Phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Động lực phát triển kinh tế tư nhân

Bài 3: Nhận diện những “điểm nghẽn”

Bài và ảnh: THU HÀ - PHẠM HẰNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Công tác phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đã góp phần xác lập nền tảng hạt nhân chính trị ở cơ sở, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp. Song, công tác này đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức bởi những “điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện.

Bài 3: Nhận diện những “điểm nghẽn” - ảnh 1
Lễ công bố quyết định thành lập Chi bộ Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại DKT quận Nam Từ Liêm; Ảnh: PV

Cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ 

Kể từ khi ban hành cho đến thời điểm này, có thể khẳng định Nghị quyết 09-NQ/TU (NQ 09) của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có những kết quả thành công nhất định. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng xuất hiện những khó khăn trở thành “rào cản” lớn trong quá trình triển khai thực hiện. Đây cũng chính là “điểm nghẽn” khiến cho công tác phát triển tổ chức Đảng trong khu vực ngoài Nhà nước bị chững lại, thậm chí khó thực hiện. 

Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thanh Minh, thực tế cho thấy một số cấp ủy Đảng, Chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nên ít quan tâm, không nắm rõ tình hình doanh nghiệp, không tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.  

Quận Nam Từ Liêm là một một trong những đơn vị đi đầu trong nhiều năm liền thực hiện NQ 09. Trên địa bàn quận Nam Từ Liêm có 14.978 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đang hoạt động và nộp thuế vào ngân sách quận; chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phạm vi hoạt động phân tán. Trong công tác phát triển Đảng, Đảng bộ quận hiện nay có 39 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc (với 18 Đảng bộ và 21 chi bộ trực thuộc), 344 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở; tổng số đảng viên của Đảng bộ là 11.140 đảng viên; trong đó có 100 chi bộ, đảng bộ trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với 930 đảng viên (riêng từ 2014 đến nay thành lập được 67 tổ chức Đảng, với 329 đảng viên). 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phương (nguyên Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực I): 
 
Phương thức hoạt động còn nhiều lúng túng, bất cập
 
 Những hạn chế, yếu kém trong công tác phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước như: Một số cấp ủy, chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc thành lập, hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Vị trí, vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên chưa đủ mạnh, chất lượng, hiệu quả hoạt động còn thấp. Một số nơi hoạt động còn hình thức, chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ chưa cao, chưa thực sự là "hạt nhân chính trị", chưa có ảnh hưởng lớn đến chủ doanh nghiệp và người lao động…
 
Những hạn chế trên là do mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, nội dung, phương thức hoạt động còn nhiều lúng túng, bất cập; quy định, quy chế hoạt động chưa phù hợp với sự đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng trong Đảng bộ Thành phố chưa nhận thức đầy đủ, chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Thành uỷ và cấp uỷ các cấp, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành uỷ và Ban Chỉ đạo Thành phố; thiếu chủ động, sáng tạo, công tác kiểm tra, giám sát chưa kịp thời, thường xuyên. Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp về sự cần thiết phải xây dựng, thành lập tổ chức Đảng, phát triển đảng viên còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, chưa tạo được thống nhất trong nhận thức và sự đồng tình, ủng hộ của chủ doanh nghiệp, người lao động…

Thừa nhận những khó khăn trong quá trình triển khai, ông Trần Đức Hoạt, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: Hiện nay, việc thực hiện NQ 09 ở quận Nam Từ Liêm có một số khó khăn, vướng mắc như: Một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ mục đích, ý nghĩa của việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp, chưa quyết liệt trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết; công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, củng cố tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đôi khi chưa thường xuyên, kịp thời. Một số cấp ủy chi bộ chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị ở doanh nghiệp; chế độ, nề nếp sinh hoạt ở một số đơn vị thực hiện chưa nghiêm, chất lượng chưa cao, nội dung sinh hoạt còn sơ sài; kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể của một số Bí thư chi bộ, cán bộ phụ trách còn yếu. 

Đảng bộ Khối Doanh nghiệp quận Nam Từ Liêm được thành lập năm 2015, ban đầu có 13 chi bộ với 149 đảng viên. Đến nay, tổng số có 51 Chi bộ trực thuộc với 615 đảng viên, trong đó có 45 đồng chí bí thư chi bộ là Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Hiệu trưởng và Hiệu phó. Từ thực tiễn công tác phát triển tổ chức Đảng trong Đảng bộ Khối doanh nghiệp quận, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp quận Nam Từ Liêm Phạm Quang Tuấn cũng thừa nhận thực trạng cấp ủy và đảng viên được giao làm nhiệm vụ công tác Đảng của chi bộ trong các doanh nghiệp phải kiêm nhiệm, chưa có kinh nghiệm, nên nghiệp vụ công tác Đảng vẫn còn nhiều hạn chế. 

Chính vì các cấp ủy còn hạn chế nhận thức đầy đủ về công tác phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước nên việc thuyết phục, vận động các doanh nghiệp rất khó. Có những địa phương, công tác vận động phải qua trên dưới chục năm mới thuyết phục được doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả khi chi bộ được thành lập trong các doanh nghiệp thì công tác phát triển đảng viên của những chi bộ này cũng không kém phần gian nan. Và nguyên nhân cũng bởi cấp ủy vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của công tác phát triển Đảng viên. 

Ông Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Chi bộ, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Hãng Sơn Đông Á cho biết: Nguyên nhân khiến tỷ lệ tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh so với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố chiếm tỷ lệ rất thấp, tỷ lệ người lao động mong muốn tham gia tổ chức chính trị, chính trị - xã hội còn hạn chế là do một số cấp ủy Đảng, Chính quyền chưa thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền vận động đối với chủ doanh nghiệp về nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp chưa phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong công tác tham mưu xây dựng Đảng, đoàn thể; trong đó có việc thuyết phục, bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn phát triển đảng viên. Cấp ủy trong một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức công tác phát triển đảng viên mới trong lực lượng công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Do vậy, lực lượng công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp dù rất lớn nhưng số công nhân, người lao động được xem xét, kết nạp vào Đảng hàng năm chưa nhiều. 

Doanh nghiệp còn e ngại, không mặn mà 
Bên cạnh “điểm nghẽn” về nhận thức của các cấp ủy thì nhận thức của các doanh nghiệp đối với việc thành lập tổ chức Đảng cũng là một “điểm nghẽn” được nhận diện trong quá trình triển khai thực hiện NQ 09 tại nhiều quận, huyện của TP Hà Nội. 

Theo ông Trần Đức Hoạt, Bí thư quận ủy Nam Từ Liêm, đối với số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không có hoặc có dưới 3 đảng viên, việc thành lập tổ chức Đảng, các đoàn thể  rất khó. Nguyên nhân là do chủ doanh nghiệp còn e ngại việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Tại một số doanh nghiệp, bí thư cấp ủy không giữ vị trí lãnh đạo, quản lý; bí thư, cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt của các đoàn thể trong doanh nghiệp hầu hết kiêm nhiệm, do vậy thời gian, điều kiện dành cho công tác xây dựng Đảng không nhiều, ít được bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể nên chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể còn hạn chế. 

- “Tình hình dịch bệnh Covid-19 thời gian vừa qua diễn biến phức tạp dẫn tới doanh nghiệp hoạt động khó khăn, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, một số tổ chức cơ sở Đảng phải giải thể, trả mặt bằng kinh doanh, đảng viên, đoàn viên, người lao động chuyển dịch sang đơn vị khác khiến cho công tác tuyên truyền, vận động phát triển tổ chức Đảng càng gặp khó khăn hơn” - ông Hoạt cho biết. 

Còn Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp quận Nam Từ Liêm Phạm Quang Tuấn khẳng định mặc dù đã được gặp gỡ, tuyên truyền, vận động nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng vào việc sản xuất kinh doanh, một số chủ doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được tác dụng của việc thành lập tổ chức Đảng đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) được tách ra từ xã Mễ Trì trước đây, thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/4/2014. Hiện nay, Đảng ủy phường có 6 chi bộ doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đang hoạt động với 31 đảng viên.

Đề cập về khó khăn hạn chế trong quá trình triển khai NQ 09, ông Nguyễn Khắc Vững, Bí thư Đảng ủy Phường Mễ Trì cho biết: Đảng ủy phường thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về việc thực hiện NQ 09 của Ban Thường vụ Thành ủy. Chủ động tiến hành rà soát các doanh nghiệp hiện có trên địa bàn, nắm chắc hoạt động của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp có tổ chức Đảng và các đoàn thể hoạt động, tìm nguồn phát triển các chi bộ trong doanh nghiệp và đoàn thể. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường chưa thực sự phối hợp, hợp tác với địa phương, tạo điều kiện để tổ công tác tiếp cận, tuyên truyền thành lập chi bộ. Có những doanh nghiệp, tổ công tác đã mất hàng năm để tiếp cận, tuyên truyền nhưng vẫn chưa có kết quả. Bên cạnh đó, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đảng của một số Bí thư chi bộ, lãnh đạo đoàn thể trong doanh nghiệp còn yếu, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa dành nhiều thời gian cho công tác Đảng cũng là hạn chế lớn cho việc thực hiện Nghị quyết. 

Sự bất cập này cũng diễn ra trong quá trình thực hiện tại huyện Hoài Đức, Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Đức nêu thực trạng tại địa phương: Đó là việc khảo sát, thành lập mới các chi bộ và phát triển Đảng trong các doanh nghiệp không đơn giản do doanh nghiệp chủ yếu là hộ sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Chủ doanh nghiệp không phải là đảng viên nên khó khăn khi thành lập chi bộ và bầu bí thư chi bộ. Cùng với đó, sự lãnh đạo, hướng dẫn của nhiều cấp ủy cấp trên đối với hoạt động của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều nơi chưa ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung sinh hoạt Đảng, nghiệp vụ công tác đảng cho phù hợp với điều kiện đặc thù của doanh nghiệp. 

- “Một số doanh nghiệp chỉ coi trọng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, ít chú ý đến công tác phát triển đảng viên. Phần lớn công nhân, người lao động trong doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, mà chưa thực sự thiết tha phấn đấu trở thành đảng viên. Bên cạnh đó, sự biến động thường xuyên về nguồn lao động của các doanh nghiệp cũng là trở ngại lớn cho công tác kết nạp đảng viên và phát triển tổ chức Đảng…”- ông Nghĩa cho biết. 

Như vậy, qua thực tế cho thấy, đa phần các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ, nên các chỉ tiêu về phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân chưa đạt yêu cầu đề ra. Số lượng tổ chức Đảng được thành lập còn ít so với tổng số đơn vị kinh tế tư nhân hiện có. Chất lượng hoạt động của nhiều tổ chức Đảng chưa cao, vai trò lãnh đạo còn mờ nhạt. Các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân thường có ít đảng viên, nề nếp sinh hoạt chi bộ không đều, chất lượng sinh hoạt thấp; chưa chú ý tạo nguồn kết nạp đảng viên; kinh phí hoạt động của tổ chức Đảng còn hạn hẹp và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chủ doanh nghiệp; tỷ lệ tổ chức Đảng trên tổng số đơn vị cũng như số đảng viên trên tổng số lao động trong khu vực kinh tế tư nhân còn rất thấp… Đây là những “điểm nghẽn” được nhận diện trong trong 10 năm thực hiện NQ 09, và nó cần có những giải pháo để tháo gỡ trong thời gian tới.

Bài 4: Nỗ lực vượt khó

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: