Báo Lao động Thủ đô:
Đối thoại chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động
(PNTĐ) - Ngày 26/5, Báo Lao động Thủ đô đã tổ chức đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tiếp những chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động.
Theo đó, sáng ngày 26/5, Báo Lao động Thủ đô đã phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hai Bà Trưng tổ chức buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách mới liên quan đến chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội”.
Buổi Đối thoại diễn ra theo hình thức trực tiếp, giao lưu trực tuyến thu hút gần 300 cán bộ, đoàn viên, người lao động trên địa bàn quận Hai Bà Trưng tham gia.
Đến dự về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam có bà Huỳnh Hải Vân - Chuyên viên cao cấp Ban Nữ công.
Về phía Thành phố có ông Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội.
Về phía đơn vị tổ chức có bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; bà Nguyễn Thị Kim Dung - Chủ tịch LĐLĐ quận Hai Bà Trưng.
Tham gia giải đáp câu hỏi của đoàn viên, người lao động có các chuyên gia: Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội; bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng Chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết: Với phương châm hướng về cơ sở, vì người lao động, khi tổ chức mỗi buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Ban tổ chức luôn chú trọng lựa chọn các chủ đề liên quan thiết thực đến đời sống, việc làm của người lao động. Trong đó, các chế độ, chính sách về tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi là những vấn đề được người lao động hết sức quan tâm. Thực tế, các chế độ, chính sách này lại thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi.
Đồng hành trong buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, tôi mong muốn các đoàn viên, người lao động sẽ không bỏ lỡ cơ hội quý, mạnh dạn đặt những câu hỏi trực tiếp nếu đang ở hội trường và trực tuyến nếu ở xa để được các chuyên gia giải đáp, tư vấn hữu ích”, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ buổi đối thoại trực tiếp, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều câu hỏi của người lao động. Chị Phạm Thu Thủy - Công ty Fujita đưa ra câu hỏi: Liên quan đến trợ cấp thôi việc (TCTV) cho người lao động, để giảm số tiền trả TCTV cho NLĐ khi người lao động nghỉ việc (trường hợp người lao động đáp ứng đủ điều kiện nhận TCTV), công ty muốn đóng BHXH cho người lao động trong thời gian thử việc. Hiện tại công ty chỉ ký thư mời làm việc với người lao động trong 2 tháng thử việc. Nội dung của thư mời có ghi rõ điều kiện làm việc, thời gian thử việc, quyền lợi, lương và trợ cấp, các khoản tiền công ty phải đóng cho người lao động trong thời gian thử việc. Vậy trường hợp công ty muốn đóng BHXH cho người lao động trong thời gian thử việc và đề cập điều khoản đóng BHXH cho người lao động trong thư mời làm việc này có được không và có hiệu lực hay không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng giải đáp: Bộ luật Lao động và Nghị định 145 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thời gian làm việc cho một người sử dụng lao động trừ đi thời gian đã đóng Bảo hiểm thất nghiệp, từ năm 2019 đến giờ sẽ không được tính thời gian trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên lại căn cứ vào thời gian làm việc chứ không phải thời gian tham gia BHXH. Kể cả không tham gia BHXH nhưng đã làm việc cho người sử dụng lao động trong thời gian bao nhiêu tháng thì thời gian đó được tính là trợ cấp thôi việc. Tính theo Hợp đồng lao động, ký bao nhiêu hợp đồng lao động thì cộng thời gian làm việc của bấy nhiêu hợp đồng.
Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Ngô Quyền hỏi: Em gái tôi học sư phạm sắp ra trường, tôi xin hỏi các chuyên gia, khi em tôi đi xin việc thì cần chú ý điều gì trong hợp đồng đồng lao động? Chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội của em gái tôi được hưởng thế nào, nếu em tôi làm việc từ 5 - 7 năm tại trường mà chưa được công chức thì mưc lương có được thay đổi không hay vẫn giữ nguyên như ban đầu?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền trả lời: Đối với sinh viên sư phạm khi ra trường thì trong bằng cấp phải thể hiện đúng chuyên môn đã được đào tạo, ví dụ như chuyên môn cử nhân khoa học hay là chuyên môn sư phạm và khi ứng tuyển thì phải ứng tuyển đúng với yêu cầu vị trí việc làm phù hợp, nếu được đào tạo về sư phạm thì sẽ ứng tuyển vị trí giáo viên, nếu là cử nhân khoa học mà ứng tuyển vị trí giáo viên thì phải có thêm chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Đối với mức lương của giáo viên hợp đồng thì sẽ được áp dụng đúng với chức danh nghề nghiệp của giáo viên đó. Nếu giáo viên hợp đồng tại trường tự chủ chi thường xuyên mà vị trí hợp đống đó nằm trong số lượng giáo viên mà nhà trường cần thì sẽ được áp dụng các chế độ như viên chức, tức là có nâng lương, khen thưởng, bồi dưỡng nghiệp vụ, được quy hoạch làm viên chức lãnh đạo. Sau thời gian làm việc, nếu giáo viên hợp đồng này đáp ứng được yêu cầu của nhà trường và được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo thì quyết định bổ nhiệm cũng chính là quyết định tiếp nhận công chức luôn.
Bên cạnh đó, Bạn đọc không tham gia đối thoại trực tiếp, cũng có nhiều câu hỏi qua phần giao lưu trực tuyến. Một bạn đọc hỏi: Trường tôi hiện tại có một bảo vệ đã đóng bảo hiểm 2 năm trong quân ngũ, tuy nhiên trên VssID thì thời gian đóng khi đi quân ngũ lại chưa được cộng vào tổng thời gian đóng bảo hiểm. Xin chuyên gia giải thích rõ hơn?
Bà Dương Thị Minh Châu cho biết: Trường hợp người lao động khi đi quân ngũ theo chế độ nghĩa vụ thì có 2 loại. Nếu đi nghĩa vụ xong đã hưởng trợ cấp thì không ghi nhận thời gian đóng. Trường hợp còn lại, nếu bạn muốn ghi nhận thời gian đóng thì phải nộp hồ sơ bên quân đội sang cơ quan bảo hiểm vì hiện 2 bên vẫn chưa kết nối với nhau về dữ liệu. Nói cách khác, người lao động phải mang hồ sơ bên quân ngũ sang đơn đơn vị sử dụng lao động và đơn vị này mang hồ sơ sang cơ quan bảo hiểm để kết nối quá trình.
Bạn đọc khác đặt ra câu hỏi: Nhân viên y tế trường học có thuộc diện tăng phụ cấp ưu đãi nghề hay không?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền giải đáp: Hiện nay, bạn đang hưởng phụ cấp nghề theo Nghị định 56, tuy nhiên trong thời điểm dịch thực hiện kết luận 25 của Bộ Chính trị liên quan đến phòng dịch có điều chỉnh mức phụ cấp, Chính phủ ban hành Nghị định 05, trường hợp, những nhân viên y tế trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch tại địa phương mà có sự huy động bằng các văn bản thì được hưởng đúng theo mức quy định là 100% trong thời gian từ ngày 1/1/2022 - 31/12/2023.
Bên cạnh đó, tại buổi đối thoại trực tiếp và giao lưu trực tuyến sáng ngày 26/5, nhiều câu hỏi, thắc mắc khác của công đoàn viên, người lao động và bạn đọc đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng.
Phát biểu bế mạc cuộc Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, sau thời gian gần 3 giờ đồng hồ, với trên 30 câu hỏi tập trung liên quan đến các chế độ, chính sách đối với người lao động như: Tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu, chế độ thai sản, thời giờ làm việc... là những vấn đề được người lao động hết sức quan tâm.
Cũng chính qua những buổi giao lưu này, giúp các cán bộ, CNVCLĐ, các Công đoàn cơ sở có thêm kiến thức để truyền tải cho đoàn viên và người lao động. Do thời lượng có hạn vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô mong muốn đoàn viên, người lao động sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, Báo Lao động Thủ đô sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên Báo Lao động Thủ đô.
Chiều cùng ngày, Báo Lao động Thủ đô đã phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Tây Hồ tổ chức buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động”.
Tham gia giải đáp câu hỏi của đoàn viên, người lao động có các chuyên gia: Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Tại buổi đối thoại, chị Trần Thu Hương, Công đoàn Trường THCS Tứ Liên có câu hỏi: Tôi là giáo viên trung học cơ sở hạng 1 nhưng vì không có bằng Thạc sĩ nên bị xếp sang hạng 2. Theo quy định mới thì giáo viên trung học cơ sở không cần có bằng Thạc sĩ, vậy chúng tôi có được hưởng tiền lương của giáo viên hạng 1 nữa không?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà trả lời: Trước đây tiền lương của cán bộ, viên chức ngành giáo dục theo từng bậc, nếu ở mức 1 hoặc mức 2 đều có những tiêu chí nhất định. Khi giao thời giữa các văn bản khác nhau thì mức lương sẽ nhận khác nhau.
Thông tư 03 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn hóa chức danh về giáo dục, cụ thể bậc trung học cơ sở giáo viên hưởng ở mức 1 phải có bằng Thạc sĩ, hiện nay tiêu chuẩn mới nâng từ bằng Cử nhân lên Thạc sĩ nếu chưa đáp ứng được điều kiện đó thì phải quay lại mức 2. Trong trường hợp này mặc dù trước đây bạn đang hưởng mức 1 nhưng Thông tư 03 quy định rất rõ thì phải chấp hành theo quy định, nếu bạn không bổ sung được bằng Thạc sĩ thì phải hưởng theo mức hạng 2.
Chị Trần Thị Nga - Công ty cổ phần khách sạn Thắng Lợi đặt ra câu hỏi: Theo Luật Lao động thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, tuy nhiên, người lao động có nguyện vọng khám sức khỏe ở 1 cơ sở bên ngoài. Người lao động có thể tự khám sức khỏe bên ngoài và nộp giấy tờ cho công ty để công ty chi trả không?
Về vấn đề này, Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng giải đáp: Câu hỏi này cũng là băn khoăn của nhiều người lao động. Tuy nhiên, theo quy định của Luật là không. Vì người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động. Sau khi khám cho người lao động, đơn vị khám bệnh phải tổ chức tổng hợp kết quả và báo cáo lên. Tuy nhiên, người sử dụng lao động có thể kết hợp khám cho người lao động ở nhiều cơ sở.
Đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH Làng hoa Thụy Khuê có thắc mắc liên quan đến vấn đề cấp bảo hộ lao động: Trước đây, hàng năm công ty cấp bảo hộ lao động cho người lao động nhưng hiện nay 2 năm rồi chưa cấp bảo hộ lao động, chúng tôi có nên kiến nghị không?
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng thông tn đến công đoàn viên: Thông tư 04 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn số lượng cấp bảo hộ lao động do doanh nghiệp và Công đoàn thỏa thuận thống nhất. Theo quy định chủng loại do nhà nước quy định nhưng thời hạn cấp do doanh nghiệp quy định nhưng với nguyên tắc người lao động làm việc phải được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.
Luật sư Nguyễn Văn Hà bổ sung thêm thông tin về vấn đề trên: Trường hợp này bạn tìm các văn bản công ty ký với người lao động hoặc Thỏa ước lao động xem quy định cấp bảo hộ lao động như thế nào. Nếu quy định 1 năm cấp 1 lần thì đại diện người lao động có ý kiến đề nghị người sử dụng lao động cung cấp.
Một bạn bạn đọc tham gia giao lưu trực tuyến hỏi các chuyên gia: Tôi làm việc tại công ty sản xuất bánh kẹo được 20 năm. Tháng 5/2022 chúng tôi nhận được hồ sơ thôi việc và chúng tôi đã có đơn gửi công ty về việc giải quyết chế độ thôi việc. Tuy nhiên, công ty không chi trả tiền trợ cấp mà lấy lý do là theo chính sách của công ty nên khấu trừ tiền BHXH của người lao động (khấu trừ từ tháng 9/2009). Vậy chúng tôi không có thỏa thuận về việc công ty đóng hộ và thu lại tiền BHXH khi chúng tôi nghỉ việc?
Luật sư Nguyễn Văn Hà trả lời bạn đọc: Trong cả quá trình làm việc tại doanh nghiệp 20 năm đã có hồ sơ rất rõ chế độ người lao động được hưởng bình thường. Do vậy, việc cam kết khấu trừ BHXH là không đúng. Người lao động có thể đảm bảo quyền lợi của mình bằng việc kiện ra tòa để doanh nghiệp hoàn trả số tiền nếu bị khấu trừ.
Bên cạnh đó, rất nhiều câu hỏi, thắc mắc khác của công đoàn viên, người lao động và bạn đọc đã được các chuyên gia giải đáp nhiệt tình, cụ thể, rõ ràng.
Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết: Hằng năm Báo đều tổ chức trên 10 cuộc Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến. Hôm nay, tại quận Tây Hồ, sau gần 3 giờ, với hơn 30 câu hỏi tập trung vào những chế độ chính sách liên quan thiết thân đến người lao động như: Chế độ BHXH, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động… hầu hết các câu hỏi đã được chuyên gia giải đáp thỏa đáng.
Cùng với đó, Báo cũng nhận được trên 100 câu hỏi gửi trực tuyến qua hộp thư điện tử của Báo Lao động Thủ đô nhưng do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu. Bởi vậy, Báo Lao động Thủ đô mong muốn công nhân lao động sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, Báo sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc.