Dịch vụ đưa đón trẻ đi học: Cẩn trọng kẻo “giao trứng cho ác”
PNTĐ-Mùa hè, lịch học của trẻ không còn cố định, trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm, dịch vụ đưa đón trẻ, vì thế, trở nên hấp dẫn...
Kiểu nào cũng “chiều”
2 tháng nay, anh Đỗ Cường (B11B Nam Trung Yên, Cầu Giấy) đã không còn phải tất tả thu xếp mọi việc đi đón con như ngày trước. Con trai anh là bé Đỗ Hoàng Anh, học sinh lớp 6, trường THCS Nguyễn Tất Thành đã có “lái xe riêng” đưa đón. Ngày nào cũng thế, không quản nắng hay mưa, nhân viên của Công ty TNHH vận tải Thân Thiện đều có mặt trước cửa nhà lúc 6 giờ 30 phút và đến trường đón bé lúc 16 giờ 30 phút. Riêng ngày thứ 7, bé học nửa ngày, được đón về lúc 11 giờ 30 phút. Cung đường đi học của bé Hoàng Anh dài 7,6km; tính toán chi phí hết 2,5 triệu đồng/tháng, trong đó có 200 nghìn đồng tiền phụ phí cho nhân viên nữ. Theo ông Phạm Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Thân Thiện, công ty có cả dịch vụ đón 1 lần và đón nhiều lần trong ngày, mức phí sẽ tùy theo số lần đưa đón, chi phí trung bình là 6.000 đồng/km.
![]() |
Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ những công ty uy tín khi giao con cho dịch vụ mới mẻ này |
Phức tạp hơn bé Hoàng Anh, Minh Hằng (lớp 3, trường tiểu học Đoàn Thị Điểm) – con chị Đào Thu Phương (tập thể Nghĩa Đô) có thời khóa biểu xoay như… chong chóng. Mùa hè là thời điểm bé “chạy sô” học ngoại khóa, từ vẽ, bơi lội đến múa hát. Quãng đường đưa đón không phải 2 chiều mà đến… 10 chiều. Dù thời gian lắt léo, các lớp học nằm rải rác 2-3 quận nhưng nhân viên vẫn tận tâm phục vụ.
Bên cạnh các công ty, hàng loạt trung tâm chuyên cung cấp người giúp việc cũng tạo việc làm cho nhân viên bằng cách mở dịch vụ đưa đón trẻ trong nội thành. Hễ phụ huynh cần là đến, thời gian biểu nào cũng đáp ứng.
Nhưng cũng có nguy cơ khó lường
Không chỉ có các công ty, trên nhiều trang web rao vặt, sinh viên tự do quảng cáo công khai: “Em là Đỗ V.Đ, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, hiện em muốn đi làm thêm để ổn định cuộc sống - Hộ khẩu thường trú Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Nhận đưa đón học sinh các cấp đi học bằng xe máy Wave Alpha. Nhân thân: có CMT, hộ khẩu…”. Thậm chí, sinh viên tập trung thành nhóm, cùng nhau chia sẻ các “mối” khách hàng. Các hợp đồng đưa đón giữa gia đình học sinh và những cá nhân tự do này chủ yếu là trao đổi miệng, chẳng khác gì nhận gia sư, tin nhau là chính.
Có mặt tại một trung tâm chuyên cung cấp dịch vụ đưa đón trẻ em trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy), tôi được một nam sinh viên chừng 20 tuổi giới thiệu: “Hầu hết nhân viên đều là… sinh viên ngoại tỉnh, năng động, trẻ tuổi. Mọi người khi gia nhập công ty đều phải xuất trình chứng minh thư, thẻ sinh viên, sau đó kiểm tra trình độ lái xe, biết đi xe và có bằng lái xe là đủ điều kiện (?!)”. Điểm khác khi đăng kí dịch vụ đưa đón thông qua các trung tâm, công ty là có hợp đồng rõ ràng.
Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Hữu Anh – Công ty Luật TNHH Mắt Vàng (quận Đống Đa, HN), các hợp đồng đưa đón trẻ giữa hai bên đều đưa ra các điều khoản khá chung chung dịch vụ này, vì thế tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ. Ví dụ cam kết đưa đón trẻ với tốc độ trung bình đạt 30 km/h, chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông… nhưng chẳng có ai giám sát? Đảm bảo an toàn giao thông là yếu tố phụ huynh nên cân nhắc khi thuê đón con. Trường hợp phát sinh đặc biệt như tai nạn, bắt cóc… thì đưa ra trong hợp đồng một cách rất lỏng lẻo. Nhân thân và tư cách của người đưa đón cũng được kiểm soát thiếu chặt chẽ. Ai đảm bảo sinh viên không dùng chứng minh thư giả, thẻ sinh viên giả? Chưa kể trẻ em sẽ học đòi những thói xấu của người đưa đón như lạng lách, đánh võng, nói tục…
Lê Bích