Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi):

Đề xuất tăng quyền lợi cho lao động nữ

V.Nga - M.Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng còn nhiều điểm vướng mắc như cải cách chưa triệt để, đồng bộ, còn thiếu chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện của lao động nữ, làm thế nào để hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần đang phổ biến hiện nay.

Đề xuất tăng quyền lợi cho lao động nữ - ảnh 1
Nhiều ý kiến đề xuất tăng quyền lợi cho lao động nữ trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Ảnh: V.Nga

Chỉ 30% phụ nữ đang làm việc được hưởng chế độ thai sản
Góp ý vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ và trên cơ sở Luật Bình đẳng giới (2006) việc lồng ghép giới trong Dự thảo Luật chưa làm hết trách nhiệm về bảo đảm quyền tham gia bình đẳng chính sách BHXH và đưa ra các giải pháp xử lý các rào cản về giới đối với người lao động nữ. Dự thảo Luật còn nhiều điểm vướng mắc như: Việc cải cách chưa triệt để, đồng bộ, khiến nhiều nhóm lao động nữ có số lượng đông, nhất là nữ lao động giúp việc gia đình vẫn chưa được quy định là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Theo bà Nguyễn Lan Hương, việc sử dụng thời gian đóng BHXH làm điều kiện để xây dựng các chính sách hưởng gây bất lợi cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ khi thực hiện các quyền lợi về ốm đau và thai sản. Vì họ có thời gian làm việc hưởng lương và thời gian đóng BHXH ngắn hơn nam giới. Hơn nữa, công tác thống kê và báo cáo về BHXH chưa có qui định về phân tích số liệu theo giới tính, gây khó khăn trong việc nắm bắt tình hình về giới trong BHXH.

Đề xuất bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện, bà Nguyễn Lan Hương cho rằng điều đó nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ nữ tham gia, cũng như tăng tính hấp dẫn của loại hình này. Đề nghị bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện nhằm xử lý tình trạng trốn đóng. Bởi hành vi này ảnh hưởng đến việc thực thi quyền về BHXH đối với người lao động, đặc biệt là lao động nữ; đề nghị sửa đổi, bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện, BHXH bắt buộc… 

15 quyền lợi về lao động và BHXH lao động nữ được hưởng
Được khám chuyên khoa phụ sản 1 lần/năm; được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh; được chuyển công việc nhẹ hơn khi mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi; được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi; không phải làm đêm, làm thêm, đi công tác xa khi mang thai hoặc nuôi con nhỏ; được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới khi hợp đồng hết hạn trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ; không bị xử lý kỷ luật khi mang thai và nuôi con nhỏ; được nghỉ thai sản trước và sau sinh con 6 tháng; được đảm bảo việc làm sau chế độ thai sản; không bị sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; được lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ nếu doanh nghiệp sử dụng hơn 1.000 lao động nữ; được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mang thai; được tạm hoãn hợp đồng lao động khi mang thai; bình đẳng với lao động nam về lương, thưởng, thăng tiến; được hưởng BHXH chế độ thai sản.
 

Bà Nguyễn Lan Hương đánh giá, hạn chế lớn nhất của chế độ thai sản theo quy định của dự thảo Luật là chỉ có người lao động tham gia BHXH bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản; trong khi hiện tại, tỷ lệ bao phủ của chính sách này rất thấp, chỉ 30% phụ nữ đang làm việc được hưởng chế độ thai sản. Vì vậy, đề xuất bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ nữ tham gia cũng như tăng tính hấp dẫn của loại hình này. Trong khi nhu cầu tham gia về bảo hiểm thai sản của phụ nữ rất lớn và mức thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn lao động chính thức. Cụ thể việc hỗ trợ đề xuất 2 triệu đồng/trường hợp, bà Hương cho rằng “không thể chấp nhận được, nó quá chênh lệnh so với mức bảo hiểm thai sản đối với lao động nữ tham gia BHXH bắt buộc”.

Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất nên sửa đổi mức nghỉ 5 ngày để khám thai thành mức tối thiểu, và bổ sung mức tối đa là 9 ngày, tương ứng với việc khám thai mỗi tháng 1 lần trong suốt thai kỳ. Tương tự, bà Nguyễn Thanh Hoàn, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Công đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, không nên quy định mức nghỉ khám thai tối đa bao nhiêu ngày. Bởi trên thực tế, có những trường hợp nữ lao động mắc bệnh lý thai kì, phải đi khám nhiều lần theo chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, đề nghị bổ sung đối tượng lao động hiếm muộn cũng được thụ hưởng các chế độ của Luật BHXH, bởi vì những đối tượng này có khi phải nghỉ 6-9 tháng đi làm các thủ thuật điều trị hiếm muộn, mà không được hưởng chế độ gì. Trong khi họ cũng tham gia đóng BHXH như bao người lao động khác.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết: “Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác Nữ công Công đoàn. Trong những năm qua, tổ chức Công đoàn đã không ngừng nỗ lực trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ đối với lao động nữ và trẻ em thông qua nhiều hoạt động thiết thực”.
Số người rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn tăng
Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội cho biết, 2 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng giải quyết chế độ một lần cho 4.626 người. So với cùng kỳ năm 2023, số người rút BHXH một lần trên địa bàn Hà Nội tăng 809 người, tương ứng với mức tăng tăng 21,19%, nhưng không đáng kể so với mặt bằng chung.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến người rút BHXH một lần tăng, theo các cơ quan chức năng, đa số người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Khi người lao động bị mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình hoặc đầu tư cho con ăn học cho nên buộc họ phải tiêu trước “của để dành”. Một số khác chưa tìm hiểu kỹ lưỡng, theo dư luận đã rút BHXH một lần, vì dư luận cho rằng, khi chính sách thay đổi theo đề xuất tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), họ sẽ bị... thiệt. Ngoài ra, thực tế có một số người chưa hiểu rõ vai trò “giá đỡ” an sinh của chính sách, nên dù không quá cấp bách, họ vẫn đề nghị hưởng BHXH một lần và sử dụng để chi tiêu...

Trên thực tế, không ít công dân, các tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn gượng ép khi tham gia BHXH, BHYT, bởi họ chưa thực sự hiểu sâu sắc ý nghĩa, vai trò của hai chính sách này.  Vì thế, trong thời gian qua, ngành BHXH TP Hà Nội đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nhằm đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách bảo hiểm tới người dân.

Ngày 28/3, Hội LHPN Hà Nội phối hợp BHXH Thành phố tổ chức Hội nghị tập huấn “Phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT liên quan đến phụ nữ, trẻ em”. Tại Hội nghị, báo cáo viên Lê Thị Ngọc Nghĩa - Phó Trưởng phòng Truyền thông, BHXH thành phố Hà Nội cho biết có 5 nội dung ảnh hưởng trực tiếp tới người tham gia trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đó là: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; sửa đổi quy định hưởng BHXH 1 lần.

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 27/3, thảo luận về dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về rút BHXH một lần. Cụ thể, dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội có 2 phương án.

Phương án 1: Người lao động được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện; khác với quy định hiện hành là dự thảo Luật có quy định quyền lợi bổ sung nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần. Nhóm 2, người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.
Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội ủng hộ phương án 1 của Chính phủ đề xuất, song đề nghị Chính phủ dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và những phát sinh khi Luật có hiệu lực thi hành; đồng thời, nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn, theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Thời tiết hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang bắt đầu oi nóng, nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để xua tan không khí oi bức, người dân trên địa bàn thôn Lại Đà đã dành những tình cảm trân quý, tận tay pha nước mát, mở quạt dọc tuyến đường vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng nay (25/7), lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cùng thời gian trên, lễ viếng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư - xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).
Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí mẫu mực và kính yêu mất đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đồng chí mất đi, nhưng những di sản mà đồng chí để lại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân sẽ mãi trường tồn, là điểm tựa cho đất nước, cho Thủ đô tiếp tục tiến lên, dựng xây non sông Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm...