ

(PNTĐ) - Dù pháp luật quy định rất rõ về việc mang thai hộ nhưng nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh khác nhau mà vẫn chấp nhận trở thành “món hàng” ngã giá để được thuê nuôi con người khác trong thân thể mình. Để rồi có những người đưa bản thân vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.