Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

HUYỀN TRANG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng giúp phát hiện kịp thời và điều trị sớm các căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng việc sinh đẻ, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số, giúp xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.

Tỷ lệ cặp đôi khám sức khỏe tiền hôn nhân còn thấp

Thống kê của Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh năm 2022 ghi nhận 950 cặp đôi khám sức khỏe tiền hôn nhân trong tổng số 1.900 cặp dự định kết hôn. Mặc dù con số này có tăng theo từng năm nhưng vẫn còn ở mức thấp so với mục tiêu về công tác dân số “tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%”.

Năm 2023, Hà Nội là một trong 5 tỉnh, thành phố được giao chỉ tiêu mỗi năm tăng thêm ít nhất 15% tỷ lệ nam, nữ khám sức khỏe tiền hôn nhân so với năm 2022. Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, trong năm 2022, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn thành phố là 31,9%; chỉ tiêu này được đặt ra trong năm 2023 là 50%. Kết quả, trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 53,4% (vượt kế hoạch đề ra).

Đây là kết quả khá khả quan, và để có được kết quả đó, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã đề nghị Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp các đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng. Đồng thời, thực hiện tư vấn tại cộng đồng, tư vấn tại các tụ điểm, các trường học, câu lạc bộ…; giới thiệu các cặp nam, nữ đến các cơ sở dịch vụ có đủ điều kiện theo quy định thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi những trường hợp khi khám phát hiện hoặc nghi ngờ có các bệnh hoặc mang gen bệnh di truyền để tiếp tục tư vấn, tầm soát, chẩn đoán sàng lọc khi mang thai và trước khi sinh.

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số - ảnh 1
Ảnh minh họa

Mặc dù vậy, ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, tỷ lệ các cặp đôi khám sức khỏe tiền hôn nhân vẫn còn thấp. ThS.BS Nguyễn Tân Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế lo ngại, hiện nay, việc tuyên truyền để các bạn trẻ thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn tại các địa phương hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đó, bản thân các bạn trẻ trước khi kết hôn vẫn chưa thấy đó là việc quan trọng, cần thiết. Vẫn chưa có sự bàn bạc, thảo luận của cả 2 về vấn đề này. Các bậc phụ huynh của cả 2 phía gia đình cũng chưa coi đó là việc cần làm, chưa nói đến nhiều gia đình còn không đồng tình.

Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin cho các bạn trẻ trước khi kết hôn vẫn đang sử dụng các cách tiếp cận truyền thống là chính, việc áp dụng một số các hình thức truyền thông sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông như tương tác qua mạng xã hội, đường dây nóng… vẫn đang ở qui mô thử nghiệm sáng kiến trong khuôn khổ các dự án và chưa có các bằng chứng thuyết phục về kết quả thay đổi hành vi của các bạn trẻ.

Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) trong nhà trường (một cách tiếp cận sớm đối tượng trước khi kết hôn) đang được thực hiện thí điểm và cũng chưa cập nhật với nội dung và phương pháp tiếp cận giáo dục giới tính và tình dục toàn diện… nội dung giáo dục này phụ thuộc vào sự tự nguyện của từng trường.

Các hoạt động truyền thông cung cấp thông tin, tư vấn về SKSS, SKTD vị thành niên-thành niên tới các đối tượng vị thành niên-thành niên ngoài nhà trường cũng đã được thực hiện nhưng tổ chức rời rạc, phạm vi hẹp và thiếu tính đồng bộ. Công tác đầu tư kinh phí, xây dựng mô hình, định hướng, hướng dẫn các hoạt động truyền thông từ các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, vẫn còn chồng chéo, sự phối hợp chưa thật hiệu quả.

Việc các cặp đôi không khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể gây ra một số hậu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình và chất lượng dân số. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ở thế kỷ XXI, vô sinh - hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba - đứng sau ung thư, bệnh tim mạch. Theo thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy: Mỗi năm, cả nước có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh - hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) tăng đến 15% - 20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Tỉ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.

Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 1,5 triệu trẻ em được sinh ra, trong đó có khoảng 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh bởi các bệnh lý di truyền. Các dị tật phổ biến như: Down, hội chứng Ewards (rối loạn di truyền hiếm gặp ở thai nhi), dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD (xanh xao, mệt mỏi), tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác. Những đứa trẻ này phải sống trong cảnh bệnh tật, dị tật suốt đời, mất đi cơ hội sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Chi phí điều trị lớn, người mắc bệnh di truyền nặng và gia đình phải đi theo chăm sóc suốt đời, mất khả năng lao động, tạo gánh nặng lớn cho cả gia đình và xã hội.

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhiều lợi ích từ khám sức khỏe tiền hôn nhân

Trong phiên thảo luận kinh tế xã hội tại Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng khám sức khỏe tiền hôn nhân là cần thiết nhằm sớm phát hiện các bệnh lý như viêm gan B, C, giang mai đặc biệt là bệnh di truyền, bệnh tim.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức cũng cho biết từng chứng kiến nhiều trường hợp đến khi đi sinh người phụ nữ mới biết mình bị hẹp van tim, suy tim, suy thận nặng. Khi vào sinh bị suy tim cấp, khiến bác sĩ rất đau xót phải đưa ra quyết định cứu mẹ hay cứu con. Những vấn đề này, hoàn toàn có thể tránh được nếu khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Đánh giá lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân, ThS.BS Nguyễn Tân Sơn cho biết, tư vấn và khám sức khoẻ sinh sản trước kết hôn là một vấn đề cần sự hiểu biết sâu, cần có quan điểm đúng, thái độ đúng của cả 2 bạn trẻ trước khi quyết định đến với hôn nhân, có ảnh hưởng tới hạnh phúc cả đời, thì việc chỉ nghe trên đài báo, lướt mạng xã hội thôi thì chưa đủ, chưa nói đến sẽ hiểu lệch lạc, hiểu sai.

“Chúng ta cần biết: Khám sức khỏe trước kết hôn là việc rất cần thiết, để giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này. Việc khám sức khỏe trước kết hôn không chỉ đơn thuần là thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của mình mà còn là thể hiện trách nhiệm đối với người chồng/vợ tương lai của mình. Khám sức khỏe trước kết hôn bao gồm khám sức khỏe tổng thể và khám sức khỏe sinh sản.

Thông qua khám sức khỏe trước kết hôn có thể phát hiện, hạn chế được một số bệnh, điển hình như: Hội chứng Down là hội chứng thường gặp nhất trong các bất thường về nhiễm sắc thể'; bệnh huyết tán bẩm sinh (Thalassemia) cũng là loại bệnh di truyền do biến đổi gen từ nhiều thế hệ trước; con bị dị tật không có não, thoát vị não, não úng thuỷ, bại não, dị tật cơ xương, sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tứ chi, dị tật bộ phận sinh dục... chết ngay khi ra đời hoặc dù sống được nhưng nỗi khổ vẫn đeo đẳng bản thân đứa trẻ, gia đình và xã hội suốt đời; phát hiện HVI, viêm gan B.

Hiện tại các bạn trẻ có nhu cầu được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn thì cần đến các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên. Tuy nhiên, trước khi quyết định cùng nhau đi khám sức khoẻ trước kết hôn các bạn cần gặp cán bộ dân số quản lý trên địa bàn để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể, kể cả các địa chỉ có uy tín, có chính sách miễn, giảm kinh phí…” – ThS.BS Sơn khuyên.

Khám sức khoẻ trước khi kết hôn được thực hiện qua các bước sau:

Bước 1. Quyết định: Khi cả hai quyết định mối quan hệ từ tình bạn sang tình yêu, muốn được hướng dẫn phòng tránh thai và phòng tránh nhiễm khuẩn, lây truyền qua đường tình dục, có những băn khoăn, những điều muốn được giải đáp, muốn được hiểu thêm về bạn tình, về hành vi tình dục…

Bước 2. Gặp gỡ cộng tác viên dân số thôn, bản và viên chức dân số cấp xã. Cán bộ dân số sẽ tư vấn về tâm lý, thời gian, địa điểm khám, công tác chuẩn bị…

Bước 3. Liên hệ và đặt lịch với cơ sở y tế nơi thực hiện khám sức khoẻ trước kết hôn.

Bước 4. Khám sức khoẻ tại cơ sở y tế. Tại cơ sở y tế các bác sĩ sẽ thực hiện các nội dung khám như sau:

Đối với vị thành niên/thành niên nữ: Khám toàn thân; khám vú; khám bộ phận sinh dục ngoài; thử hCG nước tiểu hoặc siêu âm (nếu nghi có thai); siêu âm trong các trường hợp cần xác định sự phát triển bình thường hay bất thường của hệ sinh sản (tử cung, buồng trứng..); soi tươi, nhuộm Gram (khí hư); định lượng huyết sắc tố;

Đối với vị thành niên/thành niên nam: Khám toàn thân; khám bộ phận sinh dục: Tinh hoàn, dương vật, lông mu và khám hậu môn khi cần thiết (chỉ thực hiện khi có yêu cầu chẩn đoán và phải được sự đồng ý của vị thành niên); xét nghiệm chất tiết niệu đạo; siêu âm tinh hoàn, tiền liệt tuyến và các xét nghiệm khác (nếu cần).

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cảm động hành động xếp quạt, pha nước chanh mời người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Thời tiết hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang bắt đầu oi nóng, nhiều người dân từ khắp mọi miền đất nước đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Để xua tan không khí oi bức, người dân trên địa bàn thôn Lại Đà đã dành những tình cảm trân quý, tận tay pha nước mát, mở quạt dọc tuyến đường vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Người dân Đông Anh và cả nước vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng nay (25/7), lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cùng thời gian trên, lễ viếng diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư - xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).
Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Nội vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, người đồng chí mẫu mực và kính yêu mất đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ, đồng bào cả nước. Đồng chí mất đi, nhưng những di sản mà đồng chí để lại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân sẽ mãi trường tồn, là điểm tựa cho đất nước, cho Thủ đô tiếp tục tiến lên, dựng xây non sông Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Trong những chỉ đạo, định hướng lớn với Đảng bộ Hà Nội về phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu luôn được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm...